Kinh tế

Người dân hưởng lợi gì từ dự án "siêu cống” Cái Lớn - Cái Bé?

06/12/2022, 13:01

Dự án đã giúp kiểm soát mặn, ngọt trên diện tích khoảng 20.000 ha, nhờ vậy, không phải đắp trên 100 đập, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng…

Sau gần hơn 1 năm đưa vào vận hành, đến nay, “siêu cống” Cái Lớn - Cái Bé (nối huyện Châu Thành và huyện An Biên thuộc tỉnh Kiên Giang) đã thực sự phát huy hiệu quả trong vai trò điều tiết nguồn nước, ngăn chặn, hạn chế thiên tai, phục vụ sản xuất.

img

Toàn cảnh dự án “siêu cống” Cái Lớn - Cái Bé.

Đây là công trình thủy lợi “siêu khủng”, với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Hợp phần xây dựng, gồm: cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô... để nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với QL61.

Theo ghi nhận của PV, qua các đợt xâm nhập mặn trong năm 2022, cống Cái Lớn - Cái Bé đã điều tiết nước cho hơn 384.000ha đất sản xuất vùng bán đảo Cà Mau, gồm: TP Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần tỉnh Kiên Giang. Đồng thời giữ ngọt cho vùng trồng lúa, cung cấp nước có độ mặn phù hợp cho vùng vùng nuôi tôm và các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp giúp hàng ngàn người dân trong vùng an tâm sản xuất.

img

Dự án đã giúp kiểm soát mặn, ngọt cho khoảng 20.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Ông Lê Tự Do, đại diện lãnh đạo đơn vị phụ trách bộ phận tiếp quản công trình thủy lợi vùng ĐBSCL (trực tiếp quản lý, vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé) cho biết: “Đến nay, cống Cái Lớn - Cái Bé đã kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt) giúp người dân trong vùng sản xuất ổn định bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với diện tích tự nhiên 384.120ha. Trong đó đất sản xuất nông nghiệp và thủy sản là 346.241ha, thuộc địa bàn các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu...

Để tạo điều kiện cho người dân các tỉnh vùng ĐBSCL sản xuất nông nghiệp được thuận lợi, đơn vị đã thường xuyên cung cấp thường xuyên thông tin về quan trắc, độ mặn, độ PH, mực nước... Từ đó, để nhân dân sinh sống trong khu vực chủ động trong lịch mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, sản xuất hay các ngành nghề có liên quan đến nguồn nước".

img

Dự án đã góp phần giúp nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển bền vững.

Liên quan đến dự án, Sở NN&PTNT Kiên Giang và Hậu Giang đã làm chủ đầu tư Hợp phần mô hình sinh kế, các hoạt động phi công trình trên địa bàn 2 tỉnh này.

Như tại Hậu Giang, tỉnh này đã triển khai Dự án Xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé. Huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh là 2 địa phương được chọn để triển khai thí điểm 4 mô hình sinh kế: lúa - tôm; lúa - rau màu; khóm - thủy sản và mô hình trồng mãng cầu xiêm. Mỗi mô hình thí điểm là một hướng đi mới, sinh kế mới cho người nông dân ở vùng ven.

Ông Ngô Văn Tám (xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ) cho biết: “Vùng đất này từng được xem là khó phát triển nông nghiệp, nhưng bây giờ 15 công (1 công = 1.000 m2) lúa của nhà tui chắc cậy, hạt to nặng trĩu. Hồi trước, dễ gì kiếm được ruộng lúa tốt như vậy”.

Bà Nguyễn Như Phil, ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, phấn khởi: “Nhờ trúng mấy vụ lúa, khóm mà năm nay gia đình tôi cất được căn nhà mới khang trang đón Tết. Hồi đê bao làm xong, mùa khô hay mùa mưa đã không còn ảnh hưởng nhiều đến sản xuất. Bà con khu vực trong đê mừng lắm!”.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết: Hậu Giang hưởng lợi rất nhiều từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé nói chung và dự án triển khai các mô hình sinh kế nói riêng. Qua đây, không chỉ giúp kiểm soát nguồn nước (mặn, ngọt, lợ), mà còn giúp nông dân chủ động trong sản xuất, nhất là các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi hạn, mặn.

Các mô hình sinh kế và hạ tầng thủy lợi đi kèm giúp phần nào giảm bớt áp lực đầu tư hạ tầng thủy lợi, phục vụ sản xuất trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế. Dự án cũng góp phần quan trọng vào việc hoàn chỉnh hạ tầng thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.

Dự án cống Cái Lớn - Cái Bé được khởi công vào tháng 10/2019, hoàn thành tháng vào 11/2021. Sau đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành quy trình vận hành tạm thời hệ thống công trình thủy cho đến ngày khánh thành (3/2022).

Đây là một dự án lớn, kỹ thuật đặc biệt phức tạp, vùng hưởng lợi và tác động rộng lớn, nhưng toàn bộ công tác từ thiết kế, thi công, quản lý đều do người Việt Nam thực hiện.

Công trình hoàn thành đã tạo sự thay đổi tư duy và nhận thức trong công tác thủy lợi, chuyển từ tư duy “ngăn mặn” - xem mặn là kẻ thù, sang “kiểm soát nguồn nước”, để thích ứng “thuận thiên”.

Đặc biệt, lần đầu tiên, người Việt Nam có thể thiết kế, thi công, quản lý các công trình thuỷ lợi lớn, kỹ thuật phức tạp hàng đầu thế giới.

Quá trình vận hành tạm thời của dự án từ ngày 5/2/2021 (vượt tiến độ sớm hơn 1 mùa khô) đã giúp kiểm soát mặn, ngọt cho khoảng 20.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Nhờ vậy, không phải đắp trên 100 đập tạm ngăn mặn đầu các kênh cấp nước; không ảnh hưởng đến giao thông thủy, giúp vận chuyển hàng hóa thuận lợi; giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng đắp đập…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.