Sau hơn 73 năm, Hội nghị văn hóa toàn quốc mới lại được tổ chức, đây là sự kiện mà không chỉ giới văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa mà cả xã hội đều rất quan tâm. Ông có kỳ vọng gì về Hội nghị lần này?
Trong một thời gian dài, nước ta phải đối mặt với những cuộc xâm lược. Văn hóa đã thể hiện trong toàn bộ đời sống, ý chí đoàn kết giành độc lập của dân tộc. Văn hóa nằm trong cả đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, lan tỏa trong tâm hồn người Việt và ra thế giới.
Hội nghị lần này để tổng kết và đánh giá một chặng đường dài phát triển của văn hóa dân tộc, khẳng định vị thế của văn hóa. Có thể nói, Nghị quyết của Đảng lần thứ XIII về văn hóa vô cùng quan trọng với đất nước trong giai đoạn mới. Bởi hiện tại, ta đã bước sang chương khác của đời sống, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Cả thế giới đều phải thay đổi, nhìn nhận lại mọi giá trị sau tác động của đại dịch này.
Hội nghị lần này thể hiện sự cấp bách, sẽ như bản tuyên ngôn về con đường đi của dân tộc, đó là con đường văn hóa, như lời Bác Hồ nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa là hành vi của con người với thiên nhiên, với con người xung quanh và các quốc gia khác biệt về chính trị, ngôn ngữ, tôn giáo.
Hy vọng lớn của tôi và có lẽ là của nhiều người khác là Hội nghị sẽ mở ra một chương mới, trong đó văn hóa sẽ giữ vị thế lớn hơn bây giờ.
Nói đến văn hóa là nói đến con người. Vậy theo nhận định của ông, quá trình phát triển văn hóa- con người ở ta như thế nào suốt những năm qua?
Sau năm 1975, tôi từng tiếp xúc với nhiều cựu binh Mỹ, các giáo sư, chính khách Mỹ. Họ khẳng định, phát hiện lớn nhất về Việt Nam qua cuộc chiến tranh là văn hóa con người Việt.
Chúng ta đã có cách hành xử và dẫn dắt dân tộc đi trên con đường đúng đắn theo đường lối của Đảng và Nhà nước.
Nhưng hiện nay, văn hóa đang bị thách thức trong lối sống, khát vọng, ứng xử của con người, cách nhìn nhận thế giới và sứ mệnh của dân tộc. Những giá trị văn hóa đang bị tấn công, thậm chí bị lãng quên.
Mới đây, tôi đi đám tang một nhà thơ và rất buồn khi ở đó, họ tranh nhau vào viếng trước. Họ tranh nhau cả ở những sự kiện đau thương!
Rồi có lần ở Singapore, 11h đêm, tôi thấy một thanh niên rất hiện đại dừng xe trước đèn đỏ dù 4 phía không có một bóng người. Trong khi đó, ở ta, không thiếu những cảnh chen lấn xô đẩy, giành giật nhau, vượt đèn đỏ kể cả khi có CSGT đứng đó, không chỉ là người dân mà cả cán bộ, trí thức.
Đối với mỗi một xã hội, khi những giá trị văn hóa được coi trọng thì trật tự xã hội, tinh thần thượng tôn pháp luật luôn được đề cao và ngược lại. Ở đâu mà những giá trị văn hóa không được vun đắp, trân trọng, đó sẽ là lực cản rất lớn đối với quá trình phát triển. Nếu không thay đổi, rất khó để ta chạm vào hạnh phúc và những giá trị văn minh của nhân loại. Suốt đời, ta chỉ luẩn quẩn quanh vài điều nhỏ bé.
Do đó, Hội nghị lần này cần kêu gọi toàn thể nhân dân, giới trí thức, văn nghệ sĩ, các cơ quan quản lý văn hóa tham gia vào một chiến lược mới, chấn hưng văn hóa. Chúng ta phải gìn giữ những điều cốt lõi nhất của văn hóa truyền thống trong sự vận động không ngừng của văn hóa.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, các văn kiện của Đảng luôn nhấn mạnh phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội. Theo ông, điều này có ý nghĩa quan trọng thế nào?
Việc đặt văn hóa ngang tầm chính trị, kinh tế, xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng. Trong quá trình phát triển đất nước, không thể không coi trọng và phát huy những giá trị văn hóa.
Tuy nhiên, việc ưu tiên đầu tư, dành sự quan tâm xứng đáng về văn hóa ở ta hiện nay chưa cân bằng với các lĩnh vực khác. Chúng ta đã tập trung đầu tư rất nhiều về kinh tế, chính trị nhưng với văn hóa, dường như chưa làm được gì nhiều.
Cũng chính vì vậy đã nảy sinh nhiều vấn đề về đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử, cả trong gia đình, nhà trường, xã hội và cả chính ở trong các cơ quan công sở. Điều này được thể hiện qua rất nhiều vụ việc mà báo chí đã phản ánh, từ quan hệ thầy trò, cha con, vợ chồng cho đến đồng nghiệp...
Thực tế này cũng đưa ra lời cảnh báo rằng, chúng ta đang có phần lơ là giáo dục, bảo vệ văn hóa từ những người dân bình thường trong xã hội cho tới những người cán bộ, quản lý.
Ở làng tôi, từ lâu trên tường có viết một câu: “Không có ăn không thể bước đi. Không có chữ không nhìn thấy đường”.
Chúng ta phát triển kinh tế để đáp ứng những điều kiện cơ bản cũng như nhu cầu ngày càng cao của con người, hướng tới cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại. Nhưng, như các triết gia, nhà văn hóa đã nói: “Nếu không có văn hóa, chúng ta cũng chỉ là những kẻ mù lòa. Mọi dân tộc đều phải đặt văn hóa lên hàng quan trọng nhất”.
Lo sợ nhất của nhân loại là khi thế giới trở thành “thế giới phẳng”. Nhiều biên giới về chính trị, kinh tế, xã hội, địa lý… bị xóa nhòa. Nhưng một biên giới không được xóa nhòa là văn hóa. Chỉ văn hóa mới xác lập được đó là dân tộc Việt, khẳng định được tính chủ quyền.
Có những dân tộc bị mất nước về địa lý, nhưng chỉ một nhóm người sống lưu vong vẫn có tinh thần văn hóa dân tộc thì dân tộc đó còn văn hóa.
Ông vừa nói đến “thế giới phẳng”, vậy trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa ngày nay, làm thế nào để khoảng cách giữa mỗi quốc gia có thể được kéo lại gần nhau nhưng ranh giới văn hóa thì không thể xóa nhòa?
Đó là vấn đề giáo dục. Chỉ giáo dục nhận thức đúng đắn mới có thể chống được cái xấu.
Cách đây 20 năm, khi giao lưu tại một trường học, các phụ huynh nhờ chúng tôi viết cẩm nang về những cạm bẫy mà một đứa trẻ bước vào đời dễ bị sa vào. Tôi nói, nếu viết cẩm nang 1000 cạm bẫy thì bước vào đời, sẽ gặp 1001 cạm bẫy và cái bẫy thứ 1001 đó sẽ giết chết đứa trẻ.
Để chống lại cái xấu, ta không thể bịt chỗ nọ chỗ kia, nhất là trong cơ chế mở cửa đất nước. Chỉ khi đặt vào đứa trẻ một nền tảng văn hóa vững chắc, được giáo dục về đạo đức công dân, mỹ học, lòng nhân ái, chúng mới phân biệt được ác, thiện. Khi đó, chúng có thể đi qua mọi cạm bẫy cuộc đời.
Có người từng hỏi tôi, ở Nhật có khẩu hiệu về việc phải tiến lên đứng đầu thế giới, Hàn Quốc muốn phủ ngập thế giới, vậy Việt Nam cần gì trong giai đoạn này? Tôi nghĩ, chúng ta cần tự trọng dân tộc. Khi có tự trọng dân tộc, sẽ biết làm những gì tốt đẹp nhất cho dân tộc đó.
Lòng tự trọng dân tộc của người Việt lâu nay đang dần phai mòn và có nguy cơ bị xâm lược bởi những nền văn hóa ngoại lai.
Không đâu xa, giải thưởng Sách Quốc gia vừa qua có rất nhiều sách dịch. Điều này cần xem lại. Các cuốn sách nước ngoài rất hay, hướng dẫn trẻ em rất tốt. Nhưng một đứa trẻ Việt phải lớn lên trong nền văn hóa Việt, thành người tốt trong văn hóa Việt chứ không phải người tốt trong nền văn hóa của các quốc gia khác.
Và trong việc phát triển văn hóa hiện nay, ông có cho rằng chúng ta đang nghiêng quá nhiều về chuyện giải trí?
Đó là bản chất vấn đề. Tôi từng viết một bài về “Siêu thị cho trẻ em và hoa hậu cho người lớn”. Bây giờ, một đứa trẻ không còn không gian để lớn lên, phát triển tâm hồn văn hóa, còn người lớn quanh quẩn giải trí với hoa hậu. Bây giờ là thời đại showbiz lên ngôi. Mọi tuyên bố, hành xử trong showbiz làm xã hội chao đảo, thanh niên khóc cười.
Điều này cần cảnh báo. Chúng ta phải hướng dẫn, tạo nền tảng cho thế hệ trẻ hiểu cách tiếp nhận văn hóa. Văn hóa là sự sâu thẳm bên trong, là cách ứng xử, ý thức về gia đình, xã hội, con người chứ không phải giải trí, showbiz. Các vấn đề chiều sâu, đạo đức, nhân cách đang bị lơ đi.
Ở Phương Tây, việc đọc sách, nghe giao hưởng, đi bảo tàng, bàn luận những vấn đề hôn nhân, bảo vệ thiên nhiên… đều được đặt lên như trọng trách lớn. Còn chúng ta đang thả lỏng văn hóa vì những lợi ích vật chất của những cá nhân, đơn vị làm truyền thông.
Theo ông, làm thế nào để ta có thể giải quyết những thực trạng đó?
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác lập chiến lược lớn về văn hóa, nhưng cần phải cụ thể hóa. Phải có hành lang pháp lý với những hành vi đang nguy cơ xâm lấn đời sống tinh thần người Việt. Thời gian qua, có lúc chúng ta đã vì thị trường, lợi nhuận kinh tế mà bỏ qua văn hóa, nhầm lẫn rằng người dân đợi chờ những thứ giải trí tinh thần.
Cũng cần thay đổi cả tư duy của những người quản lý. Phải nhận ra nguy cơ ngày nào đó văn hóa bị chìm lấp, những thứ vô giá trị sẽ ập xuống đầu chúng ta, cái ác tràn ngập.
Xây dựng văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Những nhà chiến lược sẽ phải hoạch định để phát huy sức mạnh toàn dân. Chúng ta phải có những hành động cụ thể để khẳng định giá trị của văn hóa, để văn hóa thành sức mạnh nội sinh của đất nước.
Phải hàng ngày lan tỏa, quảng bá, ngay từ trong cách lựa chọn con người trong hệ thống chính trị, quản lý nhà nước, bởi họ là những người điều hành công việc của đất nước.
Một người có tri thức nhưng sống vô cảm, ích kỷ sẽ không thể làm quản lý. Bổ nhiệm cán bộ cần phải dựa trên nền tảng văn hóa, có tri thức văn hóa, có sự chia sẻ, hy sinh, không vụ lợi, thấu hiểu. Nếu làm được điều đó, ta sẽ bớt được rất nhiều cán bộ lãnh đạo nhúng chàm vì tham nhũng hôm nay.
Cũng đừng bỏ quên quảng bá văn hóa. Chúng ta có nhiều di sản văn hóa nhưng chưa quảng bá, chỉ điểm qua trong những đợt ngoại giao. Điều đó không mang lại giá trị. Quảng bá văn hóa phải là một chiến lược.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận