Hàng hải

Nâng cao năng lực doanh nghiệp đóng tàu, đón sóng cơ hội

02/06/2023, 09:30

Cục Hàng hải VN vừa báo cáo gửi Bộ GTVT về việc xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước”.

Đơn đặt hàng đóng tàu container cao kỷ lục

Báo cáo do Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Hoàng Hồng Giang ký cho biết, tính đến tháng 12/2022, tổng số đội tàu biển Việt Nam là 1.477 tàu (giảm 17 tàu so với năm 2021) với tổng trọng tải khoảng 11,6 triệu DWT, tổng dung tích khoảng 7 triệu GT.

img

Thời gian qua, ngành đóng tàu gặp khó khăn do khan hiếm đơn làm. Ảnh minh họa

Trong đó, đội tàu vận tải là 1.015 tàu với tổng trọng tải khoảng 10,7 triệu DWT, tổng dung tích khoảng 6,4 triệu GT; số lượng tàu hàng rời, tổng hợp có 709 tàu, chiếm tỷ trọng 70,3%; tàu chở dầu, hóa chất có 178 tàu chiếm 17,6%; tàu chuyên dụng khí hóa lỏng có 21 tàu chiếm 2,1%; đội tàu container có 43 tàu chiếm 4,3%; tàu chở khách có 58 tàu chiếm 5,7% đội tàu vận tải.

Theo thống kê của Tổ chức Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), đội tàu Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia) và thứ 27 trên thế giới. Tuổi tàu bình quân của đội tàu vận tải biển chuyên dụng của Việt Nam là 15,5 tuổi, trẻ hơn 5,4 tuổi so với tuổi tàu thế giới.

Nhóm tàu có độ tuổi trung bình trẻ nhất là tàu chở khách (7,9 tuổi), nhóm tàu có độ tuổi cao nhất là tàu khí hóa lỏng (23,6 tuổi); nhóm tàu tàu container 17,7 tuổi và nhóm tàu dầu hóa chất 17,6 tuổi.

Đáng chú ý, đội tàu vận tải biển Việt Nam có xu hướng giảm về tổng số lượng tàu nhưng tăng số lượng loại tàu có trọng tải lớn. Tổng dung tích và trọng tải của đội tàu thay đổi theo chiều hướng đi lên. Số lượng tàu vận tải năm 2022 so với năm 2016 đã giảm trên 200 tàu, tương đương mức giảm 19 %, nhưng tổng trọng tải của đội tàu vận tải tăng trưởng trên 40%.

Trong khi đó, đầu năm 2022, tổng đội tàu trên thế giới là 102.900 chiếc từ 100 GT trở lên, tương đương 2,2 tỷ DWT, tăng 2,95% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đội tàu tăng mạnh nhất là tàu chở dầu, khí hóa lỏng, tăng 8,15% do sự biến động về thị trường nhiên liệu toàn cầu, sau đó là mức tăng trưởng đội tàu container với 4,11%. Tuổi tàu trung bình của đội tàu thế giới là 21,9 tuổi, trong đó đội tàu chở hàng rời có tuổi thấp nhất là 11 tuổi, tàu container là 13 tuổi.

Theo ông Giang, trong năm 2020, do đại dịch nên hoạt động tàu biển bị thu hẹp gần như không biến động. Nhưng đến năm 2021 khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nguồn cung tàu bị thiếu, giá cước bắt đầu tăng mạnh nên các hãng vận tải bắt đầu tăng đặt đóng mới tàu, sản lượng đóng mới tàu được bàn giao tăng 5,2%, đạt 60 triệu GT.

Lượng tàu đóng mới tăng nhiều nhất là các tàu trọng tải lớn, trong đó các đơn đặt hàng cho tàu container tăng 129% đạt mức cao kỷ lục, chủ yếu ở cỡ tàu từ 12.000 TEUs trở lên.

Đặc biệt trong số tàu được đóng mới, có khoảng 40% tàu sử dụng nhiên liệu thay thế, cho thấy xu hướng trong thời gian tới tàu trọng tải lớn và tàu sử dụng nhiên liệu sạch đang dần được thay thế các thế hệ tàu cũ.

Ông Giang phân tích, đội tàu thương mại thế giới sẽ phát triển theo 3 kịch bản trong những năm tới: Kịch bản cơ sở tốc độ tăng trưởng là 1.25% đến năm 2026 với mức tăng 955 tàu/năm. Kịch bản thấp là 0.75%, tương ứng mức tăng 567 tàu/năm. Kịch bản tăng trưởng khả quan là 1.75% đến năm 2025.

Nhìn về vận tải biển Việt Nam, năm 2022, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 724 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2021. Sản lượng hàng hóa XNK thông qua cảng biển có xu hướng giảm nhẹ từ năm 2020 cho đến nay (năm 2020 đạt 403 triệu tấn và còn ,8 triệu tấn năm 2022).

Sản lượng hàng container thông qua cảng biển nói chung và lượng hàng container xuất nhập khẩu và hàng nội địa nói riêng thông qua cảng biển Việt Nam có xu hướng tăng dần, ổn định trong giai đoạn 2015 - 2022.

Năm 2022, lượng hàng container thông qua cảng biển đạt gần 24,748 triệu Teus, tăng 106,2% so với năm 2015. Trong đó, hàng container xuất nhập khẩu đạt năm 2022 đạt 16,6 triệu Teus, tăng 75,6% so với năm 2015. Hàng container nội địa đạt 8,136 triệu Teus, tăng 219,8% so với năm 2015.

Đáng nói, đội tàu biển nước ngoài ngày càng chiếm lĩnh thị trường vận tải hàng hóa XNK của Việt Nam. Thị trường vận tải hàng XNK do đội tàu biển Việt Nam đảm nhận từ năm 2016 - 2022 trung bình đạt 6,8%/năm. Còn lại, hơn 90% hàng hoá xuất nhập khẩu do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận.

Thay mới đội tàu là nhu cầu cấp bách

img

Thế giới đang phát triển những con tàu thân thiện với môi trường, giảm phát thải CO2

Tại Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam được Bộ GTVT phê duyệt, một trong những mục tiêu quan trọng là tăng gấp đôi thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam bằng đội tàu biển Việt Nam lên 10% vào năm 2026 và 20% vào năm 2030.

Lãnh đạo Cục Hàng hải VN cho hay, phần lớn chủ tàu Việt Nam đang quản lý và khai thác những tàu được đóng bằng công nghệ cũ, tiêu hao nhiên liệu cao, chi phí bảo quản, bảo dưỡng lớn nên kém sức cạnh tranh với các chủ tàu nước ngoài và gặp nhiều khó khăn trong khai thác mở rộng hoạt động phục vụ cho thị trường trong nước, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và kinh doanh quốc tế.

Do đó, nhu cầu phát triển, thay mới đội tàu đang là đòi hỏi cấp bách của chủ tàu Việt trong giai đoạn sắp tới.

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm VN, hiện có 82 cơ sở đóng tàu đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển theo Nghị định 111/2016 quy định điều kiện kinh doanh, đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển.

Trong đó, có 21 cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển cho tàu biển có trọng tải từ 10.000 DWT trở lên (8 cơ sở thuộc SBIC và 1 liên doanh với nước ngoài của SBIC).

Việt Nam cũng có 1 cơ sở đóng mới tàu biển có năng lực đóng được nhiều tàu biển trọng tải lớn, hiện đại thuộc Công ty TNHH đóng tàu Hyundai-Việt Nam, 2 cơ sở là Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất và Công ty CP Nosco Shipyard có năng lực sửa chữa tàu trọng tải lớn và có số tàu thuyền được vào sửa chữa ở các cơ sở này lớn thời gian qua.

“Các cơ sở đóng tàu của SBIC hiện chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số các cơ sở được Cục Đăng kiểm cấp giấy chứng nhận. Với các tàu biển có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên, SBIC chiếm gần 50%”, ông Giang thông tin và khẳng định, các cơ sở đóng mới sửa chữa tàu biển của Việt Nam đủ năng lực đóng các loại tàu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các cơ sở chủ yếu vẫn thực hiện được những công đoạn lắp ghép và tính phức tạp không cao còn các trang thiết bị máy móc chủ yếu vẫn phải nhập từ nước ngoài về.

Thời gian qua, do chịu ảnh hưởng của thiên tai và đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, thị trường đóng tàu, vận tải biển đều chưa phục hồi, các đơn hàng mới với các đối tác nước ngoài ký được không lớn.

Với thị trường trong nước, do đầu tư giai đoạn này không hiệu quả nên các chủ tàu trong nước đều dừng hoặc giãn tiến độ triển khai đóng mới.

Trong bối cảnh thị trường đóng mới ngưng trệ, khối sửa chữa của các đơn vị vẫn duy trì khá đều đặn, việc đẩy mạnh hoạt động sửa chữa đã phần nào bù đắp được doanh thu thiếu hụt từ hoạt động đóng mới.

Tuy nhiên, việc khan hiếm đơn hàng cả đóng mới và sửa chữa đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và quỹ việc làm của nhiều đơn vị. SBIC vẫn tiếp tục các giải pháp hiệu quả theo sự chỉ đạo để thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu.

Từ đây, lãnh đạo Cục Hàng hải VN cho rằng việc nghiên cứu đề án “Nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước” là cần thiết để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tận dụng các điều kiện sẵn có về tài nguyên biển, lao động và xu thế phát triển của ngành công nghiệp tàu thủy thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.