Tìm cách lách luật, muôn chiêu đối phó
Ngày 5/6, Đại úy Trần Hải Dương - Trạm trưởng Trạm CSGT Phú Lộc (Phòng CSGT - Công an tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, lực lượng đang tiếp tục duy trì các Tổ TTKS trên QL1 qua địa bàn tỉnh để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT. Đồng thời, kiểm soát, xử lý tình trạng xe trá hình trên địa bàn.
Đại úy Trần Hải Dương cho biết thêm, tình trạng xe trá hình trên tuyến ngày càng diễn biến phức tạp và gia tăng về số lượng. Việc xử lý lại gặp khó khăn do các xe được cấp phù hiệu, trước khi xuất phát lập danh sách hành khách khống để qua mặt lực lượng chức năng.
Cụ thể, chiều 4/6, Tổ TTKS do Đại úy Dương trực tiếp chỉ huy phát hiện ô tô 7 chỗ BKS 75A - 129.63 do tài xế Trần Đình Anh D. (SN 1981, trú TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) điều khiển lưu thông trên QL1 hướng TP Huế - TP Đà Nẵng.
>>> Clip Trạm CSGT Phú Lộc xử lý xe trá hình Huế - Đà Nẵng:
Tại thời điểm kiểm tra, tài xế D. xuất trình một hợp đồng vận chuyển cùng danh sách hành khách. Tuy nhiên, Tổ TTKS xác định bản hợp đồng không đúng quy định. Trên xe có 6 hành khách nhưng bản danh sách hành khách do tài xế D. cung cấp cho lực lượng chức năng chỉ có 5 người.
Tổ TTKS đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với tài xế về lỗi: "Điều khiển ô tô vận chuyển hành khách theo hợp đồng, có hợp đồng vận chuyển nhưng không đúng quy định".
Ghi nhận của PV, ô tô này được Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phù hiệu "Xe hợp đồng" và phù hiệu "Xe ô tô vận chuyển khách du lịch", thuộc HTX dịch vụ vận tải ô tô Tân Trường Phát. Với các phù hiệu như trên, các tài xế ngang nhiên lập hợp đồng khống, gom khách lẻ, thu tiền như tuyến cố định.
Thực tế, lâu nay tuyến Đà Nẵng - Huế và ngược lại là điểm nóng xe trá hình. Mặc dù lực lượng chức năng các địa phương vào cuộc xử lý nhưng không xuể. Cánh tài xế xe trá hình nghĩ ra muôn chiêu đối phó với lực lượng chức năng như lập hợp đồng khống, khai chở người nhà, thay đổi hành trình...
Mới đây, chiều 4/6, qua tin tố giác của người dân, Trạm CSGT Phú Lộc đón lõng một ô tô 7 chỗ mang biển số tỉnh Thừa Thiên - Huế gom khách lẻ từ Huế đi Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi cách vị trí Tổ TTKS đang làm nhiệm vụ khoảng 1km, chiếc ô tô này rẽ vào một đường nhánh giao với QL1 thả toàn bộ hành khách xuống xe. Gần 10 phút sau, tài xế đi xe trống qua Tổ TTKS như không có việc gì.
Vào cuộc đồng bộ, xử lý quyết liệt
Theo Đại úy Trần Hải Dương, quá trình đấu tranh, xử lý vi phạm xe trá hình rất cam go. Khi bị dừng xe, cánh tài xế thường cự cãi và không hợp tác với lực lượng chức năng vì nghĩ rằng mình đủ điều kiện để tham gia vận chuyển hành khách bằng các hợp đồng khống và phù hiệu được cấp.
"Để tránh trường hợp "đánh trống bỏ dùi" chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý tình trạng này liên tục. Những trường hợp vi phạm đều bị tước GPLX, nếu quá trình kiểm tra, phát hiện tài xế nào vi phạm nhiều lần sẽ bị tạm giữ phương tiện", Đại úy Dương nói.
Theo tìm hiểu, trong năm 2019, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp gần 1.200 phù hiệu xe hợp đồng và gần 500 phù hiệu vận chuyển khách du lịch. Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2020, Sở này đã cấp 304 phù hiệu xe hợp đồng và 66 phù hiệu xe vận chuyển khách du lịch. Đáng nói, phần lớn những xe ô tô 7 chỗ được cấp những phù hiệu loại này đang vô tư gom khách như xe cố định trên tuyến Huế - Đà Nẵng,khiến trật tự vận tải bát nháo.
Tại Đà Nẵng, từ đầu tháng 5/2010, thành phố khôi phục lại Tổ liên ngành gồm TTGT, CSGT, CSTT xử lý xe trá hình. Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh TTGT Đà Nẵng cho biết, các xe trá hình ngày càng hoạt động tinh vi. Việc sử dụng các xe 7 chỗ hoạt động khiến lực lượng chức năng gặp khó trong việc phân biệt xe của người dân đi lại bình thường và xe chở khách chui. Ông Nghĩa cho rằng, cần có quy định cụ thể về dấu hiệu nhận biết của các xe kinh doanh vận tải để cơ quan chức năng dễ phát hiện, xử lý vi phạm. Đồng thời phải tăng chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm để tránh việc nhờn luật, phạt xong lại vi phạm tiếp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận