Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định rõ các giải pháp thực hiện trên tất cả các mặt: cơ chế chính sách, huy động vốn đầu tư, khoa học và công nghệ phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế và cơ chế giám sát, đảm bảo sự khả thi, hiệu quả trong triển khai quy hoạch.
Các cảng cửa ngõ của Việt Nam như: Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải và tương lai là cảng Vân Phong (Khánh Hòa) được định hướng áp dụng chính sách cảng mở để tăng hiệu quả đầu tư - Ảnh minh họa
Đáng chú ý, tại nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách là quy hoạch lần này đề cập đến việc nghiên cứu áp dụng chính sách cảng mở tại khu bến Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải và Vân Phong. Đây đều là những khu bến cửa ngõ, được quy hoạch là cảng biển trung chuyển quốc tế của Việt Nam.
Trao đổi với PV, một chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển đánh giá, chính sách cảng mở hiện được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Shanghai (Trung Quốc), Tanjung Pelepas (Malaysia), Singapore,…
Mô hình này đối với các chủ hàng sẽ có nhiều lợi thế, có thể tranh thủ được thời điểm giao dịch hàng hóa với giá tốt, tránh được sự bị động trong những cơn "sốt giá".
“Ví dụ, cứ đến thời điểm giáp Tết, mặt hàng nhôm thường tăng giá do nhu cầu để sản xuất vỏ bia và vỏ nước ngọt tăng. Nhưng nếu chủ hàng mua được nguyên liệu sớm hơn sẽ không phải chịu những cơn sốt giá của thị trường. Trong thời gian chưa biết thị trường Việt Nam và các thị trường khác có nhu cầu bao nhiêu, doanh nghiệp kinh doanh sẽ tạm nhập và lưu kho tại khu vực cảng mở. Khi có kế hoạch sản xuất, khối lượng hàng nhập vào Việt Nam sẽ đóng thuế nhập khẩu theo quy định. Khối lượng trung chuyển, tái xuất sang nước thứ 3 sẽ không phải đóng thuế”, chuyên gia này dẫn chứng.
Tại Việt Nam, các khu vực cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) hoàn toàn có thể áp dụng chính sách này để thu hút hàng hóa với lợi thế địa phương còn nhiều quỹ đất dành cho logistics.
“Cảng mở phát triển sẽ gián tiếp tăng được sản lượng hàng hóa qua cảng biển, giúp các cảng cửa ngõ của Việt Nam thành cảng trung chuyển đúng nghĩa. Khi cảng biển hình thành được cảng mở, địa phương có cảng biển cũng sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài”, chuyên gia nhận định.
Trước đó, năm 2006, cảng Cát Lái đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm xây dựng cảng mở tại quyết định số 37/2006. Thống kê của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tại thời điểm năm 2018 cho thấy, sau hơn 12 năm triển khai, sản lượng hàng trung chuyển nguyên container thông qua cảng mở tại Cát Lái đã tăng gần 500%.
Tuy nhiên, quá trình phát triển, nhân rộng mô hình cảng mở tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa có chính sách, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận