Bất đồng giữa các công ty năng lượng của Úc và công nhân đã khiến những người mua khí đốt tự nhiên chuẩn bị cho khả năng cắt giảm nguồn cung từ một trong những nhà xuất khẩu nhiên liệu lớn nhất thế giới.
Bất đồng ở nguồn cung năng lượng lớn
Wall Street Journal (WSJ) cho biết, mối đe dọa về sự gián đoạn đặc biệt đáng ngại đối với châu Âu, nơi đang bước vào mùa đông thứ 2 kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine khiến nguồn cung cấp khí đốt từ Nga tới châu lục này bị cắt.
Hầu hết nguồn cung khí đốt của Úc đã được cam kết là dành cho châu Á, chính vì vậy, việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đột ngột giảm có thể đẩy những người mua châu Âu và châu Á vào cuộc chiến khí đốt có nguồn gốc ở nước khác, có thể là từ Mỹ.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu năm ngoái đã nâng cao tầm quan trọng của sự ổn định nguồn cung cấp năng lượng từ Úc - quốc gia cạnh tranh với Mỹ và Qatar với tư cách là một trong những nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.
Giá khí đốt ở Mỹ và châu Âu tăng vọt vào tuần trước, sau khi các công nhân tại nhà sản xuất Woodside Energy của Úc bỏ phiếu ủng hộ hành động đình công. Tuy nhiên, giá khí đốt đã giảm vào ngày sau đó khi các cơ quan quản lý năng lượng của Mỹ báo cáo rằng các kho dự trữ trong nước đã tăng nhiều hơn dự kiến của các nhà phân tích.
Công nhân tại 3 khu vực khai thác LNG ngoài khơi bờ biển Tây Úc đã bỏ phiếu hành động hôm 9/8 sau nhiều tháng đàm phán không giải quyết được vấn đề về tiền lương và điều kiện làm việc.
Theo luật lao động của Úc, người lao động có thể ngừng làm việc trong vòng 30 ngày kể từ ngày bỏ phiếu hành động với điều kiện họ thông báo cho người sử dụng lao động trước 7 ngày.
"Họ nhận thức rất rõ về việc các công ty này sẽ mất hàng trăm triệu USD nếu hành động bảo hộ công nghiệp diễn ra chậm, kéo theo sự chậm trễ trong quá trình xuất khẩu khí đốt của Úc", Brad Gandy - một quan chức của Liên đoàn công nhân Úc cho biết. "Mọi bên đều có lợi nếu công nhân quay trở về làm việc mà họ thành thạo nhất: xuất khẩu khí đốt chất lượng cao của Úc ra thế giới," ông nói thêm.
Mùa đông đang tới gần
Vivek Dhar, một nhà phân tích tại Commonwealth Bank of Australia chỉ ra rằng, các cơ sở xuất khẩu ở Úc có thể bị ảnh hưởng bởi hành động đình công. Dhar cho biết: "Khi mùa đông ở miền Bắc đang đến rất nhanh, bất cứ sự cố ngừng hoạt động kéo dài nào tại các cơ sở này đều có nguy cơ thắt chặt thị trường khí đốt. Mùa đông ở Bắc bán cầu kéo theo mức tăng sử dụng khí đốt lớn nhất trong năm”.
Các nước châu Âu đã trở nên phụ thuộc vào nhiên liệu siêu lạnh kể từ khi Nga cắt phần lớn khí đốt mà nước này dùng để bơm tới lục địa này, do đó tranh cãi về lao động ở Úc đã nhanh chóng khiến thị trường toàn cầu chú ý. Giá khí đốt tự nhiên theo tiêu chuẩn châu Âu đã tăng 28% vào hôm 9/8. Giá này đã giảm hôm 10/8 nhưng vẫn cao hơn khoảng 19% so với hôm 8/8.
Hợp đồng tương lai về khí đốt của Mỹ đã tăng 6,6% vào 9/8 sau cuộc bỏ phiếu ở Woodside. Theo nhà cung cấp dữ liệu Argus Media, giá LNG xuất khẩu từ Bờ Vịnh Mỹ cũng như chi phí vận chuyển nhiên liệu đến châu Âu hoặc châu Á đều tăng.
Các thương nhân cho biết, giá ở châu Âu vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất mọi thời đại chỉ cách đây chưa đầy một năm sau khi Moscow lần đầu tiên cắt giảm dòng khí đốt tự nhiên tới châu lục.
Tuy nhiên, một cuộc đình công kéo dài sau tháng 10 (ở Úc) có thể đẩy giá LNG của châu Á và khí đốt tự nhiên của châu Âu cho mùa đông ở Bắc bán cầu tăng gần gấp đôi so với giá đã được chứng kiến vào đầu tuần trước, các nhà phân tích của Citi chỉ ra.
Người phát ngôn của Woodside cho biết nhà sản xuất đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc với người lao động về một số vấn đề và các cuộc đàm phán đang tiến triển tích cực. Woodside, công ty lớn thứ bảy của Úc theo vốn hóa thị trường, cho biết họ có kế hoạch dự phòng trong trường hợp nguồn cung khí đốt bị gián đoạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận