Mất một năm chuẩn bị
Là NTK Việt duy nhất được trình làng BST mới mang tên "Ceramics" tại Milan Fashion Week 2025, cảm xúc của anh thế nào?
Tôi vui và hạnh phúc sau khi thành công ra mắt BST "Ceramics" trong sự đón nhận, ủng hộ của tất cả khách mời có mặt cũng như truyền thông trong nước và quốc tế.
Phan Đăng Hoàng cùng ê-kíp chuẩn bị cho show diễn tại Milan Fashion Week 2025.
Để hoàn thành "Ceramics", tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả trong hơn 1 năm. Từ khâu nghiên cứu chất liệu, đến hoàn thiện từng thiết kế sau đó đưa sang Ý. Có thiết kế, tôi phải lên ý tưởng rồi làm đi làm lại rất nhiều lần mới ra được sản phẩm ưng ý. BST của tôi cũng phải trải qua nhiều kiểm duyệt khó khăn từ hội đồng thời trang.
Ra mắt BST ở sàn diễn quốc tế, trong điều kiện tiêu chuẩn khắt khe có quá tốn kém với anh không?
Tất nhiên, khi đến với sân chơi quốc tế chắc chắn sẽ rất tốn kém. Nhưng, để được góp mặt trong lịch trình chính thức của Milan Fashion Week và được sự công nhận của giới chuyên môn quốc tế là sự đầu tư xứng đáng. Năm nay, tôi được một đơn vị tài trợ 90% phần vải vóc nên chi phí đã giảm đi rất nhiều.
Những điều quý giá
Lần thứ 5 tham gia Milan Fashion Week 2025, mỗi lần xuất hiện là một chất liệu mới, kể một câu chuyện mới nhưng đều mang dáng vóc Việt Nam, anh có cảm thấy áp lực?
Tôi đã học tập và có cơ hội tham gia 5 tuần lễ thời trang tại Milan - 2 lần trình diễn tại Afro Fashion Week, 3 lần chính thức góp mặt tại Milan Fashion Week. Mỗi BST, tôi đều kể câu chuyện liên quan đến truyền thống, văn hóa Việt Nam.
Sau show diễn, Phan Đăng Hoàng đã có dịp giới thiệu về BST với bà Anna Wintour.
Tuy nhiên, tôi không áp lực hay đặt nặng việc mình phải trở thành một ai đó. Tôi chỉ đơn giản là làm bằng tất cả tình yêu với thời trang, nghệ thuật, với những giá trị truyền thống của Việt Nam.
Tôi mong muốn bạn bè quốc tế sẽ biết đến mình là người Việt Nam bằng ngôn ngữ thời trang, với thái độ cầu tiến, cầu thị. Tôi tin, tinh thần này đều có trong tất cả người con của Việt Nam, đặc biệt khi có cơ hội bước ra thế giới.
Với "Ceramics", tôi muốn tái hiện nét dịu dàng, đằm thắm cùng phong thái cá tính, mạnh mẽ của phụ nữ Việt 100 năm về trước, qua góc nhìn hiện đại, sáng tạo.
Ngoài các thiết kế ấn tượng, Phan Đăng Hoàng một lần nữa khiến giới mộ điệu trầm trồ khi được hội ngộ "bà đầm thép" Anna Wintour - Tổng biên tập Tạp chí Vogue. Lần hội ngộ này, hai người có dịp trò chuyện nhiều không?
Từng có nhiều cơ hội gặp gỡ, nhưng đây là lần tôi được gặp và trò chuyện lâu nhất với bà Anna Wintour. Tôi có cơ hội giới thiệu nhiều hơn về BST của mình với bà. Tôi cũng nói rằng, việc đã gặp bà 3 lần và được bà truyền cảm hứng cho hành trình sự nghiệp của mình.
Bà Anna cũng tâm sự với tôi về những trải nghiệm của bà trong ngành thời trang, những góc nhìn và lời khuyên của bà dành cho tôi. Đây là một điều vô cùng quý giá với một người làm thời trang trẻ như tôi.
Giấc mơ thành hiện thực
16 tuổi, anh được Tạp chí Art People của Mỹ vinh danh nhờ những bức tranh truyền thần. 18 tuổi, anh nhận học bổng tài năng chuyên ngành thiết kế thời trang tại Đại học Nuova Accademia Di Belle Arti (NABA) của Ý, sau đó tốt nghiệp với bằng xuất sắc. Anh còn tham gia tuần lễ thời trang quốc tế khi còn là sinh viên. Việc rẽ hướng từ hội họa sang thời trang có lẽ là quyết định đúng đắn?
Thật ra, không phải đến khi nhận học bổng của NABA tôi mới rẽ hướng sang thời trang. Tôi yêu thích thời trang từ nhỏ. Việc đến kinh đô thời trang Ý cũng là điều tôi ước mơ từ khi còn là một cậu bé sống ở Nghệ An.
Phan Đăng Hoàng cho biết, anh mất hơn 1 năm để chuẩn bị cho 40 thiết kế trong bộ sưu tập mới nhất.
Lúc ấy, tôi choáng ngợp và thích thú khi được xem những bộ phim, hình ảnh về các trung tâm thời trang hàng đầu thế giới. Tôi ước mơ một ngày mình có thể đặt chân tới đó. May mắn, trong những ngày tháng thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời, tôi đã từng bước hiện thực ước mơ của mình.
Để đạt được ước mơ, anh đã phải vất vả thế nào tại xứ người?
Học ở Ý vất vả vô cùng. Tôi vẫn nhớ những ngày đầu mới sang, tại đây có đình công nên tất cả các phương tiện đều dừng hoạt động. Sau khi tan học, tôi đã gọi điện cho mẹ và khóc to ngay trên đường vì hoang mang, không thể tìm được tàu về nhà.
Nơi tôi ở cách trường rất xa, nếu đi bộ chắc phải đến sáng hôm sau tôi mới về đến nhà. Nhưng không còn cách nào khác, tôi vẫn phải vừa đi bộ, vừa tìm các phương tiện khác trên đường, cuối cùng tôi về đến nhà vào lúc khoảng 2h sáng. Đây là kỷ niệm tôi sẽ không bao giờ quên.
Ở châu Âu, thời tiết rất lạnh, đi học về lại lủi thủi một mình đã rất tủi thân, có năm Tết không được về, tôi lại càng nhớ nhà. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy xúc động. Nhưng đổi lại, những trải nghiệm ở nơi đất khách quê người lại giúp tôi mạnh mẽ hơn, có động lực cố gắng hơn gấp nhiều lần.
Gia đình đồng hành cùng anh thế nào trong những năm tháng ấy?
Bố mẹ tôi không làm về nghệ thuật nhưng luôn ủng hộ, động viên tôi theo nghề. Bố mẹ là điểm tựa tinh thần trong lúc tôi khó khăn, mệt mỏi, chùn bước. Khi học ở nước ngoài, tôi không có bạn bè, người thân bên cạnh, hằng ngày được tâm sự với bố mẹ cũng giúp tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Trong thời gian đầu ra làm việc, tôi cũng nhận hỗ trợ từ gia đình. Đến thời điểm hiện tại, dù đã lớn hơn, nhưng tôi thấy mình vẫn luôn ở trong vòng tay của bố mẹ. Nếu không có gia đình, chắc chắn không có Phan Đăng Hoàng ở hiện tại.
Cảm ơn anh!
Phan Đăng Hoàng sinh năm 2000, tại Nghệ An. Anh từng là người Việt Nam đầu tiên nhận học bổng chuyên ngành thiết kế thời trang của NABA - trường đại học danh giá nhất nước Ý, năm 2018 và tốt nghiệp bằng xuất sắc.
Anh từng giới thiệu các bộ sưu tập như "A dose of yoy", lấy cảm hứng từ trò chơi dân gian của trẻ em, "Quintessence", "La Peinture" tại các mùa Milan Fashion Week.
Một số tác phẩm của anh từng xuất hiện trên các tạp chí nước ngoài, trong đó có Vogue Italy. Tháng 5 vừa qua, anh là nhà thiết kế Việt duy nhất được Forbes vinh danh là "Nghệ sĩ dưới 30 tuổi có tầm ảnh hưởng ở châu Á".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận