Âm nhạc

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Tôi chưa từng làm chương trình nào lớn như "Điều còn mãi"

21/08/2024, 14:36

Lần thứ 2 được giao trọng trách là Giám đốc âm nhạc của chương trình Hòa nhạc Quốc gia "Điều còn mãi", nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã có hai tháng ''mất ăn mất ngủ'' để lên ý tưởng, biên tập chương trình và bắt tay làm các bản tổng phổ.

2024 là năm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm Giải phóng Thủ đô và 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, vì thế các tác phẩm giới thiệu trong Hòa nhạc Quốc gia "Điều còn mãi" cũng thể hiện tình yêu quê hương mãnh liệt và sâu sắc, niềm tự hào về những chiến thắng vang dội trong các cuộc kháng chiến của dân tộc cùng những thành tựu to lớn của thời kỳ đổi mới.

Tất cả những điều này được thể hiện qua những giai điệu hùng tráng mà trữ tình của nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam, giúp người xem được sống lại những năm tháng hào hùng và gian khổ của dân tộc cũng như khám phá vẻ đẹp tâm hồn người Việt.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Tôi chưa từng làm chương trình nào lớn như "Điều còn mãi"- Ảnh 1.

Tổng biên tập Báo Vietnamnet Nguyễn Văn Bá, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, nhạc trưởng Olivier Ochanine, ca sĩ Nguyễn Bảo Yến (từ trái qua phải).

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chia sẻ: ''Bài toán mà ban tổ chức đặt ra với tôi quá đồ sộ. Trong cuộc đời làm âm nhạc tôi chưa làm chương trình nào lớn đến thế.

Với chủ đề gói gọn trong ba cụm từ "quân đội, chiến thắng và người Hà Nội" tôi phải biên tập các bài hát tạo thành mạch kể chuyện bắt đầu từ Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, đoàn quân kéo lên Tây Bắc, lên Điện Biên với những hy sinh mất mát của người lính để giải phóng Điện Biên, giải phóng Thủ đô và tạo nên sức mạnh của quân đội Việt Nam từ lúc đó".

Hoà nhạc Quốc gia "Điều còn mãi 2024" do Báo VietNamNet tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ diễn ra vào lúc 14h ngày Quốc khánh 2/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV.

Những tác phẩm nổi tiếng sẽ được biểu diễn trong chương trình: Hành quân xa; Hò kéo pháo; Bế Văn Đàn sống mãi; Qua miền Tây Bắc - Chiến thắng Điện Biên; Tình ca Tây Bắc; The Ballad of Ho Chi Minh; Tiến bước dưới quân kỳ; Việt Nam quê hương tôi; Sẽ về Thủ đô (Huy Du), Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi)...

Bước chuyển mạnh mẽ của hòa nhạc "Điều còn mãi" năm nay chính là việc lần đầu tiên đưa yếu tố "quốc tế" vào chương trình với sự tham gia của Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời cùng nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine. 

Ông là người đã xuất sắc vượt qua gần 120 nhạc trưởng từ 23 quốc gia trên thế giới giành giải nhất Cuộc thi Chỉ huy Quốc tế Antal Dorati tại Budapest, Hungary (2015), giải thưởng âm nhạc danh giá The American Prize (2015), đồng thời đoạt giải nhì trong Cuộc thi Chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Quốc tế tại London, Anh Quốc (2015).

Theo nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời là ''cú đột phá'', vừa tạo sự hứng khởi cho nghệ sĩ tham gia nhưng cũng là áp lực, bởi không chỉ anh mà các nghệ sĩ cũng phải cẩn thận và nghiêm túc hơn trong công việc. 

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho biết: ''Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời quen làm việc với các ngôi sao thế giới và yêu cầu rất khắt khe về chuyên môn. Vì thế tôi phải dành nhiều thời gian để trao đổi và giám sát việc tập luyện riêng với hợp xướng, nhóm nhạc và từng nghệ sĩ trước khi vào ghép với Dàn nhạc''.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Tôi chưa từng làm chương trình nào lớn như "Điều còn mãi"- Ảnh 2.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.

Nếu như 2023, nghệ saxophone An Trần, nhóm Oplus là yếu tố gây bất ngờ ở Hòa nhạc quốc gia "Điều còn mãi" thì năm nay bên cạnh sự tái ngộ của những gương mặt trẻ này còn có sự xuất hiện lần đầu tiên của nhóm Áo lính. Đó là 5 nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật trong quân đội (Nguyễn Thế Anh - Nhà hát Quân đội, Nguyễn Hữu Hoàng Sơn - Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội, Lại Đức Tuấn - Đoàn Văn công Quân chủng phòng không không quân, Vũ Hà Sơn - Nhà hát Quân đội và Nguyễn Ngọc Linh - Nhà hát Quân đội).

"Lần đầu tham gia "Điều còn mãi", 5 thành viên nhóm Áo Lính sẽ thể hiện những ca khúc mang đậm chất lính như: Hành quân xa, Tiến bước dưới quân kỳ để tri ân những thế hệ cha ông trong một không gian lớn, trang trọng cùng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời nên mỗi người phải tập luyện thật kỹ, chỉn chu đến từng chi tiết. Tuy nhiên, vẫn phải tự tin, thả lỏng cơ thể để thăng hoa cùng cảm xúc", trung tá Nguyễn Thế Anh - Trưởng nhóm Áo Lính tiết lộ.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Tôi chưa từng làm chương trình nào lớn như "Điều còn mãi"- Ảnh 3.

Ca sĩ Nguyễn Bảo Yến.

Ngoài mục đích tiến tới kỷ niệm 80 năm QĐNDVN, việc sử dụng các nghệ sĩ trong quân đội có phải một sự mới mẻ, một điều thú vị hơn mà nhạc sĩ muốn mang tới khán giả hay không?

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Trong cuộc đời làm âm nhạc tôi chưa làm chương trình nào lớn đến thế. Bản thân tôi cũng thấy chương trình năm nay nặng nhưng không còn sự lựa chọn nào khác. Xin nói thêm là mỗi năm "Điều còn mãi" muốn mang đến những tầng cảm xúc khác nhau đến với công chúng.

Cảm xúc thì rất đa dạng. Cỏ cây hoa lá cũng là cảm xúc, yêu đương cũng là cảm xúc, nhớ nhung cũng là cảm xúc… Cảm xúc năm nay là tôn vinh những giá trị thiêng liêng, hồn thiêng sông núi nên chúng ta nhất định không thể bỏ qua.

Còn về việc lựa chọn các nghệ sĩ, ca sĩ thì tôi chọn theo sự phù hợp với tiết mục. Có những tiết mục cần hát đơn ca, có tiết mục cần hợp xướng.

Năm nay có rất nhiều tiết mục hợp xướng và sẽ mang lại cho khán giả những phút thăng hoa về âm nhạc, rất hào hứng. Ngoài ra, cũng có nhóm tốp ca xuất hiện với phong cách boy band, phù hợp với các bài khác.

Còn những bài hát khí thế, mang tính chất chiến đấu, những gì thuộc về quân đội thì tôi biết nhóm Áo Lính. So với các nhóm tốp ca khác thì họ rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ là họ luôn hát với tinh thần người lính: không nghĩ đến mỗi cá nhân.

Nếu như boy band mỗi người một kiểu thì nhóm Áo Lính có tính tổ chức rất cao và sự nghiêm khắc về nốt, về cao độ, sự chính xác của tiết tấu. Bên cạnh đó, thần thái của họ trên sân khấu cũng vô cùng hợp với chủ đề năm nay.

Tôi cũng đã làm việc với nhóm Áo Lính nhiều lần và bị họ gây ấn tượng rất mạnh. Tuy rằng chỉ là một nhóm tốp ca nam của quân đội có vẻ xa lạ với công chúng nhưng các bạn hãy chờ đón tiết mục của họ. Tôi tin rằng họ sẽ tỏa sáng trong năm nay.

Là nhạc trưởng nước ngoài đầu tiên tham gia Hoà nhạc quốc gia "Điều còn mãi", anh có cảm tưởng thế nào và anh có gặp khó khăn khi tiếp cận với những ca khúc cách mạng của Việt Nam?

Nhạc trưởng Olivier Ochanine: Đây là chương trình hoà nhạc quốc gia kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam nhưng lại do nhạc trưởng người Pháp chỉ huy cho thấy người dân Việt Nam vô cùng thân thiện, không giữ lại những ấn tượng quá khứ.

Tôi rất vinh dự và tự hào được tham gia. Tôi đã làm việc và sinh sống ở Việt Nam 7 năm, tôi yêu và trân trọng từng khoảnh khắc sống ở nơi đây. Tuy nhiên tiếng Việt rất khó nên tôi phải dành thời gian để nghiên cứu tổng phổ và ý nghĩa của lời các bài hát, học mọi lúc mọi nơi, học ngay cả trên chuyến bay tối nay. Tôi cảm động và vinh dự khi tham gia "Điều còn mãi".

Tôi yêu Việt Nam. Tôi thấy người Việt Nam ấm áp. Tôi là công dân Pháp và Mỹ nhưng khi đến Việt Nam từ năm 2015, tôi thấy người Việt đối xử rất tốt với tôi. Có một điều làm tôi ấn tượng là bạn có thể nói chuyện với bất kỳ ai trên đường, điều mà ở Pháp và Mỹ không thể làm vậy. Điều này làm tôi có trải nghiệm âm nhạc vui và tuyệt vời hơn và ở dàn nhạc, mọi người coi tôi như gia đình.

Là ca sĩ hát nhạc thính phòng nhưng năm nay tham gia "Điều còn mãi" chị có cảm xúc thế nào, chịu áp lực ra sao và chuẩn bị điều gì để đáp ứng chương trình?

Ca sĩ Nguyễn Bảo Yến: Tôi có quãng 10 năm du học ở Nga, vì vậy trong nhiều năm tôi chỉ xem hòa nhạc "Điều còn mãi" từ xa. Đến năm ngoái, tôi được tham dự trực tiếp và đã theo dõi từ đầu đến cuối, để lại trong tôi rất nhiều xúc động. Với tất cả mọi người, "Điều còn mãi" là một chương trình ý nghĩa, ý nghĩa cả về nội dung, địa điểm. Đặc biệt, đối với những người nghệ sĩ, nhất là những người nghệ sĩ hát dòng nhạc thính phòng, cách mạng Việt Nam đều khao khát được đứng trên sân khấu "Điều còn mãi".

Việc được biểu diễn tại Nhà hát Lớn, trong một ngày trọng đại, một khung giờ ý nghĩa đối với cả dân tộc, được hát với dàn nhạc giao hưởng, được làm việc với nhạc sĩ, đạo diễn âm nhạc chuyên môn cao thì đây là một niềm khao khát, vinh dự đối với bất kỳ nghệ sĩ nào.

Năm nay là năm đầu tiên tôi được tham dự "Điều còn mãi". Áp lực vô cùng lớn. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và nhạc trưởng Olivier Ochanine đều là những người nghiêm khắc trong chuyên môn, tỉ mỉ trong công việc.

Ngoài ra còn có áp lực khi được biểu diễn ở Nhà hát Lớn, phát sóng trực tiếp trên truyền hình, có các lãnh đạo cao cấp ngồi bên dưới. Nhưng chính những điều này là động lực và ý thức giúp tôi về việc phải tập trung cao độ.

Để chuẩn bị cho chương trình sắp tới, tôi đã nhận được tổng phổ từ nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng từ rất sớm và đang tập luyện. Sắp tới, tôi sẽ được làm việc riêng với anh Trần Mạnh Hùng và nhạc trưởng hy vọng mang đến cho chương trình những tiết mục chất lượng cao và chuyên môn.

Dù đi du học 10 năm, học hát những bài nhạc quốc tế nhưng tôi luôn nhận thức mình là người Việt Nam phải hát nhạc Việt Nam, không được đánh mất bản sắc dân tộc.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.