Thế giới

Phản ứng dồn dập của phương Tây về vụ tỷ phú truyền thông Hồng Kông bị bắt

12/08/2020, 06:04

Nhiều nhà quan sát, chuyên gia phương Tây đã lên án việc chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) bắt giữ “ông trùm truyền thông” Jimmy Lai Chee-ying.

img
Cảnh sát Hồng Kông áp giải trùm truyền thông Jimmy Lai Chee-ying

Động thái bắt giữ “ông trùm truyền thông” Jimmy Lai Chee-ying của chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên toàn cầu. Nhiều nhà quan sát và chuyên gia của phương Tây đã lên án đây là ví dụ điển hình chứng minh việc chính quyền Hồng Kông sử dụng luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh để bịt miệng những người bất đồng chính kiến.

Mỹ phản ứng từ lời nói đến hành động

Ông Jimmy Lai Chee-ying, nhà sáng lập tờ báo Apple Daily và một số nhân vật khác gồm 2 con trai, một số thành viên trong ban quản lý, điều hành báo Apple Daily, từng có nhiều bài viết chỉ trích Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc), đã bị bắt giữ ngày 10/8.

Lý do được cảnh sát địa phương đưa ra là những người này thông đồng với các lực lượng nước ngoài sau khi thành phố thực hiện chiến dịch điều tra cấp cao theo Luật An ninh Quốc gia mới mà Bắc Kinh áp dụng cho Hồng Kông.

Trong chiến dịch này, cảnh sát địa phương đã lục soát các văn phòng Apple Daily, rà soát kỹ từng tủ hồ sơ để tìm kiếm những tài liệu làm bằng chứng buộc tội. Hành động này từng đối mặt chỉ trích mạnh mẽ từ các hiệp hội phóng viên tại Hồng Kông.

Ngay khi thông tin được công bố, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lập tức có phản ứng, chỉ trích đây là hành vi tấn công. Trên mạng xã hội Twitter, ông Pence tuyên bố, việc bắt giam ông Jimmy Lai là “hành vi chế nhạo quyền tự do của con người trên toàn thế giới”.

Nhắc lại cuộc gặp mặt với ông Jimmy Lai tại Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mỹ cho biết, ông đã rất ngưỡng mộ lập trường của tỷ phú truyền thông Hồng Kông đối với nền dân chủ, các quyền và trạng thái tự trị mà người dân tại thành phố này từng được hứa hẹn.

“Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ ông Jimmy Lai cũng như tất cả những người Hồng Kông yêu chuộng tự do”, ông Pence chia sẻ.

Ngoài ông Pence, quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ là Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng lên án chính quyền Hồng Kông và coi hành động bắt giữ là minh chứng cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang “đàn áp và hủy hoại tự do của thành phố đặc khu hành chính”.

“Tôi thực sự lo lắng trước thông tin ông Jimmy Lai bị bắt giữ theo Luật An ninh Quốc gia hà khắc đang được áp dụng tại Hồng Kông. Một lần nữa, đây là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang đàn áp sự tự do của thành phố, làm xói mòn quyền của con người”, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố.

Không dừng ở lời nói, Chính phủ Mỹ dường như bắt đầu dùng đến hành động. Nhiều nguồn tin từ SCMP cho biết, Washington công bố thông báo Chính phủ trên trang chủ của Văn phòng Đăng ký Liên bang Mỹ (Federal Register) ngày 11/8, nêu rằng, 45 ngày sau khi thông báo này được đăng tải, hàng hóa từ Hồng Kông sẽ được đóng mác xuất xứ từ Trung Quốc. Đồng nghĩa, thành phố sầm uất nhất châu Á này không còn đủ quy chế tự trị để được đối xử khác so với Trung Quốc, theo SCMP.

Liên Hợp Quốc và các đồng minh của Mỹ lên tiếng

Anh - quốc gia từng cai trị Hồng Kông trước khi trao trả cho Trung Quốc đại lục, các tổ chức Liên minh châu Âu và Liên Hợp Quốc cũng không đứng ngoài cuộc.

Sự phản đối từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh không có nhiều tác động vì bản thân nội bộ 3 quốc gia/khu vực này cũng chứng kiến rất nhiều vụ bắt bớ chưa từng có tiền lệ liên quan đến các vấn đề công bằng xã hội, đặc biệt là sau cái chết của người da màu George Floyd tại Mỹ hồi tháng 5, thổi bùng phong trào đòi quyền cho người da đen.
Ông Robert Sanders, cựu Giám đốc Viện nghiên cứu luật pháp quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ


Cho rằng hành động bắt giữ là cái cớ để chặn những tiếng nói đối lập, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh: “Tự do báo chí là điểm được đảm bảo rõ ràng trong Tuyên bố chung Trung Quốc - Anh và Luật cơ bản, đáng lẽ phải được bảo vệ theo điều 4 của Luật an ninh quốc gia Hồng Kông”.

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Peter Stano thì phản ứng, việc bắt giữ ông Jimmy Lai và 6 cá nhân khác, lục soát văn phòng Apple Daily đã làm dấy lên những nỗi lo ngại rằng Luật An ninh Quốc gia đang được sử dụng để siết chặt tự do biểu đạt và truyền thông tại Hồng Kông.

“Liên minh châu Âu nhắc lại rằng, tôn trọng nhân quyền và quyền tự do cơ bản là yếu tố trung tâm trong Luật Cơ bản và nguyên tắc “1 quốc gia, 2 hệ thống” mà Trung Quốc đã cam kết”, ông Stano nói và nhấn mạnh: “Tự do truyền thông và tôn giáo là những trụ cột của dân chủ bởi chúng là yếu tố thiết yếu của xã hội tự do và cởi mở”.

Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc ông Jimmy Lai bị bắt giữ.

Quan sát động thái từ nhiều phía dư luận toàn cầu, ông Robert Sanders, cựu Giám đốc Viện nghiên cứu luật pháp quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ ra rằng, việc phát đi tuyên bố lên án rất nhanh chóng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đối với Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông cho thấy Washington sẽ còn tiếp tục gây áp lực lên các quan chức Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.

Kể cả những động thái như vậy cũng chưa đủ để ép Trung Quốc phải rút lại luật hoặc lật ngược động thái bắt giữ các nhà hoạt động chống Chính phủ tại Hồng Kông. Tuy nhiên, ít nhất người dân tại đặc khu này sẽ thấy, phần còn lại của thế giới, đặc biệt là phương Tây đang đứng về phía họ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.