Theo thống kê của Tổng cục Quản lý Thị trường, trong giai đoạn từ năm 2020 đến quý I/2024, số vụ thanh tra, vi phạm về thuốc lá mới, chủ yếu gồm TLĐT, TLLN là 707 vụ, với tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 92 tỷ đồng.
Cho đến nay, việc quản lý TLLN và các sản phẩm thuốc lá mới khác vẫn đang bỏ ngỏ. Theo nhiều bộ ngành và chuyên gia, việc thiếu khung pháp lý cho thuốc lá mới hiện nay không khác gì lệnh cấm. Cả hai biện pháp thả nổi hoặc cấm hoàn toàn đều đang chứng minh kém hiệu quả tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác trong mục tiêu ngăn chặn giới trẻ sử dụng.
Thái Lan: Đề xuất phương án quản lý sau 10 năm áp dụng lệnh cấm
Năm 2014, Thái Lan ban hành lệnh cấm mọi sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm cấm nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh và sử dụng. Nước này quy định, bất cứ ai vi phạm sẽ áp dụng hình phạt từ phạt tiền đến phạt tù (5-10 năm). Bất chấp lệnh cấm và các hình thức xử phạt nghiêm minh, nước này vẫn ghi nhận tỷ lệ tăng vọt của việc sử dụng TLĐT trong giới trẻ.
Theo Quỹ hành động về thuốc lá và sức khỏe (ASHF) Thái Lan, tỷ lệ hút TLĐT) của thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi đã tăng gấp 5 lần từ năm 2015 (3,3%) đến năm 2023 (17,6%).
Rõ ràng, gần 10 năm ban hành lệnh cấm với mong muốn ngăn chặn giới trẻ sử dụng, nỗ lực liên tục của chính phủ Thái Lan vẫn chưa thành công. Các quan chức nước này cũng nhấn mạnh tình trạng giới buôn lậu TLĐT pha ma túy vào hộp tinh dầu để gây nghiện nhanh chóng cho khách hàng.
Để ứng phó tình trạng trên, tháng 9/2023 Quốc hội Thái Lan đã thành lập Ủy ban Đặc biệt nhằm đánh giá lại hiệu quả của lệnh cấm TLĐT. Mới đây, Ủy ban này đã đề xuất 3 phương án chính sách để giải quyết vấn đề buôn lậu và giới trẻ.
Quốc hội Thái Lan đã thành lập Ủy ban Đặc biệt nhằm đánh giá lại hiệu quả của lệnh cấm TLĐT (Nguồn: Quốc Hội Thái Lan).
Thứ nhất, nếu tiếp tục áp dụng lệnh cấm TLĐT thì phải siết chặt thực thi thông qua việc sửa đổi các quy định liên quan, từ các thông tư của Bộ Thương mại đến các chỉ thị từ Văn phòng Bảo vệ Người tiêu dùng, để làm rõ và mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm việc sở hữu và sản xuất TLĐT. Đồng thời, cần sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan để đưa TLĐT vào danh mục hàng hóa bất hợp pháp, theo đó sẽ hình sự hóa việc sản xuất, nhập khẩu, sở hữu, kinh doanh và sử dụng TLĐT trở thành những hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ hai, đưa sản phẩm TLLN vào danh mục hàng hóa được kiểm soát bằng cách sửa đổi các thông tư của Bộ Thương mại và các chỉ thị của Văn phòng Bảo vệ Người tiêu dùng.
Cuối cùng, đưa cả TLĐT và TLLN vào danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện, thông qua việc sửa đổi các luật liên quan và áp dụng các quy định nghiêm ngặt đối với các sản phẩm này.
Việt Nam: Gần 10 năm buông lỏng không khác gì lệnh cấm
Mặc dù Việt Nam không chính thức ban hành lệnh cấm TLĐT, TLLN, trong suốt gần 10 năm qua kể từ khi chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì đề xuất phương án quản lý, khoảng trống pháp lý này vẫn tồn tại, dẫn đến hệ lụy không khác gì tại Thái Lan.
Theo báo cáo từ Bộ Y tế, tỷ lệ thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi sử dụng TLĐT, TLLN đã tăng 4,5% trong giai đoạn năm 2022 - 2023. Hàng loạt ca ngộ độc do sử dụng tinh dầu lậu trộn lẫn chất cấm được các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo. Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương đã nhiều lần đề xuất đa dạng phương án kiểm soát: từ quản lý chính thức đến quản lý thí điểm, từ áp dụng cho cả 2 loại TLĐT và TLLN, đến áp dụng riêng cho TLLN (vì là sản phẩm thuốc lá theo định nghĩa của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá - PCTHTL), và giao Bộ Y tế nghiên cứu chính sách cho TLĐT.
Tuy nhiên, đến nay 2 bộ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Do vậy, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ Công thương đề nghị Bộ Y tế cần đánh giá khoa học toàn diện, nếu xác định sản phẩm độc hại đến mức phải cấm thì cần sửa đổi các luật liên quan đến ngành hàng thuốc lá, cụ thể là Luật PCTHTL, Luật Đầu tư, v.v.
Nhìn từ thị trường Thái Lan, hướng tiếp cận của quốc gia này đã và đang tương tự như Việt Nam. Điều này cũng đồng thời cho thấy, hai chính sách cấm hay buông lỏng đều không đem lại kết quả bảo vệ sức khỏe cộng đồng như mong đợi.
Theo đó, đề xuất cấm TLLN, TLĐT tại Việt Nam có thể đặt ra vấn đề: Trước trường hợp thất bại điển hình như Thái Lan, liệu Việt Nam có nên đi vào "vết xe đổ"?
Thực tiễn cho thấy, việc cấm hoặc buông lỏng đều khiến các cơ quan hữu trách không có cơ sở để quản lý nguồn gốc, chất lượng, thành phần sản phẩm, giám sát kinh doanh, ngăn chặn việc tiếp cận của thanh thiếu niên. Đặc biệt, việc cấm cực đoan dễ gây tò mò, khiến giới trẻ càng dễ bị kẻ gian dụ dỗ, lôi kéo.
Tại Việt Nam, sau 6 năm thực thi Luật PCTHTL 2012, tỷ lệ thanh thiếu niên hút thuốc lá điếu đã giảm 2%. Điều này cho thấy khi được quản lý, luật hiện hành sẽ là công cụ pháp lý đắc lực để ngăn chặn hiệu quả việc giới trẻ sử dụng.
Do vậy, theo các chuyên gia, cần có cách tiếp cận cân bằng, phối hợp giữa việc thực thi chính sách quản lý hiệu quả và việc giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về TLLN, TLĐT.
Cách tiếp cận này sẽ định hình chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả với mục tiêu sau cùng là giảm tỷ lệ người dùng thuốc lá, xóa sổ thị trường chợ đen và xây dựng một xã hội lành mạnh hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận