Bỏ qua niềm vui riêng, sự trống trải khi xa gia đình biền biệt, những kỹ sư, công nhân ngành GTVT hàng ngày bám công trường, quyết tâm thông tuyến cao tốc huyết mạch của đất nước.
Ba lần vợ sinh đều vắng mặt
Dù rất nhớ đứa con đầu lòng 5 tháng tuổi nhưng Chỉ huy trưởng Trần Bá Luân vẫn gác niềm riêng, bám công trường để góp phần thông tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Tạ Hải
“Xa nhà hai tháng nhưng chỉ về nghỉ được ba ngày. Trong ba ngày ở nhà, được mấy tiếng với vợ con đây…”, đó là dòng tin nhắn người vợ trẻ nơi quê nhà của kỹ sư Trần Bá Luân, Chỉ huy trưởng gói thầu XL2 dự án Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành. Giữa không gian tĩnh mịch lúc gần nửa đêm trong khu lán trại công nhân, anh Luân mở đi mở lại đọc, vừa thương vợ, nhớ đứa con nhỏ mới sinh, nhưng công việc vẫn bộn bề không thể thường xuyên về thăm nhà.
Anh Luân kể, sau khi kết thúc nhiệm vụ tại dự án cao tốc Tiên Yên - Móng Cái, lập tức xách ba lô tiến thẳng vào công trường cao tốc Bắc - Nam.
Ngày 20/9/2022 vào dự án nhận nhiệm vụ, khối lượng công việc khi ấy còn quá lớn: 320.000m3 đá cần tiếp tục nổ phá mở đường, khoảng 300.000 tấn bê tông nhựa cần tiếp tục thảm.
Trước yêu cầu bắt buộc phải thông xe kỹ thuật tuyến chính trước ngày 31/12/2023, tất cả chỉ biết lao đầu vào việc với những cuộc họp xuyên đêm tìm giải pháp, những ca làm việc kéo dài đến 3h - 4h sáng để đẩy tiến độ.
Công việc cứ cuốn đi cho đến tháng 11/2022, vợ anh sinh đứa con đầu lòng. Niềm vui không kể xiết, song, đó cũng là thời điểm công trường tăng tốc thi công. Cuối cùng anh quyết định chỉ xin nghỉ 3 ngày.
“Đầu tháng 4/2023 vừa qua là lần thứ hai về thăm đứa nhỏ nhưng công việc phát sinh, thời gian ở nhà chỉ được khoảng một ngày. Đó là lý do vợ phàn nàn, chán nản”, kỹ sư Luân nói và mong mỏi tới đây, khi công việc tại cao tốc hoàn thành sẽ xin nghỉ phép dăm bữa, nửa tháng, động viên vợ.
Cũng theo Chỉ huy trưởng Trần Bá Luân, chinh phục núi đá, làm cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây không chỉ có sự hy sinh của một cá nhân mà còn là sự nỗ lực của cả một tập thể: “Thường trực trên công trường còn là những người lái máy tăng ca đến 4h sáng, hết ca chẳng buồn về nhà tắm rửa, ngủ quên ở máy trên công địa vì quá mệt. Là những công nhân thi công bê tông nhựa ăn cơm ngoài đường, ngủ ở rãnh nước. Tất cả họ đã cố gắng bám trụ để đưa tuyến cao tốc vào khai thác”.
Trên phạm vi gói thầu do Tập đoàn Cienco4 đảm nhận tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, Hoàng Văn Hồng là cái tên được anh em đồng nghiệp nhiều lần nhắc đến bởi trong hành trình gắn bó với nghề cầu, đường, ba lần vợ sinh con là trọn vẹn ba lần người đàn ông này… vắng mặt.
Nhớ về câu chuyện “dở khóc, dở cười” này, kỹ sư Hoàng Văn Hồng kể: Trong ba đứa con, đứa lớn được sinh trong lúc làm gói thầu J3 dự án Bến Lức - Long Thành nhưng cũng là đứa được gặp bố nhanh nhất bởi chỉ sau một tuần vợ sinh, anh được về nhà.
Đứa thứ hai được sinh vào tháng 5/2021 đúng lúc công trường cao tốc Bắc - Nam còn ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc đi lại khó khăn, 6 tháng sau mới được gặp con.
Cũng trên công trường Phan Thiết - Dầu Giây, hơn một năm sau, anh đón tin vợ sinh đứa thứ ba vào tháng 10/2022. Đây là thời điểm tất cả đang dồn sức để dự án kịp thông xe kỹ thuật. Sau đó 3 tháng anh mới về thăm con. “May thay có người vợ bao dung, sẵn sàng gánh vác việc nhà, chuyện con cái để chồng biền biệt lo công việc”, anh chia sẻ.
Giữ vững tinh thần, tiếp bước dự án mới
Nhiều tháng qua, kỹ sư Hoàng Văn Hồng (Tập đoàn Cienco4) luôn thường trực trên công địa dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây không kể ngày đêm. Ảnh: Tạ Hải
Cuối năm 2022, công việc tại gói thầu XL10 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 gọn gàng, kỹ sư Phạm Văn Ước, cán bộ tư vấn Công ty CP Tư vấn công trình giao thông 2 tiếp tục dấn thân vào dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, cùng nhà thầu chinh phục nắng gió Quảng Bình và khối lượng công việc khổng lồ tại đoạn Bùng - Vạn Ninh.
Ít ai biết, trước đó, người kỹ sư hơn 40 tuổi này đã từng nghĩ đến chuyện bỏ dở đam mê với công trình cầu, đường bởi khoảng thời gian dành cho gia đình quá eo hẹp.
“Sau ngày khởi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 tại Quảng Bình, tranh thủ trở về nhà cách công trường dự án 200km, mình và vợ đã ngồi nói chuyện từ 0h đến tờ mờ sáng. 14 năm cưới nhau, cô ấy đếm số ngày mình ở nhà chỉ khoảng 2 tháng, thu nhập bao năm chỉ khoảng 8 triệu đồng/tháng.
Theo số liệu của TEDI, 32 tỉnh/thành phố nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam chiếm tỷ trọng tới hơn 2/3 GDP của cả nước. Việc đầu tư xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông không đơn thuần giải quyết về mặt giao thông mà còn tạo động lực lớn để phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Ông Võ Hoàng Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Nghiên cứu phát triển (TEDI)
Khi ấy, mong muốn duy nhất của vợ là chồng về làm bảo vệ rừng ở nông trường gần nhà”, kỹ sư Ước kể và cho biết, nhớ lại những lúc bố mẹ ốm đau, vợ một mình lo cho con cái, anh lại muốn bỏ dở tất cả.
“Song, trót học nghề này rồi, mình cũng còn yêu cái nghề từng dốc sức theo đuổi. Lại nghĩ, cả đời kỹ sư tư vấn mấy lần được làm dự án lớn, thế rồi quyết định động viên vợ cho đi tiếp”, kỹ sư Ước chia sẻ thêm.
Hơn 3 tháng nay, từ dự án cao tốc đoạn Mai Sơn - QL45, kỹ sư Lương Văn Khánh thuộc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường cũng tiếp tục tham gia thi công cao tốc đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng với vai trò kỹ sư trắc đạc.
Cận kề tuổi 30, trăn trở lớn nhất của người kỹ sư trẻ chính là việc lập gia đình.
Từ khi kết thúc mối tình sinh viên ngày mới ra trường, đến nay anh cũng chưa dám nghĩ đến việc yêu ai và lấy ai, bởi thời gian quá eo hẹp. Hiện nay, dù dự án Hàm Nghi - Vũng Áng mới ở giai đoạn đầu nhưng khối lượng công việc vẫn cao như núi.
“Có thể xong dự án này sẽ tạm dừng một thời gian để ổn định chuyện gia đình. Song, nghề giao thông và những dự án ý nghĩa như cao tốc Bắc - Nam sẽ vẫn là cơ hội tốt để mình trưởng thành”, Khánh tâm sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận