Ông Nguyễn Tuấn Anh |
Dù quy định xử lý tài sản không rõ nguồn gốc không được đưa vào Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, nhưng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ - thành viên Tổ biên tập, Luật có rất nhiều điểm mới, khắc phục được tình trạng như “hổ không răng” trước đây.
Khắc phục tình trạng luật “như hổ không răng”
Sau khi Luật PCTN (sửa đổi) được thông qua, không ít người tỏ ra “thất vọng” khi quy định xử lý tài sản không giải trình rõ nguồn gốc của quan chức lại bị đưa ra khỏi luật. Vậy điểm mới, quan trọng nhất của luật là gì, thưa ông?
Đúng là lâu nay Luật PCTN vẫn bị chê “như hổ không răng”, bởi đưa ra nhiều quy định, trách nhiệm về công khai, minh bạch, về các giải pháp phòng ngừa… song lại không có chế tài kèm theo. Còn lần sửa đổi vừa qua, tình trạng này đã được khắc phục phần nào với việc lần đầu tiên quy định cụ thể một số hành vi vi phạm và gắn với đó là chế tài cụ thể.
Mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, về đối tượng kê khai tài sản, luật lần này mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu đến tất cả cán bộ, công chức và một số viên chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập, DN nhà nước. Theo kế hoạch, trước ngày 31/12/2019 sẽ có mẫu mới để hoàn tất việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của luật. Sẽ có khoảng 2 triệu bản kê khai lần đầu. Quy định này giúp hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Từ đó, có thể chủ động kiểm soát biến động tài sản, thu nhập; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để xác minh được nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có chức vụ, quyền hạn. Tới đây, TTCP sẽ chủ trì đề án để xây dựng cơ sở dữ liệu này. |
Luật cũng đã được sửa đổi toàn diện ở tất cả các chế định, từ những quy định chung đến các biện pháp phòng ngừa và cơ chế phát hiện, xử lý tham nhũng. Đầu tiên, luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước nhằm khắc phục tình trạng “sân sau, sân trước”. Tiếp đó dành hẳn một chương quy định trách nhiệm người đứng đầu phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng ra sao, gắn với đó là trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới khi để xảy tham nhũng ở cơ quan mình.
Đáng lưu ý, luật quy định theo hướng chuyển trạng thái từ minh bạch tài sản, thu nhập sang kiểm soát tài sản, thu nhập. Bởi minh bạch chỉ tính chất tự nguyện, nhưng giờ kiểm soát thì giao cho hệ thống các cơ quan làm nhiệm vụ chuyên trách có tính chất độc lập tương đối để theo dõi, kiểm soát, xác minh người có nghĩa vụ kê khai. Đặc biệt, việc xác minh tài sản, thu nhập sẽ chủ động theo lựa chọn ngẫu nhiên hoặc theo yêu cầu. Trong quá trình xác minh, cơ quan kiểm soát được yêu cầu cung cấp thông tin, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng tài sản, khi phát hiện vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đây thực sự là điểm mới rất có ý nghĩa, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng sau này có được thông tin về tài sản, thu nhập và áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để thu hồi có hiệu quả tài sản tham nhũng nếu vụ việc bị khởi tố để điều tra.
Thời gian qua nổi lên câu chuyện xe sang, biệt phủ của quan chức, dù thanh tra vào cuộc nhưng cuối cùng vẫn không tìm ra hướng để xử lý tài sản. Vướng mắc nằm ở đâu, thưa ông?
Qua tổng kết 10 năm, thanh tra các cấp đã tiến hành xác minh gần 5.000 trường hợp. Nhưng rồi gần như chưa phát hiện, kết luận được trường hợp nào có tài sản bất minh hay do tham nhũng mà có. Điển hình như vụ việc biệt phủ của Giám đốc Sở ở Yên Bái vừa qua. Thanh tra Chính phủ lập đoàn xác minh nhưng cuối cùng xác minh nguồn gốc để xử lý tài sản lại vướng bởi luật không có quy định cụ thể về việc này.
Từ thực tế đó cho thấy, quyền tài sản được pháp luật bảo hộ rất mạnh nhưng chúng ta lại thiếu các công cụ pháp lý, thẩm quyền đặc biệt để tác động khi có nghi ngờ đó là tài sản bất minh. Ngoài ra, cần phải có lực lượng chuyên trách, có quy trình nghiệp vụ bài bản mới có thể đi vào lĩnh vực mà vốn được bảo hộ chặt chẽ này.
Không “bó tay” với giải trình “xây biệt phủ nhờ buôn chổi đót”
Dù sao vẫn còn rất nhiều băn khoăn khi việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc đã không được đề cập trong luật? Theo ông, đây có phải điều đáng tiếc?
Đây đúng là vấn đề quan trọng, nhưng cũng rất khó khi chưa kiểm soát được thu nhập, chi tiêu trong toàn xã hội. Khi đặt ra câu chuyện xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, cả Chính phủ và Quốc hội đều rất trăn trở để tìm các giải pháp hữu hiệu, thiết thực. Không phải Quốc hội không quy định, không muốn quy định hay muốn giữ nguyên mà sau khi thảo luận, phân tích rất kỹ lưỡng ưu, nhược điểm từng giải pháp thì thấy đều chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt pháp luật, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam nên chưa quy định.
Đây cũng thể hiện sự thận trọng, nghiêm túc của Quốc hội trong quá trình xem xét vấn đề này. Tôi nghĩ, quy định mà không áp dụng được bản thân người dân, xã hội cũng sẽ đặt câu hỏi “tại sao” và như thế sẽ phản tác dụng.
Vậy tới đây, nếu tiếp tục có quan chức sở hữu tài sản khủng giải trình “nhờ chạy xe ôm, buôn chổi đót”, không lẽ chúng ta lại bó tay?
Chúng ta sẽ không “bó tay” vì với những quy định mới của Luật PCTN (sửa đổi) có thể xử lý được. Luật mới đã quy định rõ thẩm quyền của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Cơ quan này có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai giải trình về nguồn gốc tài sản. Nếu thấy giải trình không hợp lý, cơ quan này có quyền xác minh làm rõ nguồn gốc tài sản đó hình thành từ đâu, đã nộp thuế chưa, có dấu hiệu liên quan đến hành vi tham nhũng không. Nếu có liên quan đến tham nhũng thì chuyển ngay sang cơ quan có thẩm quyền để tiến hành thanh tra hoặc chuyển cơ quan điều tra.
Trước đây, ngay cả quy trình xác minh, yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai… cũng chưa chính thức thì luật mới lần này đã bổ sung nên rõ ràng phải làm đến cùng theo thẩm quyền. Nếu các cơ quan thanh tra không rõ, không làm đến cùng, sau này khi các cơ quan khác có thẩm quyền vào làm rõ được có vi phạm pháp luật thì chính cơ quan này và các cá nhân có liên quan, nếu có lỗi, cũng sẽ phải chịu trách nhiệm.
Cảm ơn ông!
Theo Điều 30 của Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), quy định về Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước. Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan, giải trình khi có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó hoặc để phục vụ việc xác minh tài sản, thu nhập... |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận