Đài kiểm soát không lưu mang biểu tượng hoa ban
Những ngày đầu tháng 4, cán bộ quản lý dự án Công ty Quản lý bay miền Bắc tất bật thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu cho dự án đài kiểm soát không lưu sân bay Điện Biên, mục tiêu đến cuối tháng 4/2023 khởi công.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 84 tỷ đồng. Quy mô đầu tư gồm xây dựng đài kiểm soát không lưu chiều cao 36m, nhà điều hành bay cộng nhà nghỉ kiểm soát viên; các công trình phụ trợ khác kèm theo đồng bộ; hệ thống thiết bị quản lý bay...
Phối cảnh đài kiểm soát không lưu Cảng hàng không Điện Biên
Chỉ cho PV phối cảnh đài kiểm soát không lưu trên bản thiết kế, Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Bắc Lâm Phúc Anh Hà hồ hởi giới thiệu, đài kiểm soát là một trong các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng nhất của các sân bay. Vì vậy, kiến trúc công trình đài kiểm soát không lưu sân bay Điện Biên đã xin ý kiến rộng rãi để lựa chọn kĩ càng.
Bản kiến trúc được lựa chọn mang tính biểu tượng cho Điện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung là: Nhà điều hành trên mặt đất có kiến trúc mang dáng dấp hầm Đờ Cát, còn tháp kiểm soát không lưu biểu tượng cho hoa ban vươn nở. Ý nghĩa là sự vươn lên của đồng bào Điện Biên trên nền tảng, chiến thắng lịch sử.
Ông Anh Hà cho biết thêm, Điện Biên có địa hình lòng chảo, lại nhiều di tích lịch sử như đồi A1, cánh đồng Mường Thanh... nên ảnh hưởng đến phương thức bay. Quá trình thiết kế công trình cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài lựa chọn thiết kế kiến trúc còn phải đáp ứng các yêu cầu về kĩ thuật, an toàn bay trong điều kiện địa hình khó khăn.
Tháp kiểm soát không lưu được coi là một chướng ngại vật đối với máy bay khi hạ độ cao tại khu vực sân bay. Do vậy, để tàu bay có thể bay xuống thấp hơn và giảm tỷ lệ bay lại, đảm bảo an toàn, chiều cao này phải tính toán kĩ.
“Các thiết bị thu phát tín hiệu cũng phụ thuộc vào độ cao của đài. Độ cao phải đảm bảo được phương thức bay và tầm phổ của hệ thống trang thiết bị điều hành đạt được tối ưu”, ông Anh Hà nói.
Đầu tư đồng bộ hệ thống điều hành bay hiện đại
Phối cảnh Cảng hàng không Điện Biên
Cũng theo ông Anh Hà, công trình đài kiểm soát không lưu chỉ là một trong các công trình, dự án đồng bộ mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) còn làm chủ đầu tư các dự án liên quan đến điều hành bay, vốn từ nguồn Quỹ Đầu tư phát triển của VATM.
Cụ thể, dự án đài dẫn đường DVOR/DME mới, tổng vốn đầu tư hơn 44 tỷ đồng. Chức năng định hướng và chỉ cử ly, báo cho tổ lái biết để xác định phương thức tiếp cận vị trí cần đưa tàu bay đến. Công trình hiện đang thi công, chờ lắp đặt thiết bị, dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2023.
Dự án cơ sở dữ liệu địa hình và chướng ngại vật điện tử - ETOD sân bay, dùng công nghệ vệ tinh thực hiện đo đạc toàn bộ chướng ngại vật để phục vụ cho công tác bay hiệu chuẩn, xây dựng phương thức bay và quản lý khu vực sân bay sau này.
Cùng đó, xây dựng phương thức bay và tổ chức vùng trời, tổ chức lại tuyến nối Điện Biên đi các nơi thuộc hệ thống đường hàng không quốc gia; định tuyến luồng ra, vào khu vực Điện Biên cho đảm bảo an toàn.
Dự án hệ thống quan trắc tự động AWOS, tổng vốn đầu tư hơn 26 tỷ đồng. Đây là hệ thống đo tự động, cung cấp các thông số trên cơ sở đường băng. Hệ thống cũng tự động cung cấp thông số cho các cơ sở điều hành bay, hãng hàng không, các cơ quan dịch vụ hàng không về các điều kiện thời tiết điển hình tại khu vực Điện Biên để phục vụ cho hoạt động hàng không chung.
Chia sẻ về lý do đầu tư các dự án này từ nguồn vốn doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Bắc cho biết, dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên với quy mô đầu tư hạ tầng đường cất, hạ cánh, nhà ga... để nâng công suất. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng sân bay, cần thiết đầu tư các công trình quản lý, điều hành bay đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Vì đường băng mới, khai thác tàu bay to hơn sẽ phải thiết kế lại phương thức bay; đo đạc toàn bộ chướng ngại vật để tàu bay tránh va chạm; tổ chức lại vùng trời cho luồng tàu bay đi, tàu bay đến khu vực Điện Biên được an toàn, hiệu quả.
“Muốn các hạ tầng sân bay khai thác được theo công suất thiết kế, tăng tần suất bay, tăng luồng hoạt động tàu bay thì năng lực điều hành bay phải được nâng lên.
Vì vậy, việc đầu tư hệ thống thiết bị quản lý bay của VATM giá trị không lớn nhưng là chuyên ngành kĩ thuật, bắt buộc phải đầu tư hiện đại hơn, công nghệ mới hơn để phù hợp với đầu tư hạ tầng đường băng, nhà ga... cũng như xu hướng hàng không thế giới. Hiện VATM đang nỗ lực để hoàn thành tất cả các công trình, dự án trước ngày 30/4/2024, kịp thời chào mừng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, ông Anh Hà nói.
Cú hích góp phần đưa Điện Biên vươn xa
Thông tin về tổng quan công trình đầu tư Cảng hàng không Điện Biên, đại diện Bộ GTVT cho biết, mục tiêu đầu tư là nhằm phát huy vai trò của cảng hàng không, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh Điện Biên nói riêng và cả vùng Tây Bắc nói chung.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 470 ngày 27/3/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên với quy mô đường cất, hạ cánh dài 2.400m, sân đỗ máy bay 4 vị trí và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khác đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như A320, A321 và tương đương. Nâng cấp nhà ga đáp ứng các tiêu chuẩn, công suất giai đoạn đáp ứng khai thác 500.000 hành khách/năm. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng, do Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đầu tư từ nguồn Quỹ Đầu tư phát triển của ACV.
Đồng thời Bộ GTVT, Cục Hàng không VN, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đầu tư các công trình quản lý, điều hành bay đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.
Đối với Dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên do ACV đầu tư, quá trình triển khai thực hiện hiện gặp nhiều khó khăn do nguồn vật liệu cho thi công dự án (đất đắp, cát đắp) rất hạn chế, không đủ trữ lượng và khả năng cung cấp. Công tác GPMB vẫn còn tồn tại, cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Mặt khác, công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu bị kéo dài.
Hiện Bộ GTVT đã chỉ đạo ACV đang nỗ lực phối hợp với địa phương, triển khai các giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, với hạng mục đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, cần tập trung thiết bị, nhân lực thi công, để có thể hoàn thành toàn bộ hạng mục trong tháng 12/2023.
Hạng mục công trình nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ đang tổ chức lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công trong tháng 4/2023, hoàn thành tháng 12/2023.
Đại diện Bộ GTVT cũng cho biết, Bộ GTVT đang sát sao chỉ đạo, cùng các chủ đầu tư triển khai nhằm đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ. “Sau khi toàn bộ các công trình hoàn thành, Cảng hàng không Điện Biên sẽ là cú hích góp phần tạo thuận lợi cho Điện Biên phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, bay xa, vươn cao”, đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh.
Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Bắc Lâm Phúc Anh Hà cho biết, với sân bay hiện tại, đường băng cũ, chỉ đáp ứng được tàu bay thân nhỏ ATR72, chở được khoảng 70 người, tầm bay ngắn.
Hơn nữa, đặc thù của sân bay hiện nay là chỉ có một đầu cất, hạ cánh, nghĩa là chỉ có một tàu bay duy nhất hạ cánh, đón khách xong, cất cánh bay đi. Sau đó mới tới tàu bay tiếp theo nên hạn chế công suất, hiện mỗi ngày chỉ có 4 chuyến cả đi, đến và chỉ cất, hạ cánh được vào ban ngày.
Sau khi dự án hoàn thành, đường băng rộng, dài hơn, khai thác được tàu bay thân rộng, chở được nhiều hành khách hơn; đồng thời sử dụng cả hai đầu cất, hạ cánh nên đón được nhiều tàu bay hơn, tăng được tần suất...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận