"Mỹ đã kiềm chế nhưng Nga và Trung Quốc thì không"
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Robert Wood – Đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị tại Liên hợp quốc cho biết: Từ lâu, Mỹ “đã lo ngại về khả năng có thể ứng dụng công nghệ siêu thanh vào quân sự. Chúng tôi đã kiềm chế, không theo đuổi quân sự hoá loại công nghệ này”.
Song, Nga và Trung Quốc đang tích cực sử dụng và quân sự hoá công nghệ siêu thanh… Hiện tại Mỹ chưa tìm được cách để có thể phòng vệ trước loại công nghệ đó. Cả Nga và Trung Quốc cũng vậy”, Đại sứ Mỹ nói thêm.
Ông Wood chỉ ra, Nga có tên lửa siêu thanh Avangard và về bản chất, loại vũ khí này có trong thỏa thuận START mới (về cắt giảm vũ khí hạt nhân).
Ông Robert Wood – Đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị tại Liên hợp quốc. Ảnh - Reuters
Quan chức Mỹ nhấn mạnh, “loại công nghệ mới rất đáng ngại vì chúng tôi chưa bao giờ phải đối mặt trước đây” do đó, ông kêu gọi trong tương lai cần phải có cách giải quyết hoặc đưa ra nguyên tắc/cơ chế pháp lý được quốc tế thống nhất để kiềm chế các loại vũ khí mới.
Bình luận của ông Wood liên quan tới thông tin do tờ Financial Times (FT) đăng tải cách đây 2 ngày.
Báo Mỹ dẫn lời 5 nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc đã thực hiện một vụ thử vũ khí vào tháng 8, trong đó, thiết bị lượn siêu thanh có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc đã được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa.
Tên lửa bay vòng quanh Trái Đất sau đó quay lại tấn công mục tiêu và bị trượt ở khoảng cách rất gần.
Trung Quốc đã phóng 250 tên lửa đạn đạo trong 9 tháng
Liên quan tới thông tin trên, trong một phản ứng khác, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, Washington đang theo dõi sát sao hoạt động phát triển vũ khí tiên tiến của Trung Quốc nhưng không trực tiếp bình luận về thông tin do báo Financial Times đăng tải.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về mức độ phát triển năng lực hạt nhân rất nhanh của quân đội Trung Quốc.
Ông Price từ chối bình luận cụ thể chỉ cho biết, theo ước tính của Washington, Trung Quốc đã phóng ít nhất 250 tên lửa đạn đạo chỉ trong 9 tháng qua.
Tên lửa siêu thanh DF-17 từng xuất hiện trong cuộc duyệt binh của Trung Quốc năm 2019. Ảnh - Asahi Shimbun
“Những sự phát triển này cho thấy Trung Quốc đang đi chệch hướng khỏi chiến lược hạt nhân dựa trên năng lực răn đe tối thiểu trong nhiều thập kỷ qua. Đây là vấn đề rất đáng ngại vì Trung Quốc luôn thiếu minh bạch trong quá trình phát triển hạt nhân”, ông Price nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định đã liên lạc với Trung Quốc và làm rõ quan điểm, mong muốn hợp tác với Trung Quốc như một quốc gia có trách nhiệm trong vấn đề phát triển các loại vũ khí mạnh.
Về phía Trung Quốc, một ngày sau khi thông tin được Financial Times đăng tải, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định: Đó không phải tên lửa mà là một phương tiện vũ trụ.
Theo ông Triệu, vụ thử mà báo Mỹ nhắc tới là hoạt động thử nghiệm định kỳ nhằm đánh giá công nghệ tái sử dụng phương tiện vũ trụ, từ đó tìm ra cách thức thuận tiện và giảm giá thành để con người du hành vũ trụ.
Quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nêu rõ loại phương tiện vũ trụ mà họ đã thử, nhưng theo một số chuyên gia, đó có thể là tên lửa đẩy có khả năng tái sử dụng, tương tự tên lửa Falcon 9 của SpaceX.
Ngoài ra, ông Triệu còn đính chính vụ thử nghiệm diễn ra hồi tháng 7, không phải tháng 8 như nguồn tin của báo Financial Times đã đưa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận