Kỳ 1: Nhiều hệ lụy từ dự án BOT đường ven biển chậm tiến độ
Kỳ 2: Tuyến đường hơn 1.300 tỷ "bí đầu, tắc đuôi"
Kỳ 3: Siêu dự án đường rộng 100m "treo" 16 năm
Kỳ 4: Kiên quyết xử lý, tránh lãng phí
Tập trung cao độ xử lý dự án "treo"
Báo Giao thông từ ngày 28/2 đăng loạt bài "Những dự án "rùa bò" làm khổ dân ở Hải Phòng", phản ánh nhiều công trình, dự án "treo bền vững" hoặc tiến độ ì ạch đã và đang ảnh hưởng lớn tới sự phát triển chung của TP Hải Phòng.
Dự án Lạch Tray - Hồ Đông "treo bền vững" suốt 20 năm khiến nhiều khu đất trở thành bãi rác (chụp tại khu vực dự án trên phố Phương Lưu, phường Đông Hải 1, quận Hải An, Hải Phòng).
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, thời gian qua thành phố đã kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án "treo", không để tình trạng "trải chiếu chiếm chỗ". Trong trường hợp tổ chức, doanh nghiệp không hợp tác, cố tình chây ỳ, các ngành trực tiếp tham mưu cho thành phố các biện pháp mạnh như chấm dứt hoạt động dự án, cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý, thu hồi đất tại các dự án chậm triển khai để giao cho các nhà đầu tư đủ năng lực.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng
"Với động thái vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, mạnh tay của thành phố, chúng tôi tin tổ chức, doanh nghiệp sẽ có ý thức sử dụng hiệu quả quỹ đất", ông Tùng nói và cho biết, từ năm 2016 đến nay, UBND TP đã hủy bỏ 68 dự án chậm triển khai với diện tích 838,8ha; Thu hồi đất đối với 31 dự án với tổng diện tích 455,1ha.
Ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng chia sẻ thêm, mới đây nhất, Hải Phòng đã thu hồi hơn 13,5 nghìn m2 "đất vàng" ở mặt đường Lê Hồng Phong, từng giao cho Công ty EIE thuê làm trung tâm thương mại; Cưỡng chế thu hồi 10.000m2 từng cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Duy Hưng thuê nhưng suốt nhiều năm không triển khai.
Rà soát từ đầu năm 2024, Hải Phòng có 41 dự án, công trình không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. UBND thành phố giao các ngành, các địa phương rà soát và ban hành kế hoạch xử lý cụ thể.
Theo đó, đã thu hồi đất đối với 16 tổ chức; Gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với 17 tổ chức; 1 tổ chức bị chấm dứt thực hiện dự án; 1 tổ chức đã khắc phục vi phạm, hoàn thành xây dựng công trình và đưa đất vào sử dụng. Sáu tổ chức còn lại, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp kiểm tra, đề xuất xử lý theo quy định.
Với 3 dự án Báo Giao thông nêu trong loạt bài trên, có dự án Our City do Công ty TNHH Hiệp Phong Việt Nam làm chủ đầu tư tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, thành phố đang gia hạn do yếu tố bất khả kháng và nguyên nhân khách quan. Hết thời hạn mà chủ đầu tư không đưa vào sử dụng, thành phố sẽ thu hồi đất, tổ chức đấu giá.
Với dự án Khu vui chơi giải trí Đồ Sơn, TP đã thu hồi đất và phê duyệt phương án hoàn trả giá trị đầu tư cho chủ đầu tư. Hiện, TP đã giao quận Dương Kinh thực hiện các thủ tục cưỡng chế.
Còn dự án Bảo tàng Hải dương học tại phường Bàng La, quận Đồ Sơn do Viện Tài nguyên và Môi trường biển thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam làm chủ đầu tư, TP Hải Phòng sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát, nếu dự án không đảm bảo tiến độ sẽ xử lý theo quy định.
Gỡ vướng các dự án giao thông chưa hiệu quả
Ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng thông tin, đối với các dự án giao thông chậm tiến độ, chưa phát huy được hiệu quả đầu tư như Báo Giao thông phản ánh, thành phố đang tích cực tháo gỡ khó khăn, tìm phương án khắc phục để hoàn thành.
Với dự án tuyến đường bộ ven biển, ngày 28/11/2022, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản đề nghị cấp thẩm quyền cho phép điều chỉnh dự án, điều chỉnh lãi suất vốn vay và cho phép xác định mức lãi suất vốn vay.
Giữa tháng 6/2023, đoàn công tác của thành phố đã làm việc với Bộ Tài chính. Sau khi xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, ngày 11/10/2023, UBND TP đã có báo cáo và đề nghị cấp thẩm quyền đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh lãi suất vốn vay.
Để phát huy giá trị tuyến đường Đông Khê 2, trong năm 2024, thành phố sẽ đầu tư mở rộng tuyến đường Lê Lợi có chiều rộng 12m. Đồng thời, giao Sở GTVT nghiên cứu, xem xét điều chỉnh phân làn giao thông đường Lê Lợi thành tuyến đường 2 chiều để giảm tải cho tuyến đường Lạch Tray và các tuyến đường xung quanh.
Cùng đó, thành phố chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đề xuất báo cáo Bộ GTVT chuyển tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh thành đường đô thị, hạn chế xe tải cỡ lớn chạy qua thành phố.
Với dự án đường Lạch Tray - Hồ Đông, hiện đã đủ cơ sở pháp lý, hoàn thành các thủ tục hành chính để dừng thực hiện dự án. Để tiếp tục triển khai thực hiện tuyến đường, UBND TP giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất dự án mới thay thế ngay sau khi dừng thực hiện dự án cũ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận