Quản lý

Lương cao, việc ổn định, đóng tàu vẫn khó tuyển nhân công

30/03/2023, 06:00

Khó tuyển nhân công trong khi đơn hàng nhiều, nguy cơ chậm tiến độ, các nhà máy đóng tàu đang tìm đủ cách để thuê lao động nước ngoài.

Thiếu trầm trọng nhân lực đóng tàu

Những ngày cuối tháng 3/2023, không khí lao động tại Nhà máy Đóng tàu Nam Triệu khá khẩn trương, các bộ phận sản xuất được huy động cho kịp tiến độ bàn giao sản phẩm.

Trong “guồng quay” hối hả đó, ông Vũ Đức Hiếu, tổ trưởng tổ sản xuất mộc nội thất cho biết, tổ chỉ có 6 người nhưng “đa di năng”, được huy động tham gia sản xuất ở nhiều bộ phận. Trước đây, tổ đông người hơn nhưng nghỉ hưu dần, thợ mới vào chỉ được một thời gian lại nghỉ việc. Nên giờ tổ toàn thợ “già”, ông Hiếu đã ngoài 50 tuổi, người ít tuổi nhất cũng trên 45 tuổi.

img

Công nhân Nhà máy Đóng tàu Nam Triệu thi công sản phẩm mới

Ông Hiếu chia sẻ, trung bình lương người lao động khoảng 11,5 triệu đồng/người/tháng. Khi kiêm thêm các việc khác hoặc làm thêm giờ, thu nhập sẽ cao hơn, có người thu nhập lên đến 20 triệu đồng/tháng.

“Thu nhập ổn định, các chế độ chính sách được công ty lo đầy đủ nhưng vẫn không tuyển được thợ. Cũng bởi nghề này nặng nhọc, độc hại, trong khi thanh niên hiện nay có nhiều lựa chọn ngành nghề hơn, có thể thu nhập không bằng nhưng nhàn hơn...”, ông Hiếu nói.

Xác nhận thực trạng này, đại diện Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu cho hay, đơn vị đang triển khai thi công 2 tàu hàng 66.000 tấn, sà lan tự nâng và các sản phẩm tàu sửa chữa, sản phẩm gia công kết cấu thép.

Trong khi lao động chỉ có khoảng 500 người, gồm trên 380 lao động trực tiếp, độ tuổi lao động bình quân 44 tuổi. Số lao động này không đủ để thực hiện các sản phẩm theo đúng tiến độ. Do đó, công ty phải thuê thêm thầu phụ với số lao động bình quân khoảng 350 người.

Cũng như vậy, ông Vũ Hữu Chiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đóng tàu Phà Rừng cho biết, hiện tình trạng thiếu thợ tại các đơn vị đóng tàu thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đang trở nên trầm trọng khi mà các đơn hàng vài năm gần đây nhiều hơn.

Như Phà Rừng, hiện có 650 lao động, kể cả quản lý; Trong đó công nhân lao động trực tiếp khoảng gần 500 người. Thiếu lao động cơ hữu, nhà máy đang phải sử dụng các nhà thầu phụ trong nước.

“Trước đây, các nhà máy đóng tàu thuộc SBIC cũng hợp tác, huy động lao động của nhau khi đơn vị này nhiều việc, đơn vị kia ít việc. Giờ các nhà máy cũng đang nhiều việc nên không hỗ trợ nhau được”, ông Chiến cho hay.

Tuyển mới đã khó lại thêm “chảy máu” lao động chất lượng cao

Ông Chiến cho biết, hiện công nhân làm trực tiếp đóng mới, sửa chữa tàu tại Phà Rừng hưởng lương theo khoán sản phẩm, trung bình khoảng 12-13 triệu đồng/tháng/người. Lương của công nhân hỗ trợ thấp hơn. Mức lương này không cao bằng một số ngành nghề khác nhưng ổn định, đều việc; Tuy vậy vẫn không tuyển được thợ.

img

Nghề đóng tàu nặng nhọc, độc hại nên không thu hút, tuyển được thợ. Ảnh: minh họa

Theo ông Chiến, theo quy định về đào tạo thợ đóng tàu, phải học ít nhất 12 tháng trong trường nghề, còn thông thường phải học 18-24 tháng. Khi về nhà máy làm việc lại tiếp tục được đào tạo tại chỗ. Yêu cầu ngoài thi công trực tiếp, thợ phải biết đọc bản vẽ, nắm các vấn đề kĩ thuật...

“Các nước châu Á có ngành cơ khí, đóng tàu phát triển thường sang Việt Nam “săn” lao động ngành đóng tàu. Như Hàn Quốc, Nhật Bản trả lương 1.500-2.000 USD/tháng nên thu hút được nhiều lao động đóng tàu Việt Nam đi xuất khẩu lao động.

Do đó, doanh nghiệp đóng tàu trong nước phải trả lương cao hơn mới giữ được họ. Nhưng điều này rất khó do đa số doanh nghiệp chỉ làm nhân công, không có thặng dư nhiều để trả lương cao hơn hẳn cho lao động”, ông Vũ Hữu Chiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đóng tàu Phà Rừng.

“Giờ không có lao động, nên không yêu cầu cao như trước nữa mà tuyển về đào tạo tại nhà máy, học đến đâu, làm đến đó và đào tạo qua tổ chức sát hạch, thi nâng bậc định kỳ hàng năm. Công ty cũng cho người đi các tỉnh, đến cả các xã miền núi tuyển lao động về để đào tạo nhưng vẫn không tuyển được vì họ ngại nghề đóng tàu vất vả, độc hại, nguy hiểm”, ông Chiến nói.

Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm cho biết, để giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực, công ty phải chấp nhận tuyển lao động học xong THPT, thậm chí THCS. Công ty trả một phần lương học nghề và sẽ tự đào tạo họ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Một thời gian sẽ cử họ học tại trường nghề, thi lấy chứng chỉ nghề.

“Với tình hình đơn hàng nhiều như hiện nay, công ty cần đến khoảng 200 lao động nữa, nhưng không tuyển được. Từ đầu năm đến nay tuyển được khoảng 20 người thì rơi rụng dần, người do không đáp ứng được yêu cầu công việc, người thấy vất vả nên bỏ việc.”, ông Hải nói.

Ông Hải cho biết thêm, tuyển mới đã khó lại thêm “chảy máu” lao động chất lượng cao. Thợ giỏi xin nghỉ việc, đi làm cho các doanh nghiệp đóng tàu tại Nhật Bản. Từ đầu năm đến nay đã có đến 6-7 thợ xin nghỉ. Trong khi thợ mới ra trường, phải vừa làm vừa được đào tạo cũng mất ít nhất 2-3 năm tay nghề mới tốt được.

Tính phương án thuê lao động nước ngoài

Đại diện Công ty Đóng tàu Nam Triệu cho biết, trước tình trạng thiếu thợ, đơn vị này đã phải thí điểm thuê lao động Ấn Độ từ tháng 10/2022, gồm 20 thợ hàn và 9 thợ sắt. Số lao động này được bố trí về các tổ sản xuất để làm quen với công việc, đồng thời để lao động của nhà máy hướng dẫn và kèm cặp thêm.

img

Tàu chở dầu/ hóa chất 6.500 DWT do Nhà máy Đóng tàu Phà Rừng thi công đóng mới xuất khẩu Hàn Quốc

Qua một thời gian thực hiện cho thấy, các lao động Ấn Độ có sức khỏe tốt, chuyên tâm làm việc, có ý thức tổ chức kỷ luật, vì vậy đã bù đắp một phần nhu cầu lao động.

“Việc sử dụng số lao động Ấn Độ này là hiệu quả. Chi phí còn thấp hơn thuê nhà thầu phụ Việt Nam, còn so với lao động cơ hữu của công ty thì chi phí cũng tương đương.

Mặt khác, số lao động này do công ty quản lý trực tiếp nên bố trí, giám sát được họ làm việc theo yêu cầu, đảm bảo chất lượng, tiến độ công việc. Công ty đang tính phương án thuê thêm lao động nước ngoài làm các công việc như thợ hàn, thợ sắt...”, đại diện Công ty Đóng tàu Nam Triệu nói.

Chia sẻ về giải pháp khắc phục thiếu nhân lực, ông Vũ Hữu Chiến cho hay, Phà Rừng vẫn ưu tiên các giải pháp duy trì lực lượng lao động cơ hữu, phát triển lao động trong nước. Tuy nhiên, trường hợp không tuyển được lao động trong nước, công ty đang tính phương án thuê lao động nước ngoài.

Theo ông Chiến, nếu tính tổng chi phí thuê lao động nước ngoài sẽ cao hơn so với sử dụng lao động trong nước, nhưng không nhiều. Ví dụ, chi bình quân cho một lao động nước ngoài, bao gồm tất cả các khoản lương, ăn ca, xe đưa đón, nơi ở... khoảng 20 triệu đồng/người/tháng thì chi cho lao động Việt Nam cũng phải khoảng 18,5 triệu đồng.

“Tuy nhiên việc thuê lao động nước nào, hình thức ra sao, bố trí, tổ chức lao động thế nào cần tính toán, cân nhắc kĩ. Cùng với trình độ lao động còn phải tìm hiểu cả văn hóa trong lao động, phải có tính kỷ luật cao.”, ông Chiến nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.