Đường sắt đô thị

Mỗi ngày "siêu robot" dự kiến khoan 10m hầm metro Nhổn - ga Hà Nội

12/08/2024, 15:05

Sau khi chính thức khởi động, máy khoan hầm Tunnel Boring Machine (TBM) đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội hiện tại đã cắt xuyên qua tường vây và khu vực đất gia cố. Tính tới thời điểm hiện tại, máy khoan đã đào được 30m hầm, hướng về ga S12.

Thông tin tình hình hoạt động của máy robot đào hầm tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội, ông Vũ Thế Mạnh, đại diện liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella cho biết, đã tiến hành khoan hầm liên tục 24 giờ mỗi ngày. Mỗi ca có 17 kỹ sư, công nhân vận hành máy khoan hầm TBM. Thời gian đầu vận hành máy cũng cần vừa khoan vừa tính toán để đảm bảo an toàn nhất có thể.

Mỗi ngày "siêu robot" dự kiến khoan 10m hầm metro Nhổn - ga Hà Nội- Ảnh 1.

Robot đào hầm tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội.

Theo ông Vũ Thế Mạnh, qua hơn 1 tuần vận hành máy TBM, công tác khoan hầm đã diễn ra thuần thục, đội ngũ vận hành máy đã vượt qua tất cả khó khăn ban đầu. Quá trình vận hành máy TBM không gặp sự cố. Hoàn thành khởi chạy 240m đầu tiên, máy khoan hầm đang dần tăng tốc đến tốc độ tiêu chuẩn khoảng 10m/ngày để tiếp cận những điểm ga tiếp theo.

"Khi vận hành máy ở tốc độ tiêu chuẩn, dự kiến mỗi ngày sẽ có 500 - 700m3 đất, đá được vận chuyển ra khỏi hầm. Nhà thầu phụ cũng đã tiến hành vận chuyển thử đất thải để tính toán số lượng phương tiện cũng như thời gian", ông Vũ Thế Mạnh cho biết thêm.

Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, việc vận hành máy khoan hầm là một cột mốc quan trọng đối với đoạn tuyến ngầm của dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, minh chứng cho sự quyết tâm và nỗ lực của tất cả các bên liên quan trong việc kiến tạo hệ thống giao thông quan trọng của TP Hà Nội.

Trên toàn tuyến hầm của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có 6 tòa nhà thuộc diện phải phá dỡ, 42 tòa nhà thuộc diện tạm cư. Hiện công tác chi trả chi phí đền bù, tạm cư cho các hộ dân thuộc diện phải phá dỡ nhà đầu tiên đã hoàn thành theo đúng kế hoạch. Việc thi công khoan hầm đang được tiến hành với sự thận trọng và được giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho các công trình trên mặt đất và tiến độ đề ra.

Theo MRB, máy khoan TBM vận hành theo chu trình khép kín, đào với tốc độ lớn nhất là 60mm/phút, trong quá trình đào máy sẽ phun ra trước đầu cắt hóa chất điều hòa đất hay còn gọi là FOAM giúp làm mềm đất, chống bó và hỗ trợ duy trì cân bằng áp lực đầu gương đào.

Khi máy khoan tiến lên, hệ thống ở đuôi máy liên tục phun chất mỡ quét lên bề mặt ngoài vỏ hầm, giúp bảo vệ bộ phận chổi quét đuôi máy, ngăn nước chảy ngược vào trong máy và làm kín các điểm nối bề ngoài vỏ hầm. Cùng với đó, dung dịch vữa chèn lấp khe giữa vỏ hầm và đất cũng được phun đều để đảm bảo ngăn ngừa sụt lún trong quá trình thi công.

Sau khi đào xong, robot thực hiện lắp vỏ hầm ngay phía sau đuôi máy với cánh tay robot hiện đại. Thời gian lắp vỏ hầm khoảng 30 đến 35 phút cho một đốt hầm gồm 6 miếng. Chu trình đào và lắp vỏ hầm diễn ra liên tục.

Máy khoan TBM hoạt động trên nguyên lý cân bằng áp lực đất. Phía sau khiên đào được bố trí một vách ngăn kín. Đất từ khiên đào sẽ rơi vào khoang kín và tạo ra sự cân bằng áp lực giữa đất đào và đất chưa đào, làm cho gương đào ổn định và không sạt lở. Áp lực của đất trong khoang cân bằng được theo dõi bởi các thiết bị đặc biệt đặt trực tiếp trong thân máy.

Dưới đáy hầm, đơn vị thi công đã chuẩn bị sẵn hệ thống ray trượt, có vai trò đỡ máy khoan TBM và trượt ngang từ vị trí lắp đặt vào vị trí khoan, hỗ trợ việc di chuyển TBM trong đường hầm.

Để tránh những ảnh hưởng đối với các công trình trên mặt đất, MRB đã thiết kế và lắp đặt xong hệ thống quan trắc địa kỹ thuật để đảm bảo việc quan trắc thường xuyên, theo dõi tình hình dịch chuyển và sụt lún của mặt đất.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.