Năm 2015, lãi sau thuế của Traphaco là 230, 6 tỷ đồng |
Trì hoãn, cản trở việc tăng vốn; Đòi hỏi cổ tức cao; Đòi “ôm” thêm những DN ăn nên làm ra trong khi rũ bỏ những đơn vị yếu kém, thua lỗ… Cách thức hành xử của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang đặt ra những dấu hỏi về vai trò, hiệu quả thực sự của “siêu doanh nghiệp” này.
Vì đặc quyền riêng, cản sự phát triển chung?
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Công ty cổ phần (CTCP) Traphaco (Traphaco) đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong mùa đại hội năm nay, trong đó “điểm nóng” là cách hành xử của cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Theo đó, SCIC đã đề cử 4/7 người vào Hội đồng quản trị (HĐQT); Gạt bà Vũ Thị Thuận - người đã chèo lái Traphaco khá thành công trong nhiều năm qua - khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT; Kiến nghị không sửa đổi tỷ lệ biểu quyết về 3 nội dung liên quan đến quyết định quan trọng của doanh nghiệp (DN)…
Tuy nhiên, 2 toan tính đầu của SCIC về nhân sự đã không được ĐHĐCĐ thông qua. Theo đó, chỉ có 3 người do SCIC đề cử được “lọt” vào HĐQT; Bà Vũ Thị Thuận vẫn tiếp tục được ĐH tín nhiệm bầu làm chủ tịch. Song, SCIC vẫn có tầm ảnh hưởng lớn trong nhiều quyết định quan trọng của DN, như tổ chức ĐHĐCĐ; Lấy ý kiến bằng văn bản; Đầu tư, bán tài sản… bởi tỷ lệ biểu quyết đã không được sửa đổi theo Luật Doanh nghiệp 2014, mà vẫn giữ nguyên theo kiến nghị của “ông lớn” SCIC - đang đại diện Nhà nước nắm giữ 35,6% vốn tại DN này.
Báo cáo của SCIC cho biết, tính đến 31/12/2015, danh mục quản lý vốn của SCIC còn 197 DN với vốn Nhà nước theo giá trị sổ sách là 20.020 tỷ đồng, chiếm 23% vốn điều lệ, với giá trị thị trường đạt khoảng 95.697 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư giải ngân trong năm 2015 là trên 8.000 tỷ đồng, lũy kế đến đến 31/12/2015, tổng số vốn đầu tư của SCIC đã lên tới hơn 24.000 tỷ đồng. |
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, Chủ tịch HĐQT Vũ Thị Thuận cho biết: Cũng chính vì quy định (cũ) tỷ lệ biểu quyết phải đạt 65-75% mới được thông qua, nên chỉ cần SCIC không đồng thuận, tiếng nói của các nhà đầu tư khác không có ý nghĩa. Điển hình như việc từ khi Traphaco niêm yết trên sàn chứng khoán (năm 2011) đến nay chưa một lần tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu - do SCIC không ủng hộ. “Doanh nghiệp niêm yết, bên cạnh mục tiêu quảng bá thương hiệu; Nâng cao năng lực quản trị điều hành, còn nhằm thu hút thêm nguồn vốn đầu tư. Song, nếu tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của SCIC có thể bị giảm xuống, đồng nghĩa quyền lực tại DN cũng hẹp lại. Do vậy, để “ôm” khư khư cái đặc quyền riêng, SCIC sẵn sàng từ bỏ mục tiêu chung là huy động thêm mọi nguồn lực phục vụ sự phát triển của DN”, bà Thuận nói.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà SCIC muốn giữ rịt “miếng bánh” Traphaco. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của Traphaco, DN lãi sau thuế 230,6 tỷ đồng, cao hơn năm 2014 là 163,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, DN phân phối lợi nhuận với mức thù lao khủng: Cổ tức 30%, trích quỹ khen thưởng 8%, thưởng điều hành một khoản chốt 2 tỷ đồng. Riêng thù lao cho ban quản trị, ban kiểm soát 4,1 tỷ đồng. Các tỷ lệ trên sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2016 theo nghị quyết HĐQT. Thế nên, chừng nào còn nắm quyền chi phối tại Traphaco, SCIC nói riêng và những cá nhân được cử vào HĐQT của DN này còn được hưởng quyền lợi lớn.
Một ĐHĐCĐ cũng khá “nóng” khác là của CTCP nhựa Tiền Phong (NTP). Với mức lợi nhuận sau thuế năm 2015 hơn 366,5 tỷ đồng, HĐQT NTP đã trình cổ đông phương án chia cổ tức 25% bằng tiền mặt. Tuy nhiên, SCIC (đại diện hơn 37% phần vốn Nhà nước) đã đề xuất và được thông qua mức cổ tức thêm 20% bằng cổ phiếu lên 45%, giúp cổ đông lớn này thu về một khoản lời không nhỏ. Trong khi đó, theo một chuyên gia tài chính, khoản cổ tức này nếu không phải “chia chác” tỷ lệ cao, sẽ là nguồn tài chính để DN tiếp tục đầu tư trở lại, phục vụ sự phát triển chung.
Dù không được SCIC đề cử, bà Vũ Thị Thuận và 3 đại diện người nước ngoài vẫn được bầu vào HĐQT khóa 2016-2020 của Traphaco |
Chỉ muốn “ăn xổi”?
Cũng với mong muốn “ngồi mát ăn bát vàng”, mới đây, SCIC muốn Bộ Xây dựng nhanh chóng chuyển giao vốn Nhà nước tại 16 “con cưng” của Bộ này. Tuy nhiên, phía Bộ Xây dựng cũng không muốn “nhả miếng bánh ngon” của mình nên tìm cách trì hoãn. Cụ thể, Bộ Xây dựng nêu rõ quan điểm: Các tổng công ty này hoạt động hiệu quả, thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô trong ngành Xây dựng. Cùng với đó, cơ quan này đang rất cần những tổng công ty đã cổ phần hóa có năng lực vượt trội như: Tổng công ty Viglacera - CTCP đang thực hiện nhiệm vụ và chiến lược nhà ở xã hội, an sinh xã hội; Lilama thực hiện chiến lược ngành cơ khí trọng điểm của quốc gia; Licogi thực hiện các công trình ngầm đặc thù; Viwaseen thực hiện chiến lược xử lý môi trường và chất thải mang tính vĩ mô…
Mong muốn “ăn xổi” của SCIC không chỉ thể hiện qua việc “vơ vào” các DN khấm khá, mà còn bằng việc “rũ trách nhiệm” với những đơn vị làm ăn yếu kém. Từ cuối năm ngoái đến nay, SCIC liên tiếp đề nghị không chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các công ty nông, lâm nghiệp về SCIC. Lý do được SCIC đưa ra là, UBND cấp tỉnh là cơ quan chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề về đất đai, quyết định việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn? Tương tự như vậy, SCIC cũng thể hiện quan điểm không tiếp nhận các DN có nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
Trước đó, tháng 10/2015, sau 4 tháng làm đại diện vốn Nhà nước với vị trí Chủ tịch HĐQT của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), ông Hoàng Nguyên Học đã “nhường” lại chức này cho ông Vũ Quý Hà (cựu Tổng giám đốc của Vinaconex). Mặc dù là cổ đông lớn nhất, nắm giữ đến gần 58% cổ phần tại Vinaconex, nhưng sau khi ông Học từ nhiệm, SCIC đã không tiếp tục cử người đại diện tham gia HĐQT. Việc “bỏ rơi” một DN xây dựng như Vinaconex khi đang gặp nhiều khó khăn, trong khi đòi “ôm” thêm 16 DN “con cưng” cùng lĩnh vực; Hay tìm cách tăng hoặc giữ khư khư quyền lực tại các DN khấm khá như: Traphaco, Vinamilk, FPT, Dược Hậu Giang được lý giải như thế nào, nếu không phải là “ăn xổi”?.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận