Các hình ảnh đỗ xe ô tô được chia sẻ trên Otofun
Với status “Muôn hình muôn vẻ! Cuộc chiến không hồi kết giữa chủ xe ô tô đỗ tranh thủ và chủ nhà bị ảnh hưởng...”, mạng xã hội gần đây chia sẻ nhiều hình ảnh “dở khóc dở cười” về tình trạng đỗ xe tùy tiện của các tài xế.
Xe trắng bị đổ sơn đỏ lên cabin và kính phía trước; nhiều xe bị phun sơn màu nhằng nhịt; có xe bị bẻ gương, để trên nắp cabin kèm lời nhắn dán trên kính cửa xe “Có mắt không mà đỗ xe...”; có xe bị phun chữ rất to trên cabin hoặc thân xe “Đỗ láo”, “Cấm đỗ ô tô trước cổng”, “Đi ô tô đừng tiết kiệm tiền gửi xe, vô ý thức”... Thậm chí, có chiếc còn bị dán băng vệ sinh phụ nữ lên khắp xe.
Có những người nhẹ nhàng hơn chỉ dán tờ giấy A4 lên chiếc xe đỗ “vô ý thức” với dòng chữ: “Đậu xe chỗ này thì xe mát nhưng chủ nhà thì “nóng” đấy nhé”, hay “Chủ nhân chiếc xe này không có văn hóa giao thông”, hoặc “Cửa hàng nhà anh chị mà bị ai đỗ trước cửa 24 tiếng, anh chị sẽ làm gì? Làm ơn đỗ xe có ý thức đi”...
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do người điều khiển xe ô tô cá nhân đỗ xe quá lâu trước cửa hàng đang kinh doanh hoặc chặn lối ra vào của ngõ, nhà dân... nhưng lại không có mặt tại xe.
Thậm chí, có xe leo lên cả vỉa hè, đỗ trước cửa ra vào nhà dân, khi người trong nhà cần đưa xe máy hay ô tô ra ngoài thì không có lối. Tìm chủ xe nhưng không thấy nên nhiều người tức giận, có hành động nhắc nhở, thậm chí “dằn mặt”, trả đũa trên.
Những hình ảnh trên nhận được rất nhiều lượt bình luận, tương tác. Nhiều thành viên cho rằng, nếu chủ xe đỗ xe ở lòng đường sát vỉa hè, vị trí không cấm đỗ xe thì về mặt luật pháp, không ai có quyền cấm họ. Chủ cửa hàng hay chủ nhà cũng chỉ có quyền đối với cửa hàng, nhà của mình.
Tuy nhiên, những ý kiến này lại vấp phải sự phản đối gay gắt của các thành viên khác. Vì theo họ, tuy không sai về luật nhưng hành vi này ảnh hưởng đến kinh doanh, sinh hoạt của người khác nên cần ý thức hơn, cần “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Nhưng họ cũng không ủng hộ cách ứng xử tiêu cực của các chủ nhà, chủ cửa hàng trên, vì như vậy là phá hoại tài sản người khác, vi phạm pháp luật.
Có người gợi ý: “Tốt nhất nên để lại số điện thoại trên kính, chẳng may có việc gấp nhỡ nhàng thì người ta còn biết mà gọi liên hệ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận