Hàng ngày, người tuần đường Nguyễn Hồng Quân cần mẫn đi về kiểm tra 22 km đường ray để đảm bảo an toàn cho tàu qua - Ảnh: Thanh Thúy |
“Đêm thay ngày, ngày lại đổi thay đêm, rét thay nắng, gió gào thay mưa lũ, người tuần đường vượt biết bao gian khổ, lặng lẽ bước chân in bóng những đoàn tàu…”. Hình ảnh anh Nguyễn Hồng Quân, tuần đường Cung đường Đông Hà (Đội Quản lý Đường sắt 3, Công ty Quản lý Đường sắt Bình Trị Thiên) luôn làm tôi nhớ tới lời bài hát này.
Cần mẫn “phơi sương phơi nắng”
18 tuổi, chân ướt chân ráo vào làm công nhân duy tu đường sắt Cung đường Đông Hà (Quảng Trị) chưa được bao lâu, anh Nguyễn Hồng Quân lên đường nhập ngũ. Ba năm trong quân ngũ đã rèn luyện người công nhân đường sắt vốn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình quy phạm càng thêm tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm. Rời quân ngũ, anh lại quay về đơn vị cũ và được tín nhiệm giao nhiệm vụ tổ trưởng tổ tuần đường - công việc mà theo anh là “luôn đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, tự giác rất cao vì phải làm việc độc lập”.
Nói về nghề của mình, anh Quân đùa: “Mấy ông tuần đường, trông ông nào cũng đen sạm, gày guộc, nhưng mà dai sức lắm đấy nhé. Ngày nào cũng cuốc bộ mấy chục km, lại phơi sương, phơi nắng, quá cả vận động viên đi bộ việt dã ấy chứ”.
Quả thật, như anh Quân, đêm hay ngày, nắng hay mưa, nóng bức hay rét mướt, đều đặn hàng ngày đi tuần, kiểm tra 22 km đường sắt cả lượt đi và lượt về. Trông tưởng thong dong thế nhưng vai thì đeo túi đồ nghề nào cờ lê, pháo phòng vệ, đèn, cờ tín hiệu, sổ sách… nặng dễ đến 5 kg, chân bước thấp bước cao trên những thanh tà vẹt, trên đá lổn nhổn, mắt thì dán chặt vào mặt đường “soi”.
“Anh Nguyễn Hồng Quân là nhân viên tuần đường kỳ cựu, tâm huyết, cần mẫn với công việc. Gần 30 năm công tác, gắn bó với đơn vị, anh luôn là người Đảng viên, tổ trưởng gương mẫu, đề xuất nhiều biện pháp cùng đơn vị tháo gỡ khó khăn trong công việc. Là Bí thư liên chi đoàn với “thâm niên” 20 năm từ khi còn là thanh niên đến khi đã trung tuổi, nhưng lúc nào anh cũng xông xáo, xốc vác, nhiệt tình xây dựng và tham gia các hoạt động đoàn thể, phong trào…”. Ông Hồ Quý Lãnh |
“Đường sắt qua khu vực này đã qua khai thác nhiều năm. Ray, tà vẹt, lập lách, phụ kiện liên kết nhiều chủng loại khác nhau trong khi điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên rất dễ hư hỏng. Tuần đường phải phát hiện kịp thời, lỏng bu long thì xiết lại; Ray, lập lách gãy thì phòng vệ, báo đơn vị đến khắc phục…”, anh Quân cho biết.
Đó là chưa kể những ngày nắng như đổ lửa, gió Lào khô khốc thổi rát da; Những đêm mưa bão, ngập lụt, chỉ một mình người tuần đường lầm lụi đi như thế. “Cũng có lúc phải đấu tranh với bản thân, giữ vững tinh thần trách nhiệm, không ngại khó, lên ban đi đúng hành trình, không bỏ sót, tập trung cao độ làm tốt công tác tuần tra để phát hiện kịp thời mọi sự cố trên đường, có như vậy mới hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo an toàn. Hơn nữa, làm tổ trưởng mình cũng phải nêu gương, nhắc nhở anh em thực hiện cho tốt. Chỉ một phút lơ là, không chú ý phát hiện kịp thời nguy cơ mất an toàn, hậu quả khôn lường…”, anh Quân chia sẻ.
Với tinh thần làm việc trách nhiệm khi lên ban kiểm tra kỹ từng mét đường, từng bộ phụ kiện, anh Quân đã phát hiện nhiều sự cố gãy ray, lập lách, các chướng ngại vật trên đường sắt, đe dọa mất an toàn chạy tàu, kịp thời phòng vệ và báo đơn vị giải quyết, đảm bảo an toàn. Như một lần mưa lũ làm trôi nền đường, treo ray, anh Quân nhớ lại: “Bữa đó, mưa lũ to lắm, ngập cả đường sắt, nhất là những chỗ trũng ngập đến 40 cm, không nhìn thấy đường sắt đâu. Tôi phải thò tay xuống, dò đường, thấy trôi hết đá nền đường, treo ray. Cử anh nhân viên đi cùng ở lại phòng vệ bắt tàu, tôi bò bám theo thanh ray đi tiếp qua đoạn ngập khoảng 1,5 km, có cầu sắt còn trôi cả mố cầu. Đến hết đoạn ngập thì may quá, tôi phòng vệ, làm tín hiệu giữ tàu dừng lại kịp thời”.
Lần khác khi đang đi tuần, anh Quân phát hiện ray gãy nguy hiểm, trong khi đó, đoàn tàu khách SE3 đang đi vào khu gian. Lập tức anh cắm cờ đỏ làm tín hiệu dừng tàu tại vị trí ray gãy. Rồi vừa gọi điện báo sự việc cho tuần đường phía ga Hà Thanh để nhân viên này làm tín hiệu dừng tàu, anh vừa chạy về phía đoàn tàu vừa phất cờ làm tín hiệu dừng tàu. Mặc dù lái tàu nhận được tín hiệu, thực hiện hãm nhưng đoàn tàu vẫn lướt tiếp, đến gần điểm ray gãy mới dừng hẳn.
“Sau khi lập biên bản, gọi điện báo cáo sự việc, tôi quyết định bám đầu máy dẫn tàu chạy chậm qua điểm gãy với vận tốc 5 km/h vì nếu chờ đơn vị ra giải quyết sẽ chậm tàu, hành khách phải chờ đợi. Hơn nữa, tôi quan sát thấy ray gãy ngang, vẫn có thể cho tàu qua được. Tuy vậy, khi tàu chạy, tôi cũng hồi hộp lắm, đầu máy rồi lần lượt từng toa xe qua an toàn tôi mới thở phào nhẹ nhõm…”, anh Quân kể.
Hàng ngày, người tuần đường Nguyễn Hồng Quân cần mẫn kiểm tra từng mét đường để đảm bảo an toàn cho tàu qua |
Tâm huyết mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm”
Mấy chục năm gắn bó nghề tuần đường, niềm tự hào và cũng là tâm huyết nhất của anh Quân chính là đã góp phần sáng lập, xây dựng và duy trì được mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” - mô hình điển hình trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt.
Nhớ lại tình trạng ném đất đá lên tàu, mất cắp vật tư thiết bị đường sắt trên địa bàn mười mấy năm về trước, anh Quân kể: “Hồi đó lộn xộn lắm. Đoạn đường cung quản lý đi qua khu dân cư đông đúc, nhất là từ km619+00 - km 621+00 thuộc địa bàn khu phố Tây Trì phường 1, cửa ngõ TP Đông Hà tình trạng xả rác thải rồi và phạm hành lang ATGT đường sắt rất phức tạp…”.
Anh Nguyễn Hồng Quân đã hai lần đạt danh hiệu “Kiện tướng an toàn chạy tàu” cấp ngành, ba lần đạt danh hiệu “Kiện tướng an toàn chạy tàu” cấp cơ sở; Nhiều năm liền đạt lao động tiên tiến, đoàn viên công đoàn xuất sắc; Nhiều lần được các cấp khen thưởng. Năm 2015, anh Quân vinh dự được chọn là một trong số các gương mặt của ngành GTVT dự Đại hội Thi đua toàn quốc. |
Tình trạng ném đất đá lên tàu, mất cắp vật tư thiết bị đường sắt xảy ra thường xuyên khiến đoạn đường từ km619+00 - km 621+00 trở thành điểm nóng lúc bấy giờ. Ngày ngày, đi tuần qua khu vực nhức nhối này, anh càng thấy không yên lòng khi nguy hiểm rình rập tàu mỗi khi qua đây.
Với vai trò là Bí thư Liên chi đoàn Đội Quản lý đường sắt 3, anh Quân cùng anh em trong BCH suy nghĩ tìm biện pháp và nảy ra sáng kiến phối hợp với Hội Cựu chiến binh phường 1, khu phố Tây Trì, trường Tiểu học Sông Hiếu trên địa bàn thực hiện mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm”. Thế là ông cựu chiến binh, cháu học sinh cùng các anh chị thanh niên đường sắt ra quân làm vệ sinh văn hóa mặt đường, rồi hàng ngày tuần tra canh gác, phát hiện, ngăn chặn các hành vi ném đất đá lên tàu, tháo trộm thiết bị đường tàu, bảo vệ an toàn đoạn đường sắt qua khu vực. Ngoài ra, còn là những hạt nhân tích cực tuyên truyền về đảm bảo ATGT đường sắt trong địa bàn dân cư sống dọc hai bên đường sắt.
Từ đó đến nay, đã hơn 10 năm mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” được duy trì thường xuyên, đem lại hiệu quả thiết thực: xóa bỏ nạn ném đất đá lên tàu, hành lang ATGT đường sắt được đảm bảo… Không những vậy, mô hình này đã trở thành điển hình, điểm sáng trong phong trào bảo vệ đường sắt, lan tỏa đến các địa bàn khác có đường sắt đi qua trên địa bàn tỉnh. Vì thế, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị không còn tái diễn nạn ném đất đá lên tàu, tình hình trật tự ATGT đường sắt được bảo đảm hơn…
Tự hào vì đã góp phần nhỏ bé vào đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn nhưng anh Quân vẫn đau đáu: “Giá như mô hình Đoạn đường ông cháu cùng chăm được nhân rộng trong cả nước, bởi sự bình yên của mỗi đoàn tàu cũng là sự bình yên của bao người…”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận