Xã hội

Những nữ nhi tay cưa, tay đục ở làng mộc Cúc Bồ

16/07/2023, 10:00

Ở làng nghề mộc Cúc Bồ nổi tiếng, những nữ nhi tưởng chân yếu, tay mềm lại thành thạo với công việc đục, đẽo, xẻ gỗ... hơn cả đàn ông.

“Bóng hồng” trong xưởng mộc

Nằm cách TP Hải Dương khoảng 40km, làng mộc Cúc Bồ (xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, Hải Dương) luôn rộn ràng tiếng máy cưa, máy xẻ, tiếng đục...

Trong những xưởng thơm sực mùi gỗ, mờ bụi mùn cưa, thấp thoáng bóng các cô, các chị thoăn thoắt tay cưa, tay đục, tay xẻ... lành nghề hơn cả đàn ông.

img

Chị Bùi Thị Minh miệt mài làm việc, đưa mũi đục thoăn thoắt hoàn thiện bức tranh gỗ.

Là một trong những thợ nữ có tiếng về tay nghề, chị Bùi Thị Minh miệt mài làm việc, đưa mũi đục thoăn thoắt hoàn thiện bức tranh gỗ, bất chấp đã quá trưa, nắng chói chang táp vào người.

“Thông thường, chồng tôi sẽ dùng máy để tạo hình sản phẩm từ những khúc gỗ, sau đó tôi sẽ chạm khắc để hoàn thiện. Khi chồng vắng nhà, thì mình tôi cũng làm xong hết. Bàn tay tôi đầy chai sạn, khô cứng như đàn ông đây”, chị Minh chìa bàn tay đang cầm phần mái đình chạm khắc gỗ ra trước mặt phóng viên, cười thật tươi.

Lớn lên trong gia đình làm nghề mộc, từ bé chị Minh đã giúp bố mẹ làm vài việc lặt vặt trong xưởng. Nhưng chỉ đến khi lấy chồng vào năm 2004, nhà chồng cũng làm nghề mộc, chị mới bắt đầu chính thức làm nghề.

“Đặc trưng của nghề mộc Cúc Bồ là gắn với việc tôn tạo, phục dựng các di tích lịch sử, văn hóa, xây dựng nhà gỗ... nên chồng tôi cũng thường xuyên phải đi làm công trình xa nhà. Khi chồng đi vắng, tôi ở nhà hoàn thiện các sản phẩm theo đặt hàng. Ở Cúc Bồ, rất nhiều phụ nữ làm nghề mộc như tôi”, chị Minh chia sẻ.

Ông Bùi Hoàng Lượng, Trưởng thôn Cúc Bồ cho biết, tương truyền, làng nghề có từ thế kỷ XVII. Khi đó, Tri phủ Trấn Sơn Nam Hạ Bùi Đình Chiếu (là người làng Cúc Bồ) đã cho tìm thợ họ Trần ở Nam Sang (nay là huyện Lý Nhân, Hà Nam) về dựng cho làng một ngôi đình.

Hai anh em thợ họ Trần sau khi hoàn tất xong ngôi đình làng thì đã phải lòng cô gái Cúc Bồ, từ đó ở lại làm rể, truyền dạy nghề cho nhiều thanh niên nơi đây...

“Hiện nay, thôn có 900 hộ thì có tới 700 hộ theo nghề mộc. Khác với các làng mộc khác, làng mộc Cúc Bồ không chỉ làm những đồ gỗ mộc đơn thuần, mà còn xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích đình, đền, chùa, phục dựng nhà cổ; sản xuất các mặt hàng cao cấp như sập, tủ, bàn, ghế… đòi hỏi trình độ tay nghề cao, khó làm, có sự nguy hiểm”, ông Lượng cho hay.

Về việc phụ nữ ở Cúc Bồ cũng thành thạo tay cưa, tay đục như đàn ông, ông Lượng lý giải: Trước đây, những người thợ mộc làng Cúc Bồ chủ yếu đi làm thuê ở ngoài, ai thuê đóng đồ mà ở xa là ở lại luôn chứ không mở xưởng mộc làm tại nhà.

Do đó, đàn ông Cúc Bồ bươn bả xa nhà làm công trình, có khi vài tháng mới trở về nhà một lần.

Ở nhà có đơn đặt hàng nhỏ, thì những người phụ nữ đứng ra gánh vác, từ đó họ cũng thành thạo không thua kém đàn ông, thậm chí còn hơn ở độ tinh xảo, khéo tay khi chạm khắc...

Nơi phụ nữ không bao giờ thất nghiệp

Gần 30 năm gắn bó với nghề mộc ở Cúc Bồ, anh Đoàn Văn Giang đã làm được nhiều công trình ở các tỉnh, thành trên toàn quốc, trong đó có công trình thi công chùa trên đỉnh Phan Xi Păng.

Thi công công trình tâm linh ở đỉnh núi cao hùng vĩ và hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, anh Giang và những người thợ Cúc Bồ rất cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn.

“Gần 3 năm chúng tôi mới dựng lên được ngôi chùa trên đỉnh núi cao nhất Đông Dương. Thợ mộc Cúc Bồ có mặt ở mọi nơi, không những trên núi cao, biển đảo mà còn xuất ngoại sang Lào, Campuchia để tạo dựng những công trình gỗ độc đáo”, anh Giang khoe.

Theo ông Lượng, phụ nữ làm mộc ở Cúc Bồ thường không đi xa, mà ở nhà quán xuyến nhà cửa, chăm nuôi con cái và làm nghề tại làng.

Chị em đi làm thuê ở nhiều xưởng mộc khác nhau.Người chưa có tay nghề cao thì sẽ làm các phần việc đánh giấy giáp làm nhẵn gỗ, chà bóng, làm sạch sản phẩm... còn những người đã làm lâu năm, khéo tay, lành nghề sẽ chạm trổ, cưa đục, hoàn thiện sản phẩm.

Theo ông Lượng, ở thôn Cúc Bồ, phụ nữ không bao giờ thất nghiệp, bởi việc ở đây rất nhiều, chỉ sợ không có sức làm.

Là một thợ mộc lâu năm ở thôn Cúc Bồ, anh Bùi Huy Giang cho biết, lâu nay, làng không thiếu việc, nhiều gia đình trở nên giàu có sung túc.Tuy nhiên, thanh niên trai tráng hiện nay lại ít có người theo nghề mộc. Phần lớn đều ra ngoài làm công việc riêng.

“Con tôi cũng không muốn theo nghề này”, anh Giang cho hay.

Theo tìm hiểu của PV, ngày công của những người làm nghề mộc ở Cúc Bồ cao hơn hẳn so với ngành nghề, công việc khác.

Nếu làm những việc không đòi hỏi kỹ thuật như chà bóng, đánh giấy giáp được trả công 200.000 đồng/ngày thì thợ làm việc nặng nhọc, đòi hỏi kỹ thuật như pha gỗ, vẽ, tạo hình, chạm khắc được trả công từ 300.000 – 500.000 đồng/ngày.

Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Kiến Quốc cho biết, trên địa bàn thôn Cúc Bồ có hơn 900 hộ dân, trong đó có khoảng 700 hộ theo nghề mộc.

Phần lớn người dân đều theo việc làm mộc, trong đó có rất nhiều phụ nữ. Một số xưởng trên địa bàn cũng tạo công ăn việc làm ổn định cho rất nhiều người.

Để phát huy truyền thống và giá trị của làng nghề, chủ tịch UBND xã Kiến Quốc cho biết, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, quảng bá về thương hiệu làng nghề.

Ngoài ra, xã cũng sẽ hướng tới xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp tập trung để làng nghề phát triển theo hướng công nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.