Sốt cao, ho khạc đờm, đau ngực, khó thở
Vừa qua, BV Nội tiết Trung ương tiếp nhận bệnh nhân V.Đ.L (59 tuổi, Hưng Yên) trong tình trạng suy kiệt, viêm phổi nặng. Ông L được chẩn đoán đái tháo đường typ 2, tăng huyết áp kèm bệnh gout mạn tính đã 5 năm nay. Đáng nói, người bệnh có tiền sử viêm phổi do trực khuẩn mủ xanh.
Trước khi vào viện, ông L xuất hiện khó thở kèm theo ho khạc đờm, đờm vàng, số lượng nhiều, sốt nóng, sốt rét, nhiệt độ cao nhất 39,5 độ C. Tuy nhiên, thay vì đến viện khám, ông L tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng triệu chứng không cải thiện, ăn uống kém, dẫn đến thể trạng suy kiệt.
Còn bà B.T.P (65 tuổi, Hà Nội) bị đái tháo đường 10 năm nay. Bà P ngã khi đi cầu thang bộ, rách chân trái. Người bệnh được các bác sĩ ở bệnh viện gần nhà khâu vết thương. Tuy nhiên vài ngày sau đó, bà P khó thở, huyết áp tăng, vết thương vẫn rỉ dịch nên gia đình đưa đi khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy nhiễm trùng huyết từ vết thương cẳng chân trái, viêm phổi, tràn dịch màng phổi trên nền bệnh đái tháo đường typ 2.
Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam thống kê cả nước có hơn 5 triệu người bị tiểu đường, trong đó 50% trường hợp không biết mắc bệnh. Và khi phát hiện ra bệnh chỉ có 20-30% người bệnh tham gia điều trị.
Người bệnh tiểu đường nếu không kiểm soát đường huyết tốt thì lượng đường trong máu luôn tăng cao. Đây là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, khiến cơ thể dễ nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng huyết, viêm đường hô hấp, cảm cúm…
Theo bác sĩ BV Nội tiết Trung ương, viêm phổi là bệnh luôn "song hành" ở người mắc bệnh đái tháo đường. Hiện, có nhiều nghiên cứu chứng minh người bệnh đái tháo đường thường dễ bị viêm phổi hơn.
Thực tế, người đái tháo đường bị viêm phổi thường xuất hiện nhiều dấu hiệu điển hình: sốt cao, ho khạc đờm, thậm chí ho ra máu, đau ngực, khó thở.
Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng nói trên, người bệnh nên đến bệnh viện để khám, chữa bệnh kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Vì sao người bệnh đái tháo đường dễ viêm phổi?
Theo BS Mã Thanh Phong, khoa Nội Tổng hợp, BVĐK Tâm Anh, cơ thể có hệ thống miễn dịch chẳng hạn như tế bào niêm mạc, tế bào lông… có khả năng ngăn cản tác nhân gây bệnh. Nhưng ở người bệnh lớn tuổi hay người bị các bệnh mạn tính (tiểu đường, suy thận, suy tim…), hệ thống miễn dịch hoạt động không hiệu quả dẫn đến dễ mắc các bệnh hô hấp, nhiễm trùng, truyền nhiễm. Trong quá trình bị cảm cúm, ho, viêm họng, nhiễm trùng, cơ thể đáp ứng bằng cách tăng chất kháng viêm, làm đường huyết khó kiểm soát hơn.
Ngoài ra, việc tự ý mua thuốc, dùng thuốc không đúng cách, không theo chỉ định của bác sĩ cũng khiến tình trạng bệnh thêm nặng nề, đường huyết tăng cao. Sự kết hợp giữa nhiễm trùng và đường tuyết tăng cao khiến người bệnh rơi vào suy hô hấp, nguy kịch tính mạng, thậm chí tử vong.
Các bác sĩ tại BV Nội tiết Trung ương cho biết thêm, cơ thể người bệnh đái tháo đường mạn tính bị suy giảm miễn dịch dẫn đến sức đề kháng giảm hơn bình thường, chức năng của các tế bào đa nhân trung tính và đại thực bào bị suy giảm hoặc không có khả năng "tiêu diệt" vi khuẩn. Đây chính là điều kiện rất thuận lợi cho tất cả các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển tàn phá hệ miễn dịch cơ thể người bệnh.
Những mạch máu nhỏ trong cơ thể người đái tháo đường bị tổn thương dẫn đến rối loạn trao đổi oxy ở mô khiến cho sức kháng khuẩn bị suy giảm. Bên cạnh đó, người cao tuổi mắc đái tháo đường thường bị rối loạn trong quá trình ăn uống như khi nuốt thức ăn dễ bị sặc hoặc bị viêm phổi do trào ngược dạ dày thực quản.
Ngoài ra, nhiễm khuẩn do các vết thương ngoài da do biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường cũng khiến nguy cơ bị nhiễm trùng cơ thể hơn người bình thường viêm phổi do vi khuẩn xâm nhập từ ngoài vào máu, phổi và gây bệnh.
Việc điều trị bệnh hô hấp cho người bệnh đái tháo đường sẽ khó khăn hơn do trong quá trình điều trị viêm phổi, viêm phế quản… người bệnh được dùng một số loại thuốc làm tăng đường huyết. Do đó, luôn cần có sự phối hợp giữa bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường và khoa Nội Tổng hợp để dùng kháng sinh phù hợp, vừa kiểm soát tốt đường huyết, giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận