Nhiều tỉnh phê duyệt bất động sản công nghiệp
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghệ thông tin tập trung.
Theo đó, phạm vị nghiên cứu quy hoạch thuộc phường Khắc Niệm, Võ Cường, TP Bắc Ninh và xã Liên Bão, Hiên Vân, huyện Tiên Du.
Diện tích lập quy hoạch khoảng 274 ha, trong đó Khu công nghệ thông tin tập trung khoảng 250 ha, khoảng 24 ha là diện tích đường giao thông đối ngoại, cây xanh cách ly, đất nghĩa trang, tôn giáo, công trình thủy lợi,… Quy mô về số lượng lao động, chuyên gia dự kiến khoảng 20.000 người.
Nhiều tỉnh phê duyệt khu công nghiệp (ảnh minh hoạ)
Mục tiêu của đồ án là hình thành trung tâm về công nghệ thông tin, tạo hạ tầng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin; hình thành trung tâm nghiên cứu - phát triển sản phẩm công nghệ thông tin, phục vụ cho việc đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin;… Hình thành trung tâm cung cấp hạ tầng và các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông.
Ngay đầu năm 2022, thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án “Thành lập 2-5 khu công nghiệp mới, giai đoạn 2021-2025”.
Theo đó, thành phố xác định và phấn đấu hoàn thành mục tiêu thành lập 5 khu công nghiệp (KCN) mới trong giai đoạn 2021-2025, cụ thể: KCN Sạch Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn diện tích 302,8ha ở hai xã Minh Trí và Tân Dân; KCN Đông Anh, huyện Đông Anh diện tích 300ha ở các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh; KCN Bắc Thường Tín, huyện Thường Tín diện tích 112ha ở các xã Văn Bình, Ninh Sở, Liên Phương; KCN Phú Nghĩa mở rộng, huyện Chương Mỹ diện tích 389ha ở các xã Phú Nghĩa, Trường Yên, Ngọc Hòa; KCN Phụng Hiệp, huyện Thường Tín diện tích 174,88ha ở các xã Dũng Tiến, Nghiêm Xuân, Tô Hiệu, Thắng Lợi.
Việc thành lập các KCN này nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của thành phố trong thời gian tới. Trên chỉ là hai trong số nhiều tỉnh phê duyệt các khu công nghiệp trong thời gian gần đây.
Phát triển các khu công nghiệp cũng là một trong những tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá và bất động sản, đặc biệt là bất động sản nhà ở, bất động sản dịch vụ phục vụ nhu cầu an sinh của người lao động. Đồng thời cũng là cơ hội cho những nhà đầu tư bất động sản phát triển thị trường.
Cần cải thiện cơ sở hạ tầng
Bên cạnh những tích cực phát triển công nghiệp mang lại, cũng không ít thách thức cần nhìn nhận. Ông John Campbell, Quản lý Bộ phận Tư vấn Công nghiệp, Savills TP.HCM, Việt Nam cho rằng, một số những yếu tố trong lĩnh vực công nghiệp cần được nâng cấp và cải thiện, như cơ sở hạ tầng, hậu cần, giá đất…
"Mặc dù đã được cải thiện rất nhiều trong vài năm qua, chi phí hậu cần ở Việt Nam vẫn đang giữ vị trí cao nhất trong khu vực châu Á. Do vậy, dù sẽ mất nhiều thời gian, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, giao thông… vì hiệu quả lâu dài sẽ chắc chắn khiến chi phí này giảm đi rất nhiều. Giá đất cũng đã và đang tăng nhanh trong vài năm qua do nhiều quốc gia quyết định chuyển hướng vào thị trường Việt Nam, khiến nguồn cầu tăng mạnh", ông John nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chính quyền địa phương cần có kế hoạch bài bản, tổ chức thu xếp để các công xưởng đặt ở Việt Nam phù hợp hơn, tránh tình trạng xây dựng lộn xộn. Cần quy hoạch chỗ nào là dân cư, chỗ nào là thương mại, chỗ nào là công nghiệp.
Các doanh nghiệp thì cần phải căn cứ vào kế hoạch, định hướng mục tiêu của địa phương để thu hút các dự án phù hợp. Có doanh nghiệp chuyên về thương mại, công nghiệp hay nhà ở, các doanh nghiệp cần có sự phối hợp với chính quyền địa phương để làm tốt điều này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận