Không lợi dụng điều tra TNGT xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang lấy ý kiến đã bổ sung thêm Điều quy định về điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, bao gồm: Nguyên tắc, nội dung điều tra, giải quyết TNGT đường bộ; Kết luận vụ TNGT.
Trong đó, về nguyên tắc, tất cả các vụ TNGT xảy ra phải được điều tra, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan.
Cơ quan công an có thẩm quyền chịu trách nhiệm tổ chức điều tra, giải quyết TNGT theo quy định của pháp luật; Trường hợp vụ TNGT liên quan đến người, phương tiện do quân đội quản lý có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra quân sự điều tra, giải quyết. Các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ TNGT có trách nhiệm phối hợp giải quyết.
Đặc biệt, dự thảo cũng quy định: Không lợi dụng công tác điều tra, giải quyết TNGT để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đối với các vụ TNGT liên quan đến người và phương tiện của các cơ quan ngoại giao có trụ sở tại Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Kiểm tra nồng độ cồn, ma túy mọi tài xế liên quan đến TNGT
Dự thảo luật quy định một trong những nội dung điều tra, giải quyết tất cả các vụ TNGT đó là kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy và các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng của người điều khiển phương tiện liên quan đến TNGT.
Thực tế, tại Thông tư 63/2020 quy định về điều tra giải quyết TNGT đường bộ của cảnh sát giao thông đã có quy định lực lượng CSGT phải sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang cấp để kiểm tra ngay nồng độ cồn hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng đối với người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ TNGT tại hiện trường hoặc yêu cầu cơ sở y tế kiểm tra nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn đang được cấp cứu.
Ngoài ra, tại Thông tư liên tịch 26/2014 của Bộ Y tế và Bộ Công an quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó cũng quy định trường hợp phải kiểm tra nồng độ cồn trong máu, gồm: Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây tai nạn hoặc bị TNGT và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có liên quan đến TNGT được cán bộ công an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết TNGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
Như vậy, đề xuất tại dự thảo Luật đã luật hóa các quy định trên từ đó, đảm bảo việc thực thi quy định được thống nhất, toàn diện và chặt chẽ.
Ngoài quy định kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích, dự thảo cũng quy định các nội dung khác liên quan đến điều tra, giải quyết TNGT, bao gồm: Khám nghiệm hiện trường, phương tiện, tử thi, công trình đường bộ liên quan trực tiếp đến vụ TNGT; Tạm giữ phương tiện, đồ vật, thông tin, tài liệu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề của người điều khiển phương tiện.
Ghi lời khai của những người điều khiển phương tiện; người bị nạn; người làm chứng và những người có liên quan khác trong vụ TNGT; Xem xét dấu vết trên thân thể người bị nạn; kiểm tra, xác minh phương tiện, người điều khiển phương tiện; hành khách, hàng hóa vận chuyển và các loại giấy tờ khác có liên quan; Giám định chuyên môn và dựng lại hiện trường.
Đối với kết luận TNGT, phải xác định được diễn biến, nguyên nhân, lỗi và điều kiện liên quan trực tiếp đến vụ TNGT.
Từ đó, đề xuất xử lý vụ TNGT và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục những sơ hở, thiếu sót nhằm bảo đảm TTATGT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận