Hạ tầng

Những công trình giao thông đổi thay diện mạo TP.HCM

01/05/2017, 07:19

Từ những năm 1996, hệ thống hạ tầng giao thông TP.HCM bắt đầu được quan tâm đầu tư.

141

Đường Nguyễn Văn Linh, một trong những tuyến đường quan trọng cửa ngõ phía Tây TP.HCM - Ảnh: Linh Hoàng

Từ hệ thống hạ tầng giao thông bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, những cán bộ, công nhân, kỹ sư ngành GTVT TP.HCM đã từng bước khắc phục để đảm bảo giao thông. Không những thế, họ đã kiến tạo để bắt đầu xây dựng công trình giao thông hiện đại, từng bước đưa TP.HCM xứng tầm khu vực.

Từ “đống đổ nát” sau chiến tranh

Ông Đinh Trung Ngọc, nguyên là cán bộ Ban Giao thông công chính T.Ư Cục miền Nam, một trong những người có mặt tại Sài Gòn ngày 1/5/1975 làm nhiệm vụ tiếp quản hệ thống giao thông miền Nam kể: Từ Tây Ninh về Sài Gòn lúc đó theo QL22, chỉ rộng chừng 7m với 2 làn xe, hai bên nhà dân thưa thớt, đường sá hư hỏng và xuống cấp.

Ông Ngọc cho biết, sau ngày giải phóng, chỉ có một vài quận ở khu trung tâm có đường tốt, còn ở các cửa ngõ ra ngoại thành chưa phát triển gì. Tuyến xa lộ Biên Hòa (nay là xa lộ Hà Nội) lúc đó mỗi bên chỉ có 2 làn xe, nhưng thời điểm ấy thấy rộng thênh thang, nhiều người còn ví nó như một đường băng dự bị của sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện nay, tuyến cửa ngõ phía Đông Bắc này đã được mở rộng 153m mà vẫn ùn tắc mỗi dịp cao điểm.

Hệ thống giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận khi ấy cũng chưa được đầu tư nhiều. “Lúc đó, từ Sài Gòn đi Cần Thơ mất cả ngày trời. Từ nội thành ra hết thành phố mất vài tiếng đồng hồ vì đường xấu. Qua phà Mỹ Thuận, phà Cần Thơ chờ thêm mấy tiếng đồng hồ nữa”, ông Ngọc nhớ lại.

Đặc trưng trong vận tải hành khách công cộng của thành phố sau giải phóng vẫn là xe lam. Ông Nguyễn Kiến Hòa (P.8, quận Bình Thạnh) làm nghề buôn bán ở chợ Bà Chiểu nhớ lại những lúc qua Chợ Lớn lấy hàng thường bị nhét trên những chiếc xe lam 3 bánh cũ kỹ. “Có khi nhét quá nhiều khách phía sau khiến đầu chiếc xe bị nhấc lên làm mấy người té xuống”, ông Hòa kể.

Từ nội đô muốn qua sông Sài Gòn về Đồng Nai, Bình Dương lúc đó phải qua các cầu: Sài Gòn, Bình Triệu, Rạch Chiếc, Đồng Nai cùng với những chiếc phà cũ. Suốt 20 năm sau ngày đất nước thống nhất, do kinh tế khó khăn, ngân sách eo hẹp, thành phố chỉ tập trung cho công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống cầu, đường để đảm bảo lưu thông an toàn, những công trình giao thông lớn rất ít được xây dựng.

142
Sau năm 1975, hình ảnh những chiếc xe Lam trở nên gần gũi với người dân TP.HCM, nay đã được thay thế bằng các phương tiện giao thông hiện đại

Hướng đến hệ thống giao thông hiện đại thông minh

Từ những năm 1996, trước nhu cầu phát triển kinh tế sau đổi mới, hệ thống hạ tầng giao thông TP.HCM bắt đầu được quan tâm đầu tư. Đầu tiên là đại lộ Nam Sài Gòn (nay là đường Nguyễn Văn Linh) được xây dựng với quy mô 10 làn xe, dài 17,8km (nối từ đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7) giao với QL1 (huyện Bình Chánh), có 10 cây cầu, được xem là đường lớn nhất thành phố thời bấy giờ. Sau 11 năm xây dựng, đại lộ Nguyễn Văn Linh hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu Nam thành phố, kết nối với những công trình trọng điểm như: Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu đô thị cảng Hiệp Phước…

Hoàn thành nhiều công trình hiện đại

So với trước năm 1975, TP đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây mới hàng trăm cây cầu, hàng nghìn km đường; Nâng cấp, xây mới và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông hiện đại như: Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đường Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2, cầu Thủ Thiêm, đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, hầm vượt sông Sài Gòn, đường Phạm Văn Đồng, cao tốc TP HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, dự án nạo vét luồng Soài Rạp… Thành phố cũng đã hoàn thành nhiều công trình trọng điểm, cải thiện chất lượng sống cho người dân như: Dự án cải thiện vệ sinh môi trường nước và nâng cấp đô thị lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Nghé - Tàu Hủ, Tân Hóa - Lò Gốm. Đang tập trung hoàn chỉnh hệ thống đường vành đai 2, vành đai 3, tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành… tạo bước đột phá trong phát triển không gian đô thị và kết nối TP HCM với các trung tâm đô thị trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cả nước, khu vực Đông Nam Á.

Tiếp theo đó là những dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm… kết hợp chỉnh trang đô thị và xây dựng giao thông nội đô. TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM cho biết, thời điểm thực hiện dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng có nhiều ý kiến lo ngại. Nhưng với quyết tâm của lãnh đạo thành phố, đến nay dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và cho thấy bộ mặt đô thị đổi thay rõ nét.

Hay như đại lộ Võ Văn Kiệt kết nối hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn, cùng các cầu: Thủ Thiêm 1, Sài Gòn 2, Phú Mỹ đã góp phần đánh thức Khu đô thị Thủ Thiêm được xem là Phố Đông của Sài Gòn.

Cùng với đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã rút ngắn khoảng cách giữa thành phố với các trung tâm du lịch như: Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt. Những chiếc xe lam cũ đã đi vào dĩ vãng, thay vào đó là những chiếc xe buýt hiện đại, máy lạnh mát rượi chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG). Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Vận tải hành khách công cộng TP.HCM chia sẻ: Hành khách đi xe buýt giờ đây sử dụng smartphone, vào phần mềm Busmap để lựa chọn điểm đi - đến rất thuận tiện. Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống xe buýt, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tốt hơn.

Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, trong số 5 tuyến đường sắt đô thị được quy hoạch, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được thi công những hạng mục quan trọng như các ga: Ba Son, Bến Thành, Nhà hát TP để kịp đưa vào khai thác trước năm 2020. Sau khi hoàn thiện, hệ thống tàu điện ngầm không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại mà còn góp phần kiến tạo nên những thành phố trong lòng đất ở trung tâm Sài Gòn. “Hệ thống hạ tầng giao thông lúc đó sẽ không chỉ tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn nâng tầm TP HCM sánh ngang với những đô thị hiện đại trong khu vực”, ông Quang nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.