Đường sắt đô thị

Metro Nhổn - ga Hà Nội "bê bết" đến bao giờ?

14/06/2022, 07:08

Thêm một lần nữa, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội xin “dời lịch” về đích đến năm 2029, xin tăng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

Người dân và chuyên gia mong muốn gì vào sự thay đổi ở dự án này?

Khắc khoải chờ đợi ở tuổi xế chiều

Gần hai tháng nay, căn nhà số 15 lọt thỏm trong góc ngõ 51 phố Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội) của ông Lê Hữu Đa chìm trong nỗi buồn khi bệnh tình của bà Chu Thị Thắm - vợ ông trở nặng. Đều đặn, mỗi tuần 3 ngày lui tới Bệnh viện Xanh Pôn để chạy thận.

Trong căn phòng chật chội chưa đầy 20m2, tâm trạng của cụ già ngoài 80 tuổi thêm nặng nề khi ở cái tuổi “gần đất xa trời”, căn nhà gắn bó 50 năm đang đứng trước nguy cơ đổ sập do tác động từ quá trình thi công ga ngầm dự án đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội.

img

Những vết nứt lớn xuất hiện dày đặc trong căn nhà vợ chồng ông Đa đang sinh sống. Ảnh: Tạ Hải

Bà Thắm cho biết, tháng 1/2021, UBND phường Văn Chương, đại diện nhà thầu Huyndai - Ghella và đại diện gia đình đã có buổi làm việc xác định sự xuống cấp của ngôi nhà.

Theo tính toán, chi phí để làm một tuyến metro hiện nay có thể làm được 3 tuyến đường sắt đô thị có quy mô tương tự ở thời điểm 10 năm trước (đã tính đến yếu tố trượt giá). Nếu bây giờ chúng ta không quyết tâm gỡ rối, dự án kéo dài 5 - 10 năm nữa, chi phí thực hiện sẽ vô cùng đắt đỏ. Sự đánh đổi về mặt kinh tế là vô cùng lớn.

ThS. Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Trường Đại học GTVT Hà Nội


Sau đó không lâu, nhà thầu đã đề nghị hỗ trợ gia đình tạm trú tại căn nhà số 11 kế bên, toàn bộ chi phí thuê nhà (5 triệu đồng/tháng) phía nhà thầu sẽ chi trả cho đến khi thi công xong công trình. Họ cũng chấp nhận sẽ đền bù.

Song, cam kết chỉ thực hiện trong 5 tháng (từ tháng 4/2021 đến tháng 9/2021). Những tháng sau đó, hai vợ chồng già “đỏ mắt” chờ nhưng bặt vô âm tín.

Với đồng lương hưu 8 triệu đồng/tháng của hai vợ chồng, trong khi tiền chữa bệnh hàng tháng lên đến cả chục triệu, ông bà lại lóc cóc trở lại căn nhà cũ, chấp nhận sống chung với nỗi lo đổ sập bất cứ lúc nào.

Tương tự, gần 4 năm qua, gia đình chị Sửu tại số 431 đường Kim Mã cũng đang sống trong nơm nớp khi ngôi nhà 3,5 tầng đang ngày càng xập xệ sau thời gian thi công tuyến ga ngầm Kim Mã.

“Chỗ này, chỗ này và cả chỗ này nữa”, cánh tay của chị Nguyệt liên tục đảo hướng chỉ những vị trí xuống cấp tại căn phòng đầu tiên của tầng trệt. Ở đó không chỉ có những vết nứt mà còn là 2, 3 chiếc cột bung lớp vữa ngoài để trơ ra cốt thép hoen gỉ được đơn vị thi công đến thẩm định, đánh số rồi… để đấy.

Từ năm 2020 đến nay, tối thiểu 3 - 4 lần gia đình đã gửi đơn kiến nghị lên phường. Đến năm 2021, nhà thầu đến thẩm định, xác định độ nghiêng của ngôi nhà vượt ngưỡng cho phép.

Gia đình đề nghị trong thời gian chờ thống nhất phương án đền bù phải có giải pháp chằng chống để đảm bảo an toàn nhưng họ không thực hiện.

“Đến đầu năm 2022, phương án đền bù được phía đơn vị thi công đưa ra nhưng quá thấp. Đơn cử, trong khi một ngày công thuê thợ xây dựng trên thị trường đã 400 - 500 nghìn đồng thì họ chỉ đưa ra mức đền bù 246 nghìn đồng. Cảm thấy quá bất công, gia đình vẫn tiếp tục làm đơn kiến nghị”, chị Sửu nói.

“Trắng” thu nhập

“Chết điếng” khi nghe tin tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội tiếp tục lùi thời hạn vận hành, vợ chồng ông Khôi, sống tại số 443 Kim Mã không khỏi lo lắng khi càng kéo dài thời gian, thiệt hại kinh tế gia đình càng lớn.

“Tháng 5/2017, nhà thầu đến rào chắn và thông tin sẽ tháo rào sau 6 tháng. Thế nhưng, 4 -5 năm đã trôi qua, những hàng tôn vẫn ở đó. Trước đây, tầng 1 của gia đình cho thuê mỗi ngày 1 triệu đồng, cả năm thu nhập cũng được khoảng 400 triệu đồng. Kể từ khi đường bị rào chắn, thu hẹp, người thuê chẳng thuê nữa. Từ đó đến nay, gia đình “trắng” thu nhập”, ông Khôi giãi bày.

“Đến ngày 12/7 này, việc rào chắn thi công ga ngầm trên đường Trần Hưng Đạo vừa tròn 3 năm. Trong đó, 1 năm vừa qua, công trình ngưng trệ”, người phụ nữ bán hủ tiếu đầu ngõ 98A đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) nhẩm tính. Thực tế khác quá xa so với lời hứa hẹn của nhà thầu: chỉ làm 15 tháng phía nhà chẵn, sau đó sẽ dỡ tôn chuyển sang thi công phía nhà số lẻ.

Nếu trước đây mỗi ngày quán bán hủ tiếu hết 4 nồi nước dùng với 10 người phục vụ khoảng 30 bàn, nay một nồi không hết, số nhân viên chỉ còn 3 người.

Trực tiếp có mặt tại khu vực thi công 4 ga ngầm thuộc tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội trên đường Kim Mã, Quốc Tử Giám, Trần Hưng Đạo và Cát Linh, thực trạng chung PV ghi nhận là những máy móc im lìm, vật liệu hoen gỉ, cỏ mọc um tùm, một số đoạn ngầm dở dang khu vực Kim Mã, Trần Hưng Đạo ứ đọng nước, rong rêu bao phủ.

Những lý do chưa rõ ràng

img

Khu vực thi công ga ngầm thuộc tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội trên đường Kim Mã máy móc im lìm, vật liệu hoen gỉ, cỏ mọc um tùm. Ảnh: Tạ Hải

Cuộc sống người dân ngày càng thêm khó, song cuối tháng 5/2022, Ban Quản lý Đường sắt Hà Nội (MRB) tiếp tục đệ trình văn bản đề xuất UBND TP Hà Nội lùi thời gian dự án hoàn thành từ năm 2022 sang năm 2029.

Lộ trình được MRB đặt ra là vận hành thương mại đoạn trên cao trong năm 2022, vận hành toàn tuyến vào năm 2027; hoàn thành bảo hành và quyết toán năm 2029. MRB cũng kiến nghị tăng tổng mức đầu tư thêm khoảng hơn 4.905 tỷ đồng, lên 34.532 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính được MRB chỉ ra là do việc chậm trễ GPMB. Có những gói thầu chậm bàn giao mặt bằng đến 5 - 6 năm so với kế hoạch.

Đặc biệt, có 50 toà nhà (không trong diện thu hồi đất) bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm, song quy trình thực hiện bồi thường rất khó khăn bởi chưa có tiền lệ và chưa được hướng dẫn theo các quy định pháp luật của Việt Nam.

MRB cũng dẫn giải một số lý do khác như: Các gói thầu của dự án được ký theo mẫu hợp đồng quốc tế FIDIC có nhiều điểm khác biệt với quy định của pháp luật Việt Nam, ảnh hưởng tới việc gia hạn thời gian hợp đồng; Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm chậm quá trình nhập khẩu thiết bị, các gói thầu thiết bị kéo dài và tăng chi phí.

Chi phí dự án tăng còn được dẫn giải từ sự biến động của tỷ giá quy đổi (tiền euro sang tiền Việt Nam đồng) trong quá trình thanh toán khối lượng thực hiện; do điều chỉnh thiết kế để phù hợp với thực tế thi công, phù hợp với phương án vận hành hai giai đoạn; bổ sung các phần việc còn thiếu do không lường trước được...

Mặc dù vậy, khi PV đề nghị cung cấp cụ thể một số nội dung như biến động tỷ giá quy đổi làm tăng chi phí như thế nào? Các phần việc còn thiếu phải bổ sung cụ thể ở đây là gì, làm chi phí phát sinh bao nhiêu? Thiết kế kỹ thuật liên quan đến hạng mục nào có sự điều chỉnh lớn, khiến chi phí phát sinh như thế nào?... phía MRB chỉ cử đại diện tiếp nhận thông tin rồi “biệt tích”, không hẹn ngày trả lời dù PV nhiều lần liên hệ.

Cách nào chấm dứt điệp khúc lùi tiến độ?

img

Tính đến tháng 5/2022, sản lượng thi công đoạn ngầm tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội chỉ đạt 33%. (Trong ảnh: Ga ngầm thuộc tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội trên đường Trần Hưng Đạo thi công dở dang, ứ đọng nước, rong rêu bao phủ...)Ảnh: Tạ Hải

Sốt ruột trước lộ trình quá dài của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội liên tục chậm tiến độ, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, trách nhiệm trước hết là Ban Quản lý Đường sắt Hà Nội.

Vấn đề đặt ra hiện nay là nếu như đến năm 2027, rồi 2029, dự án vẫn tiếp tục chậm tiến độ, không về đích đúng hẹn thì sẽ thế nào? Liệu khi đó Ban Quản lý Đường sắt Hà Nội (MRB) có lại tiếp tục “điệp khúc xin lùi” và ai là người chịu trách nhiệm với người dân, với khoản đầu tư của ngân sách.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, phải lập kế hoạch chi tiết điều chỉnh tiến độ để cơ quan có thẩm quyền có cơ sở đánh giá theo dõi, không phải nay làm, mai sửa.

Cần nhìn nhận xem từ nay đến thời hạn 2027 thì liệu các tồn tại, vướng mắc hiện nay có giải quyết được không, cần cơ chế gì để tháo gỡ, cần cấp thẩm quyền nào xem xét, quyết định. Cần công khai thông tin để các cơ quan, người dân giám sát.

Trong khi đó, theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, để dự án có thể thực hiện thuận lợi, cần nhìn nhận đúng về hợp đồng ký với nhà thầu. FIDIC là loại hợp đồng quốc tế rất nhiều quốc gia trên thế giới tuân theo.

Tinh thần của hợp đồng này là các bên đều là đối tác, có quyền lợi bình đẳng như nhau.

“Song, cái dở của chúng ta hiện nay là chưa thể đảm bảo được sự công bằng với đối tác trong hợp đồng. Có những việc chủ đầu tư nhượng bộ nhà thầu lại bị luật pháp trong nước xem là thiếu trách nhiệm quản lý khiến chủ đầu tư rất rụt rè khi ứng xử”, ông Bình nói.

ThS. Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, những bất cập hiện nay tại dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang là vấn đề không phải một Ban QLDA cụ thể phải chịu trách nhiệm mà cả hệ thống quản lý Nhà nước phải nhìn nhận.

Đơn cử là khâu GPMB. Đây được coi là then chốt đối với cả quá trình xây dựng. Nếu mặt bằng tắc thì nhà thầu có nhập thiết bị, huy động nguồn lực cũng không thể thi công.

Vậy nên còn tồn tại về mặt bằng thì cần phải nhanh chóng xem xét trách nhiệm. Nếu như trách nhiệm thuộc về hệ thống thì cả hệ thống phải vào cuộc để gỡ khó cho dự án.

“Với những dự án trọng điểm như đường sắt Nhổn - ga Hà Nội phải có những đoàn làm việc liên ngành, phải có cơ chế “mở” và người chủ trì có đủ khả năng, bản lĩnh quyết định được các vấn đề. Nếu để mình Ban QLDA chủ trì chính, mỗi lần phát sinh vấn đề lại đi gặp từng bộ phận, giải quyết từng khâu, thời gian sẽ còn kéo dài”, TS. Tuấn nói.

Hà Nội cam kết tháng 7/2022 bàn giao xong mặt bằng dự án

Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, tính đến tháng 5/2022, sản lượng thi công tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đạt 74,36%. Trong đó đoạn trên cao đạt 95,1%, đoạn ngầm đạt 33%.

Đối với công tác GPMB phục vụ thi công các đoạn tuyến ngầm và nhà ga ngầm, UBND quận Đống Đa đã cam kết hoàn thành, bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2022, quận Ba Đình trong tháng 7/2022.

Liên quan đến việc giải quyết tranh chấp khiếu nại yêu cầu chủ đầu tư bồi thường hơn 114 triệu USD của nhà thầu Liên danh Hyundai - Ghella), một cán bộ thuộc MRB tiết lộ, hiện, MRB đang tiếp tục thương thảo với nhà thầu để thi công trở lại, nhưng có nhiều phát sinh. Nhà thầu vẫn tiếp tục dừng thi công, thông báo chấm dứt hợp đồng, khiếu nại chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng ra Ban xử lý tranh chấp.

Nhà thầu cũng yêu cầu chủ đầu tư chấp thuận tạm thời 70 triệu USD chi phí khiếu nại tới khi có quyết định xử lý các khiếu nại của Ban xử lý tranh chấp.

Phản ứng lại, MRB đã có văn bản phản đối chấm dứt hợp đồng, tạm dừng thi công và yêu cầu nhà thầu ngay lập tức thi công trở lại và thương thảo phụ lục hợp đồng theo quy định

Những lần lùi tiến độ của metro Nhổn - Ga Hà Nội

Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được triển khai tại Hà Nội, dài 12,5km (8,5km trên cao và 4km đi ngầm) được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2006 với tổng vốn đầu tư 783 triệu euro, dự kiến hoàn thành vào năm 2010.

Tới tháng 9/2010, dự án mới được khởi công. Khi đó, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên 1.176 triệu euro, tăng 393 triệu euro, kế hoạch hoàn thành lùi tới năm 2015.

Đến cuối năm 2013, 4 ga trên cao đầu tiên nằm ở QL32 mới bắt đầu được xây dựng. Kế hoạch hoàn thành tiếp tục được lùi đến năm 2018.

Đến mốc hoàn thành năm 2018, dự án mới thi công được 41% khối lượng công việc. UBND TP Hà Nội lại tiếp tục điều chỉnh tổng tiến độ dự án đến cuối năm 2022.

Tháng 5/2022, MRB trình UBND TP Hà Nội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Thời gian vận hành toàn tuyến vào năm 2027, hoàn thành quyết toán vào năm 2029. Tổng mức đầu tư dự án được đề xuất là 34.530 tỷ đồng, tăng thêm 4.905 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.