Năm 2020, trong khi vận tải khách lỗ nặng, vận tải hàng hóa lại tăng trưởng. (Trong ảnh: Tàu hàng liên vận quốc tế từ Việt Nam đi Trung Quốc)
Những ngày cuối cùng của tháng 12/2020, dư luận xôn xao về thực trạng “xưa nay hiếm” trong chiến dịch bán vé tàu Tết của ngành Đường sắt: Đã qua 2 tháng mở bán mà vẫn còn “ế” hơn 100.000 vé chưa có người mua. Trong khi các năm trước đây, người dân rất khó khăn để mua được tấm vé tàu Tết.
Trên toa tàu Thống Nhất lác đác vài hành khách từ miền Nam ra, vị Trưởng tàu khách đã gần 30 năm trong nghề cho biết, thực ra điều này cũng không có gì quá ngạc nhiên vì đã được lãnh đạo ngành, đơn vị dự báo trước.
Ngay từ năm 2019, ngành Đường sắt đã lường trước những khó khăn khi tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam thi công gói 7.000 tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến vận tải.
Do tàu phải chạy chậm qua hàng chục điểm thi công nên chắc chắn hành trình tàu kéo dài, chậm tàu. Vì thế sẽ khiến hành khách không muốn đi tàu, cũng có nghĩa là doanh thu sụt giảm, đời sống người lao động bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, phải chấp nhận “hy sinh” vận tải sụt giảm để sau khi dự án hoàn thành, năng lực thông qua của hạ tầng được nâng lên, vận tải lại có cơ hội, dư địa để phát triển.
Có điều, năm nay khó chồng khó, chưa hết vận tải Tết Canh Tý đã xảy ra dịch Covid-19. Hè yên ổn được một chút, tưởng gỡ được phần nào doanh thu thì dịch lại bùng phát đợt 2, rồi sau đó là liên tiếp bão lũ, thi công sửa chữa, nâng cấp hạ tầng…
“Giờ kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm nên họ sẽ cân nhắc có về quê ăn Tết không. Trong khi đó, máy bay không bay quốc tế, chuyển hướng sang bay nội địa, thành ra vé máy bay rẻ hơn vé tàu, bay lại nhanh, thế thì ai còn muốn đi tàu nữa.”, vị trưởng tàu thở dài.
Tuy nhiên, theo một cán bộ vận tải đường sắt, năm 2020 cũng là năm thử thách ngành Đường sắt trong quản trị vận tải. Trong cái khó, đường sắt lại linh hoạt, uyển chuyển hơn trong kinh doanh, điều hành.
Điển hình như đã kịp thời chuyển hướng tập trung phát triển vận tải hàng hóa, ưu tiên đường, hành trình cho các đoàn tàu hàng chuyên tuyến, chạy thường xuyên như tàu container lạnh, tàu chuyên hàng chuyển phát nhanh… Vì thế, trong khi vận tải khách lỗ nặng, vận tải hàng hóa lại tăng trưởng.
Trong vận tải hành khách, cách tổ chức chạy tàu cũng mới mẻ. Thay vì lên kế hoạch và dàn “hàng ngang” chạy tàu, bán vé trước hàng tháng như trước, thì ngoài duy trì một số mác tàu cố định, sẽ chỉ lập tàu vào những ngày, trên những cung chặng dự báo khách có nhu cầu đi lại cao…
Chính sách giảm giá, khuyến mại cũng linh hoạt, mềm dẻo theo loại chỗ, loại tàu, ngày giờ đi tàu, cự ly di chuyển… nên vừa hạn chế chạy rỗng, vừa thu hút thêm khách đi tàu…
“Thực là một năm thử lửa vận tải đường sắt. Hy vọng bước sang năm 2021 tình hình sẽ khá hơn…”, vị cán bộ này bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận