Tại Thái Nguyên, trong năm 2023, mô hình "Các điểm sơ, cấp cứu tai nạn giao thông" đã được triển khai nhân rộng với điểm sơ, cấp cứu tai nạn giao thông (TNGT) trên tuyến quốc lộ 17 (địa phận xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến huyện Đồng Hỷ). Khu vực này được xác định là điểm "đen" giao thông do mật độ phương tiện lớn, thường xuyên xảy ra va chạm, tai nạn, nhiều trường hợp tử vong do không được sơ, cấp cứu kịp thời.
Được biết, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đang duy trì hoạt động của gần 10 điểm sơ, cấp cứu TNGT. Để các mô hình này hoạt động hiệu quả, hàng năm, Hội Chữ thập đỏ huyện đã tổ chức tập huấn về kỹ năng sơ, cấp cứu cho các tình nguyện viên, giúp họ nắm vững nguyên tắc xử lý, thành thạo các động tác băng bó, cầm máu, cố định xương gãy, phương pháp di chuyển nạn nhân và các kỹ năng thông thường.
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có khoảng 48 "điểm sơ, cấp cứu tai nạn giao thông". Mỗi điểm có sự tham gia từ 5 thành viên trở lên, với các điểm chốt sơ, cấp cứu nằm trên tuyến quốc lộ và tỉnh lộ để sẵn sàng tiếp nhận thông tin, sơ, cấp cứu kịp thời. Mỗi khi có TNGT xảy ra trên địa bàn, người phụ trách sẽ có mặt tại hiện trường để sơ, cấp cứu cho nạn nhân. Kết quả, mỗi năm các trạm sơ, cấp cứu hỗ trợ ứng cứu kịp thời cho hàng trăm lượt người. Những người trực chốt thường là những y, bác sĩ nghỉ hưu, người dân trong địa bàn.
Tại Quảng Ninh, thời gian qua, các cấp hội chữ thập đỏ tỉnh cũng xây dựng mô hình đội tình nguyện viên sơ, cấp cứu TNGT tại các địa phương. Mô hình đã giúp nhiều người được cứu sống, góp phần giảm thiểu những nỗi đau do TNGT gây ra.
Thống kê trong năm 2022, các đội tình nguyện viên sơ, cấp cứu TNGT Quảng Ninh đã tham gia sơ cấp cứu tại chỗ 120 vụ TNGT, trợ giúp vận chuyển 172 nạn nhân đến các bệnh viện, trung tâm y tế cấp cứu kịp thời.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, các đội đã tham gia sơ, cấp cứu tại chỗ 62 vụ TNGT, trợ giúp vận chuyển 28 nạn nhân đến bệnh viện, trung tâm y tế...
Tại An Giang, mô hình "Cấp cứu người bị TNGT" được triển khai đã tặng 2 xe cứu thương giao thông cho Công an TP Long Xuyên và Công an huyện Tri Tôn quản lý, phục vụ việc vận chuyển người bị TNGT đi cấp cứu (trị giá gần 1,4 tỷ đồng) và tặng 100 triệu đồng giao cho Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang quản lý, làm quỹ cấp cứu người bị TNGT có hoàn cảnh khó khăn.
Đây chỉ là số ít những mô hình sơ, cấp cứu nạn nhân TNGT điển hình trên toàn quốc. Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, trên cả nước có 500 trạm, điểm sơ cấp cứu. Mô hình điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông mang ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện tính tương trợ trong cộng đồng nhằm giúp đỡ những người không may bị TNGT được cấp cứu kịp thời, giảm thương tật hoặc nguy hiểm đến tính mạng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận