LTS: Sau khi Báo Giao thông đăng tải bài viết “Có một đường băng sân bay dưới lòng hồ Kẻ Gỗ” với nhiều thông tin bất ngờ về một đường cất, hạ cánh được xây nên từ một đoạn của tuyến đường 22, ông Nguyễn Đăng Quang, nhân chứng sống về đường băng huyền thoại này đã gửi đến Báo một bài viết đầy xúc động.
Ở tuổi 77, người kỹ sư trong đơn vị công binh, từng trực tiếp thi công đường băng này vẫn nhớ rành mạch đến từng chi tiết những tháng ngày hào hùng, khi ông cùng đồng đội làm đường băng Li Bi giữa làn mưa bom, đạn lạc.
Ông Nguyễn Đăng Quang
Dưới hàng trăm triệu m3 nước của hồ Kẻ Gỗ ngày nay, có rất nhiều anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ những tuyến đường huyết mạch, trong đó có đường băng sân bay Li Bi.
Kỹ sư cầu đường đi… cuốc đất
Tháng 1/1972, khi đó tôi đang làm biên tập viên Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, thuộc Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, tôi cùng 4 chàng trai nữa trong cơ quan Bộ lên đường đi nghĩa vụ. Gác tấm bằng kỹ sư lại, chúng tôi đi bộ đội theo chế độ nghĩa vụ quân sự. “Trai thời loạn, xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung” là chuyện thường tình.
Tháng 9/1972, chiến tranh đang đến độ ác liệt nhất. Lúc đó tôi đang phục vụ ở Trung đoàn 299, Bộ Tư lệnh Công binh, thực hiện nhiệm vụ làm một đoạn đường chiến dịch phục vụ việc đưa bộ đội và thiết bị khí tài cho chiến dịch Quảng Trị 1972.
Đi theo kiểu lính nghĩa vụ, tôi được đeo quân hàm Binh nhì, lương tháng 5 đồng, tiêu chuẩn chiến sỹ thường, sau này được phong lên Binh nhất, hàng ngày vác cuốc xẻng ra làm đường cùng các anh em chiến sĩ trẻ khác.
Một ngày đẹp trời, đồng chí Thiệu, Tham mưu trưởng Trung đoàn đi kiểm tra hiện trường. Ông thấy tôi, một anh lính có vẻ già dặn (năm đó tôi 26 tuổi) đang xúc đất làm đường cùng với cánh tân binh 17 tuổi nên ngạc nhiên dừng lại hỏi:
- Đồng chí nhập ngũ lâu chưa?
- Báo cáo thủ trưởng, tôi nhập ngũ tháng Giêng năm 1972.
- Trước khi nhập ngũ đồng chí làm gì?
- Tôi tốt nghiệp Đại học Xây dựng năm 1968 và sau đó công tác tại Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp.
- Đồng chí học ngành gì?
- Tôi học ngành Cầu đường.
- Thế công việc hàng ngày đồng chí làm gì?
- Báo cáo thủ trưởng, công việc hàng ngày của tôi như thế này ạ.
Vị tham mưu trưởng lặng đi một phút, nhìn tôi với cái xẻng trên tay. Cả trung đoàn công binh không có nổi một kỹ sư cầu đường. Vậy mà khi có một kỹ sư cầu đường lại chỉ đi cuốc đất.
Ông không nói gì thêm, chỉ hỏi tôi ở đơn vị nào. Rồi ông ghi vào sổ tay, thân mật bắt tay và tạm biệt.
Mấy hôm sau, tôi được gọi đi nhận nhiệm vụ mới. Đó là về Tiểu đoàn Xe máy trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh để cấp tốc làm một sân bay dã chiến bí mật.
Hóa ra vị Tham mưu trưởng báo cáo với Bộ Tư lệnh Công binh đề nghị điều động tôi về. Từ Binh nhất, tôi được phong thẳng lên Thiếu úy, chịu trách nhiệm về kỹ thuật.
Mày mò làm đường băng sân bay
Vậy là tôi bắt tay vào làm sân bay. Làm sân bay dã chiến thì không cần cầu kỳ, chỉ cần một đường băng rộng vừa đủ cho MIG21 cất cánh.
Công trình mang tên 729, tức năm 1972, tháng 9, một công trình mật của Bộ Tư lệnh Công binh.
Nơi đó tuy nằm giữa vùng đồi, nhưng vốn có đường 22 chạy qua nên chúng tôi có thể tận dụng được một phần con đường này.
Việc cần làm là đào núi, lấp suối, tạo một đường băng thẳng tắp dài 1,6km, rộng 30m, trắc dọc trắc ngang của đường băng theo đúng thiết kế, nền đường đất đồi lu lèn đạt độ chặt K95. Thi công thì có máy ủi, máy xúc, máy san, máy lu.
Vấn đề đặt ra là hàng ngày máy bay địch bay ra đánh phá miền Bắc đều bay qua đầu chúng tôi, làm sao giữ bí mật? Thoạt tiên chúng tôi thi công theo kiểu da báo, đào chỗ này một ít, đắp chỗ kia một ít.
Ban đêm cho xe ủi, xe lu thi công. Thậm chí có khi không cần bật đèn mà dùng ánh trăng hoặc có người cầm đèn pin đứng dưới hướng dẫn. Có tiếng máy bay là tắt đèn ngay.
Một đại đội nữ dân công hỏa tuyến, gồm 40 chị ở Công ty Xây dựng Hà Tĩnh (trong số đó chắc là có chị Đàn nêu trong bài báo “Có một đường băng sân bay dưới lòng hồ Kẻ Gỗ”) và một số chị em của Xí nghiệp Gạch Cẩm Thành.
Mờ sáng, các chị bứng cây sim, cây mua ở trên đồi đem về ngụy trang, tối đến cần thi công chỗ nào các chị lại dọn cây đi để thi công.
Ban đầu mọi việc khá suôn sẻ. Trong quá trình thi công, một lần, gặp tình huống phải xử lý kỹ thuật, gặp khu vực nền đất yếu, đất bùng nhùng không lu lèn được.
Không có tài liệu, sách vở để tham khảo, cũng chẳng có internet, google để tìm hiểu, từ mình phải vắt óc nghĩ cách và quyết định dùng phương pháp nổ mìn tạo cọc nhồi, kết hợp cọc cát để gia cố nền đất yếu. Thành công!
Chỉ 6 người sống sót
Đã hàng chục năm trôi qua, nhưng khi nước rút, con đường 22 vẫn hiện hữu dưới lòng hồ Kẻ Gỗ
Thi công một công trình đồ sộ như vậy trong tầm mắt của máy bay Mỹ hàng ngày bay qua đầu đánh phá miền Bắc, ngụy trang gì mà che được?
Tránh sao được, rồi cũng đến lúc thôi. Cho nên chúng tôi phải đề cao cảnh giác. Ngủ nhà hầm đào sâu dưới mặt đất, ngay bên cạnh làm thêm hầm vì kèo chữ A.
Thỉnh thoảng sang thăm động viên chị em công nhân, chúng tôi mới biết các chị khổ hơn chúng tôi nhiều lắm. Chúng tôi là lính, Nhà nước lo hết, cơm ăn ba bữa, quần áo phát đủ còn các chị thiếu thốn đủ điều. Vậy mà các chị vẫn làm việc với tất cả sức mình, không kêu ca phàn nàn.
Thế rồi ngày ấy cũng đã đến. 3h sáng 7/1/1973, đang nằm ngủ chúng tôi nghe tiếng bom nổ. Không phải một quả bom, mà là nhiều loạt bom liên tiếp. Chúng tôi lao vào hầm.
Tiếng nổ mỗi lúc một to. Đất đá bắt đầu rơi bình bịch trên nóc hầm. Cả thảy 21 loạt bom. Tất cả bỗng chốc im ắng trở lại, chúng tôi mới bắt đầu hỏi nhau xem có ai sao không. Thật may mắn, chúng tôi vẫn sống sót giữa mưa bom B52.
Khi bò lên được mặt đất, trong tầm mắt của mình, tôi thấy không thấy có cái gì còn nguyên vẹn. Nền đường bằng phẳng chúng tôi vừa thi công xong hôm qua nay đầy hố bom.
Chạy sang khu vực của chị em công nhân, khung cảnh tang thương hiện ra, lán trại bị bom phá tan hoang. Cả đại đội mấy chục người chỉ còn 6 người sống sót. Chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận sâu sắc được sự tàn khốc của chiến tranh đến thế.
Sau khi thực hiện xong các nhiệm vụ cứu người bị thương và lo cho người mất, chúng tôi ra kiểm tra lại hiện trường. Hố bom chi chít thì san lấp lại, không khó.
Nhưng có mấy hút bom sâu thăm thẳm, chọc sào không thấy đáy, có thể là bom nổ chậm, đến một thời khắc đã định sẵn nó sẽ nổ tung. Nhưng cũng có thể nó gặp chỗ đất mềm không đủ sức kích nổ.
Giờ không thể nhắm mắt mà lấp lại được nhưng đào lên đem đi chỗ khác cũng quá nguy hiểm. Chúng tôi bèn chia thành nhiều tốp, thay nhau đào tìm quả bom để áp nổ chủ động. Cũng may, đào và phá xong các hút bom, không bị quả bom nào phát nổ ngoài ý muốn.
Sau đó ít ngày, đường băng sân bay cơ bản hoàn thành, nhưng hiệp định Paris cũng được ký kết. Sứ mệnh của sân bay vẫn chưa được ngày nào thực hiện.
Hồ Kẻ Gỗ vẫn được biết đến với vai trò điều tiết, cung cấp nước ngọt cho hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp Hà Tĩnh.
Trước năm 1972, hồ Kẻ Gỗ chưa đắp đập, tích nước như bây giờ nên một phần tuyến đường 22 đi qua vùng lòng hồ. Tháng 9/1972, một đoạn nằm giữa hồ được chọn để làm đường băng cho sân bay dã chiến Li Bi (gọi theo tên của một khe nước trong khu vực này). Vị trí này nằm giữa một thung lũng rất rộng và bằng phẳng.
Đến đầu năm 1973, khi đường băng đang thi công dở dang thì bị máy bay B52 đánh phá ác liệt làm hư hỏng nặng nề. Sau đó, Hiệp định Paris được ký kết nên chưa có chuyến bay nào kịp cất cánh.
Hà Nội, tháng 2 năm 2023.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận