Nhà văn Nguyễn Văn Thọ |
Câu chuyện về việc tác giả trẻ Hàn Vũ bị đạo thơ thành nhạc và chuyện tác phẩm Quyên nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Văn Thọ bị Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Văn học Việt Nam bán rẻ mạt mà không hề thông báo với nhà văn đang trở thành vấn đề nóng trên văn đàn.
Tác phẩm được bán giá rẻ mạt
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ vừa mới phát hiện cuốn tiểu thuyết Quyên của mình được đăng miễn phí trên trang mạng Waka do Công ty Cổ phần Bạch Minh (Vega Corporation) sở hữu. Ngay sau đó, nhà văn đã liên hệ với trang mạng Waka và được biết Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) đã bán bản quyền tác phẩm Quyên cho trang mạng này.
Theo nhà văn, về lý, trang mạng Waka không sai vì đã mua bản quyền từ VLCC và trung tâm này cũng không sai khi mang tác phẩm của nhà văn đi bán. Sai ở chỗ Trung tâm đã bán với giá không như nhà văn mong muốn.
“Tôi cùng với nhiều nhà văn khác ký hợp đồng để VLCC bảo hộ quyền cho các tác phẩm của mình. Khi xem lại hợp đồng ủy quyền để khai thác, bảo vệ, bảo hộ thì thấy hợp đồng làm rất sơ sài, không có cơ sở pháp lý cụ thể. Không ghi rõ bảo hộ như thế nào, khai thác như thế nào. Chính vì thế xảy ra câu chuyện nhà văn giật mình khi thấy tác phẩm của mình bán trên mạng với giá 0 đồng. Với tiêu chí bảo vệ hội viên, việc làm này của Trung tâm là không đúng, quyền lợi cho nhà văn rất rẻ, tùy tiện và không đúng mực. Ngoài ra, còn là lỗi dốt nát và đại khái của nhà văn, không xem rõ hợp đồng”, cha đẻ tiểu thuyết Quyên bức xúc.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ thông tin thêm: “VLCC cho tôi biết, bên Waka đã kí hợp đồng với Trung tâm mua sách của 189 tác giả với giá 50 triệu đồng trong vòng một năm. Sẽ thanh toán trên cơ sở, người nào được mua nhiều nhất sẽ được lợi nhuận nhiều nhất. Nếu tôi không lên tiếng vụ việc trên thì VLCC cũng không biết tác phẩm của các nhà văn được bán ở đâu với giá bao nhiêu”.
“Thuổng” thơ thành nhạc
Bên cạnh chuyện nhà văn bị bán tiểu thuyết với giá 0 đồng, một câu chuyện bản quyền khác cũng đang thu hút sự chú ý của dư luận. Đó là bài thơ Rồi chúng mình sẽ hạnh phúc... giống người ta của tác giả trẻ Hàn Vũ đã bị hai nhạc sĩ trẻ đạo thành nhạc và ca sĩ Cao Thái Sơn sử dụng độc quyền ca khúc cùng tên này.
Bìa tiểu thuyết “Quyên” |
Vũ Hàn chia sẻ, bài thơ được sáng tác tháng 2/2015, đến đầu tháng 7/2015 được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội với tổng cộng hơn 1.000 lượt. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7/2015 có hai nhạc sĩ trẻ Đức Phan, Hoàng Nhân đã phổ nhạc mà không xin phép cô. Hàn Vũ cho hay sẽ kiện nếu hai tác giả trẻ kia không lên tiếng xin lỗi và đính chính tác giả lời ca từ của bài hát trên.
Sau khi liên lạc với hai nhạc sĩ trẻ, Đức Phan và Hoàng Nhân nói sẽ gửi lời xin lỗi Hàn Vũ. Họ cho biết, đọc được bài thơ ở trên mạng, sau đó có tìm kiếm thì thấy ghi tên Hàn Vũ phía dưới nên nghĩ đó là một bài thơ dịch của nước ngoài. Ngoài ra, các nhạc sĩ trẻ này cũng không nắm rõ về Luật Bản quyền nên đã vô tư phổ nhạc. Họ cho hay: “Chúng tôi sẽ đính chính lại, sau đó sẽ đến Cục Bản quyền đăng ký tên tác giả thơ Hàn Vũ vào trong ca khúc”.
Vi phạm bản quyền – bệnh đã nhờn thuốc?
Câu chuyện bản quyền dường như chưa bao giờ mới trong suốt bao nhiêu năm qua. Vi phạm bản quyền vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Thậm chí đã có thời điểm còn bùng lên khá dữ dội, lan tràn trên khắp các mặt báo, trở thành tâm điểm chú ý trên mạng xã hội, diễn đàn của người trong và ngoài giới văn chương. Nhưng tất cả những điều đó chưa khiến cho tình trạng vi phạm bản quyền dừng lại.
Sau giá trị 0 đồng của tiểu thuyết Quyên được rao bán trên mạng, nhà văn Đỗ Hàn (Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Giám đốc VLCC) thẳng thắn nhìn nhận và thống nhất: “Khi làm việc với các đối tác, Trung tâm phải thông báo cho các hội viên về việc khai thác các tác phẩm của hội viên ở đâu, lĩnh vực nào. Ngoài ra, Trung tâm sẽ làm việc với Công ty Vega Corporation để tránh tình trạng ghi không 0 đồng, gây cho nhà văn cho cảm giác tác phẩm của mình rẻ mạt quá”. Thế nhưng, ngay ngày 29/6, nhà văn Thọ cho biết mình sẽ đến VLCC để hủy hợp đồng và từ chối quyền bảo hộ từ trung tâm này.
Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng luật sư BQH và Cộng sự cho biết, hiện tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và xâm phạm quyền tác giả nói riêng khá phức tạp, đa dạng ở Việt Nam. Các vụ việc như đạo văn, đạo nhạc đã được báo chí, truyền thông nhắc đến khá nhiều cũng bởi chế tài xử phạt vi phạm bản quyền còn quá nhẹ.
Đó là một trong nhiều lý do khiến cho vi phạm bản quyền như một căn bệnh “nhờn thuốc”, khó chữa trị dứt điểm. Nhưng bên cạnh đó, ý thức của mọi người nhìn nhận về vấn đề bản quyền, ý thức tự bảo về sản phẩm tinh thần của người cầm bút cũng rất kém. Nếu tự thân mỗi người không có ý thức bảo vệ bản quyền thì chuyện vi phạm bản quyền “nhiều quá hóa quen” là chuyện rất dễ xảy ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận