3 năm tiếp cận với người Việt
Vào Việt Nam từ năm 2016 nhưng chỉ mới đây, Netflix mới có động thái chính thức cho công cuộc chinh phục thị trường Việt khi nền tảng xem phim trực tuyến lớn nhất thế giới này ra mắt tùy chọn giao diện tiếng Việt. Cùng với điều này, khuyết điểm không có Vietsub cho các phim nước ngoài của Netflix trước đây cũng được khắc phục. Theo đó, người dùng tại Việt Nam được thưởng thức kho nội dung phong phú gồm các chương trình thiếu nhi, truyền hình, phim ảnh có gắn phụ đề và lồng tiếng bản ngữ với âm thanh và video chất lượng cao (bao gồm UltraHD, 4K và HDR tùy gói) mà không bị gián đoạn bởi quảng cáo.
Thông qua việc kết nối với người dùng bằng ngôn ngữ bản địa, Netflix mang đến trải nghiệm thuận tiện và dễ dàng hơn để tiếp cận được nhiều hơn với người dùng Việt Nam và khán giả Việt cũng được trải nghiệm những nội dung phim tự sản xuất và được cấp phép bản quyền, bao gồm các phim truyền hình đoạt giải, phim điện ảnh, phim hoạt hình, phim tài liệu... nổi tiếng trên thế giới.
Cũng có thể thấy từ khi bước chân vào thị trường Việt Nam, Netflix đã bắt đầu để ý hơn tới các bộ phim Việt. Gần đây nhất, “Hai Phượng” do Ngô Thanh Vân sản xuất kiêm đóng chính dù không tiết lộ số chi phí cụ thể nhưng cũng cho biết, phim đã được “ông lớn” này mua bản quyền phát sóng với giá khá cao. Tuy nhiên, cùng với “Hai Phượng”, hiện tại chỉ có 6 bộ phim Việt có trên hệ thống này gồm: “Hai Phượng”, “Trúng số”, “Để mai tính”, “Chung cư ma”, “Yêu” và “Hậu duệ Mặt trời”. Chính đại diện của hãng trong buổi ra mắt giao diện tiếng Việt tại Việt Nam cũng thừa nhận, Việt Nam còn là một thị trường mới của Netflix và hãng không ngừng học hỏi thị hiếu của người dân trên mảnh đất hình chữ S.
Theo đánh giá của ông Phan Thanh Giản, Giám đốc điều hành Clip TV, Netflix là một công ty lớn nhất thế giới dịch vụ OTT hiện nay. Do đó, việc đơn vị này “tấn công” sâu hơn vào thị trường Việt Nam sau một thời gian dài kinh doanh tại đây chứng tỏ họ nhận thấy tiềm năng của thị trường Việt. Không chỉ vậy, thời gian gần đây, thói quen người dùng trả phí cho các dịch vụ OTT đã tăng lên dần. “Với chất lượng về nội dung của Netflix, tôi nghĩ cơ hội cho họ phát triển tại Việt Nam khá cao, cũng như có thể kỳ vọng về việc làm thay đổi việc đa số người Việt vẫn có thói quen xem phim lậu miễn phí”, ông Giản đánh giá.
Giá cước của Netflix còn cao
Netflix không công bố số lượng người dùng tại mỗi quốc gia nhưng số lượng thuê bao đăng ký của Netflix tại Việt Nam được cho là chỉ hơn 300.000 thuê bao (tính tới tháng 10/2018 - theo ICT News). Đây là con số khá khiêm tốn với một thị trường hơn 90 triệu dân. Đây cũng là một bài toán và là một thách thức không nhỏ với “ông lớn” này trong việc tiếp cận sở thích và thị hiếu của khán giả Việt. Chưa kể, bài toán kinh doanh dịch vụ phim trực tuyến tại Việt Nam cũng không hề đơn giản. Trước đó, Netflix từng bị tố chưa có biểu hiện chấp hành quy định của Việt Nam về quản lý nội dung và dịch vụ. Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện của Netflix khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã cam kết sẵn sàng tuân thủ pháp luật Việt Nam, đóng thuế đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật vì muốn đầu tư nghiêm túc vào thị trường Việt Nam.
Điều này như nhận định của Giám đốc Clip TV: “Netflix là công ty quốc tế, nên thách thức đầu tiên của Netflix là phải kinh doanh theo luật pháp Việt Nam, cần có giấy phép, chi nhánh tại Việt Nam”. Ông Giản cũng chỉ ra, các đơn vị truyền hình OTT tại Việt Nam hiện nay đang có lợi thế hơn các đơn vị nước ngoài khi có các kênh truyền hình và các nội dung bản địa như rạp Việt, truyền hình. Ngoài ra, giá gói cước của Netflix dao động từ 180.000 - 260.000 đồng/tháng, khá cao so với mặt bằng chung các đơn vị truyền hình OTT tại Việt Nam như Danet (các gói 50.000 đồng/tháng, hoặc thuê phim với giá 20.000- 50.000 đồng/bộ/48 tiếng), Clip TV (gói gia đình 50.000 đồng/tháng), FPT (gói 150.000 đồng/tháng)… cũng là một điểm có thể gây bất lợi cho “ông lớn” này tại thị trường Việt.
Chuyên gia truyền thông phim ảnh Châu Quang Phước cho rằng, khi bước vào thị trường mới thì đơn vị đầu tư nào cũng đã phải nghiên cứu chiến lược kinh doanh ở thị trường đó. Netflix chắc chắn đã nhìn ra những vấn đề sẽ phải đối mặt tại Việt Nam như tình trạng phim lậu, vấn đề bản quyền, kinh doanh…. nhưng có thể họ chấp nhận ở tình thế “sống chung với lũ”. Hoặc Việt Nam chỉ ở diện “cắm cờ đánh dấu” chứ đơn vị này chưa dồn lực để phát triển thực sự. Dù vậy, sự có mặt của Netflix hay những đơn vị kinh doanh phim trực tuyến nước ngoài khác tại Việt Nam đều mang tới những lợi ích cho người dùng bởi các đơn vị càng cạnh tranh, người dùng càng được trải nghiệm thêm nhiều phương thức hay hơn. “Các đơn vị kinh doanh đều luôn tìm cách khai phá thị trường mới. Bên nào đủ lực đầu tư mạnh, họ sẽ sẵn sàng chờ lâu, thậm chí hàng chục năm cho chiến lược của mình. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không nên quá ảo tưởng rằng một ‘ông lớn’ như Netflix sẽ dồn sức đầu tư kinh doanh tại Việt Nam như một chiến lược mũi nhọn kinh doanh của mình”, chuyên gia Phước nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận