Nói đến Etcetera Nguyễn (hay còn gọi là Trường Nguyễn), nhiều người nhớ ngay đến một nhà báo với mái tóc dài đậm chất nghệ sỹ, rong ruổi khắp mọi miền đất nước truyền tải những nét đẹp của quê hương, làm cầu nối giữa người Việt trong và ngoài nước.
Nhà báo Trường Nguyễn ký họa chiến sĩ Trường Sa trong một lần ra thăm đảo
Hành trình trở về Tổ quốc
Trường Nguyễn sinh năm 1968, quê gốc ở Nam Định nhưng đã cùng cả gia đình di cư vào Nam từ năm 1954. Anh là Tổng thư ký của báo Việt Weekly tại Mỹ và nay là Chủ nhiệm kiêm phóng viên kênh Vietnam Today Tivi, từng đạt nhiều giải thưởng báo chí trong nước.
Tôi sống và làm báo trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài nên tôi hiểu, một số tờ báo đưa tin không rõ bản chất của sự thật, thiếu khách quan. Động cơ của các tờ báo đó là soi mói vào Việt Nam với tinh thần thiếu thiện chí. Thông tin trên đó không đáng tin cậy.
Bên cạnh đó, mạng xã hội có thế mạnh ở chỗ tập hợp nhiều thông tin khác nhau, dễ dàng phát tán song khi tham gia vào mạng xã hội tất cả mọi người cần phải sàng lọc, phải tỉnh táo trước mọi thông tin.
Tôi thấy qua một quãng thời gian 5 năm, người dân Việt Nam tin vào những trang mạng uy tín, còn những trang mạng trôi nổi dần bị đào thải.
Nhà báo Trường Nguyễn
Trường Nguyễn không ngần ngại chia sẻ, cha anh từng là sỹ quan của chế độ cũ, cả gia đình sang Mỹ định cư vào năm 1988. Khi đó, Trường Nguyễn 22 tuổi, tuổi trẻ nông nổi lại sống trong cộng đồng người Việt chống Cộng cực đoan ở khu Little Sài Gòn tại Mỹ nên không tránh khỏi ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Song đến năm 2003, sau một thời gian dài quan sát, tiếp xúc và trải nghiệm, anh cảm thấy lấn cấn khi nhiều người hô hào “chống Cộng, chống Cộng”, nhưng dường như có một động cơ không chính đáng đằng sau.
Năm 2003, Trường Nguyễn và một số người bạn cùng nhau sáng lập ra Tuần báo Viet Weekly.
“Tinh thần của Việt Weekly là “sự thật và diễn đàn”, thể hiện sự đa chiều. Chúng tôi phỏng vấn nhiều chiều và không ngăn chặn nguồn tin này, nguồn tin kia nên dần dần đã nhìn thấy rõ được mặt trái của nhiều người chống Cộng.
Tờ báo của chúng tôi trở nên nổi tiếng, vì phản ánh trung thực về quê hương. Và những người chống đối tìm cách đả kích, dìm tờ báo của chúng tôi quyết liệt. Việt Weekly đã phải đấu tranh trước rất nhiều các tờ báo cực đoan với động cơ chính trị một chiều, đến mức có lúc bị khủng hoảng tài chính”, anh chia sẻ.
Nếu như đó là dấu mốc anh nhìn thấu những tư tưởng cực đoan ở nước ngoài thì từ năm 2006 là thời điểm anh có cơ hội để nhìn kỹ sự đổi mới của quê hương.
Lúc ấy, anh là một trong số ít những người Việt ở nước ngoài được về Việt Nam trong vai trò nhà báo hải ngoại đưa tin tại Hội nghị APEC.
“Tôi rất hào hứng bởi đó không chỉ là chuyến đi ghi nhận sự kiện APEC mà còn được quan sát trực tiếp, mắt thấy tai nghe thực tế Việt Nam.Và tôi đã thật sự bị chấn động bởi không thể hình dung được, thời điểm tôi đi và lúc tôi về, sau 18 năm Việt Nam có nhiều thay đổi ngoạn mục như vậy”, Trường Nguyễn chia sẻ.
Chuyến hải trình đặc biệt
Nhà báo Trường Nguyễn chụp ảnh cùng bà con vùng sâu vùng xa
Dấu mốc sâu sắc, để lại nhiều tâm tư tình cảm trong anh khi trở về đất mẹ, là chuyến đi hải trình hơn 10 ngày tham quan các huyện đảo Trường Sa do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại Giao tổ chức tháng 4/2012. Đây là chuyến hải trình đặc biệt dành cho kiều bào xa Tổ quốc.
Là người làm báo, đưa tin với trọng trách đi tìm sự thật, chính những trải nghiệm trong chuyến đi Trường Sa đã thôi thúc Trường Nguyễn trở về Mỹ thực hiện liên tục các số báo về Trường Sa để đăng hàng tuần.
Bên cạnh đó, anh và đồng nghiệp còn mở triển lãm 200 bức ảnh về Trường Sa.
Những nỗ lực đó đã làm cho góc nhìn của cộng đồng người Việt tại Mỹ thay đổi rõ rệt, làm cho mọi người tin tưởng biển đảo của Việt Nam luôn luôn được bồi đắp, gìn giữ và bảo vệ.
“Tôi thấy, qua những chuyến đi, tôi có thể giúp bà con ở nước ngoài hiểu hơn, tin tưởng hơn vào Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, mỗi lần tôi trở về Mỹ thăm gia đình, khi nói chuyện với kiều bào về Trường Sa, tôi thấy nhận thức của họ đều đã thay đổi”, anh chia sẻ.
Sau chuyến đi ấy, Trường Nguyễn tiếp tục ra Trường Sa năm 2014, năm 2015 và năm 2019 và tham gia chuyến đi 5 ngày ra ngoài quần đảo Hoàng Sa cùng với đoàn báo chí quốc tế năm 2014.
Qua mỗi chuyến đi, Trường Nguyễn lại có thêm niềm tin, sẵn sàng đưa ra ý kiến tranh luận, thảo luận với các nhà báo quốc tế.
Kết nối kiều bào với quê hương
Khi nhận thức đã “chín” và tình yêu quê hương trỗi dậy, đúng ngày 21/6/2013, Trường Nguyễn quyết định chính thức trở về Việt Nam sinh sống và làm việc lâu dài.
Anh đã lập ra kênh Vietnam Today trên nền tảng YouTube để kết hợp công việc làm báo và tìm hiểu văn hóa lịch sử các vùng miền. Với tôn chỉ “Nhịp sống muôn màu”, kênh Vietnam Today đã đưa bước chân Trường Nguyễn đi khắp các nẻo đường đất nước.
Với phong cách chuyển tải thông tin riêng, mộc mạc, tinh tế và tích cực, lượng đăng ký theo dõi kênh YouTube Vietnam Today của anh tăng lên đến hàng chục nghìn người. Con số đó cho thấy tính lan tỏa của những thông tin mà Trường Nguyễn mang đến cho khán giả.
Trường Nguyễn dành thời gian đi tham quan hầu hết các nhà tù qua các thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ như: Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Tài, Hỏa Lò… Hơn thế nữa, ngoài việc tìm hiểu về lịch sử, cảnh quan mỗi nơi đến, anh còn tìm về những nhân chứng lịch sử.
Hàng trăm cựu tù, cựu chiến binh trong các cuộc chiến, từ đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, biên giới Tây Nam, miền Trung đỏ lửa, biên giới phía Bắc… hầu như anh đều tìm đến, kết nối gặp gỡ những nhân chứng có thể kể lại những câu chuyện hào hùng của dân tộc. Tất cả cũng đều được ghi thành những video clip đưa lên kênh YouTube Vietnam Today.
Trường Nguyễn càng đi càng yêu quê hương nhiều hơn, muốn đóng góp vai trò kết nối giữa người trong và ngoài nước. Anh thực hiện được một tập sách mang tên: “Ký sự Trường Sa và Hoàng Sa”.
Khi miền Trung hứng chịu nhiều đợt bão lũ hồi tháng 10/2020, anh đã cùng cộng sự của mình ở kênh Vietnam Today vận động được trên 1 tỷ đồng, đi vào vùng tâm bão, các vùng bị lũ lụt ở 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.
Có rất nhiều khán giả của kênh Vietnam Today đã đặt niềm tin vào anh, để sau đó, qua năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân lại tiếp tục gửi qua kênh của anh số tiền trên 121 triệu đồng, đóng góp cho quỹ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mua vaccine và trang thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, anh còn kết nối giúp mở hai lớp học xóa mù chữ ở hai xã Dế Xu Phình và Púng Luông, Yên Bái mang tên “Lớp học nhân ái”.
Kênh Vietnam Today còn vận động được hai nhà hảo tâm ở California, Mỹ, đó là ông William Hubert, một cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam năm 1968, và cô Ngọc Mai, một kiều bào yêu nước, để tài trợ cho số tiền 124 triệu đồng mỗi lớp học trong 9 tháng...
Với sự tận tụy và hoạt động nhiệt thành, Trường Nguyễn đã vinh dự được đón nhận nhiều giải thưởng về báo chí như giải Khuyến khích Giải thưởng báo chí về thông tin đối ngoại toàn quốc năm 2015, Giải xuất sắc Búa liềm vàng năm 2019, giải A Báo Nhân Dân, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tỉnh ủy Yên Bái, Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái, Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Yên Bái.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận