Hơn một năm triển khai, vẫn gặp khó vì vướng mặt bằng
Những ngày cuối tháng 3, tranh thủ thời tiết hửng nắng đẹp, 3 nhà thầu tham gia thi công dự án mở rộng QL6 đều huy động tối đa nhân công, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tại km km73+500, vị trí đầu dự án, kỹ sư Nguyễn Minh Thịnh - Đội trưởng thi công dự án của nhà thầu Công ty Ngọc Minh UDIC, cho biết: Sau Tết, địa phương bàn giao thêm được hơn 1km mặt bằng nữa. Ngay lập tức chúng tôi đã huy động thêm xe, thêm máy, cùng hàng chục kỹ sư, công nhân để tạo lập thêm 2 mũi thi công, nâng tổng số mũi thi công trên công trường lên thành 4 mũi.
Trên đoạn đường dài 2,5km nhà thầu Ngọc Minh UDIC đang đảm nhận, gần như bất cứ vị trí nào cũng có người làm. Xe chở vật liệu vào xe ra liên tục. Máy ủi, máy lu nối đuôi nhau làm không cho đất nghỉ.
Theo kỹ sư Thịnh, dự án này về kỹ thuật thì không có gì phức tạp, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng. Đơn vị nhận dự án và triển khai từ tháng 3/2023, nhưng đến 4 tháng sau, vẫn không thể làm gì ngoài đúc cống vì không có mặt bằng. Mãi tới tháng 10, lượng mặt bằng địa phương bàn giao mới gọi là tạm đủ để cho một mũi làm túc tắc. Ngay cả bây giờ vẫn còn khoảng 300m đất thổ cư chưa đền bù giải tỏa.
Tương tự, đoạn từ km76 - km78+500 do nhà thầu Công ty THHH Trường Thành đảm nhận, hiện vẫn còn vướng mặt bằng theo kiểu "xôi đỗ".
Kỹ sư Lê Văn Thanh - cán bộ kỹ thuật của nhà thầu Trường Thành, cho biết: Mặt bằng hiện tồn đọng nhiều nhất ở phường Dân Chủ, trong đó có 12 hộ thuộc diện phải di dời nhà đi tái định cư.
Đến nay, khu tái định cư còn chưa thi công. Tuy nhiên, chúng tôi không ngồi chờ mà chủ động đi vận động, bất cứ nơi nào người dân đồng ý là anh em cho máy vào làm luôn.
Nhà thầu huy động lượng lớn phương tiện thiết bị để làm nhanh ở những vị trí vừa được bàn giao mặt bằng.
"Trên công trường đơn vị cũng huy động 4 mũi thi công, gồm: 2 mũi làm đường, 1 mũi làm rãnh, mũi còn lại hoàn thiện hầm chui. Vật tư vật liệu, đơn vị cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. Dự kiến đến ngày 30/4 - 1/5 sẽ thảm mẻ bê tông nhựa đầu tiên" - kỹ sư Thanh chia sẻ.
Ông Vũ Trọng Huấn - Giám đốc điều hành dự án (Ban QLDA 6) cho biết: Tổng thể toàn dự án đến nay mới được thành phố bàn giao khoảng 70% mặt bằng. Phần tồn đọng vẫn tập trung ở phần đất ở. Ngoài ra, còn một số vị trí cột điện và hạ tầng kỹ thuật chưa di dời, chiếm khoảng 10%.
Ban cũng đã rất nhiều lần đề nghị tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề khó, như 4 cột điện đường dây 35kV của nhà máy may Việt Hàn.
Đây là tài sản của doanh nghiệp, theo luật thì họ phải tự di dời và không được bồi thường. Nhưng sau đại dịch Covid-19 và khủng hoảng thị trường, đơn vị này lâm vào tình cảnh khó khăn, không có tiền để di dời. Giờ tỉnh, thành phố và các bên đang tìm phương án hỗ trợ.
"Phần đất ở phải chờ xây dựng giá đền bù, sau mới áp giá, thông báo cho dân, niêm yết công khai... Tất cả đều phải theo trình tự thủ tục nên địa phương trả lời là không thể làm nhanh hơn được. Cái vướng nữa là khu tái định cư. Tất cả thủ tục đã xong nhưng không có đất đắp.
Mãi tháng 3 vừa rồi tỉnh mới ra được quyết định cấp mỏ đất. Nếu có nhanh thì cũng phải sang quý II thì người dân mới có thể sang nơi mới xây dựng nhà cửa", ông Huấn nói.
Đất, đá từ quá trình hạ cốt đồi được tận dụng để thi công những nơi nền đất yếu đã giải quyết được các vấn đề phát sinh khi thi công.
Nỗ lực đưa công trình về đích đúng dịp Quốc khánh
Không chùn bước trước khó khăn, thời gian vừa qua Ban QLDA 6 và các nhà thầu đã nỗ lực, linh hoạt nhiều biện pháp khác nhau để đẩy tiến độ.
Ở giai đoạn đầu, Ban và các nhà thầu đi từng nhà vận động, xin mượn đất để đặt cống, rãnh dọc. Thuyết phục các hộ có đất thổ cư cho làm luôn khi Hội đồng GPMB địa phương hoàn thành kiểm đếm.
Nhờ "dân vận khéo" mà đến nay dự án đã đạt được sản lượng 108/180 tỷ đồng (tương đương 60% giá trị xây lắp).
Trong đó, nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng 1/5 đã thi công đạt tới 90% giá trị gói thầu. Toàn tuyến (những đoạn có mặt bằng) đã cơ bản xong phần nền, sẵn sàng chuyển sang giai đoạn làm móng và mặt đường.
Dự kiến dự án sẽ về đích đúng dịp Quốc khánh 2/9. Việc dự án hoàn thành sẽ giúp cho hoàn bình giải tỏa được điểm nghẽn giao thông ở đầu phía Nam thành phố.
Một khó khăn khác không thể không nhắc đến chính là nguồn vật liệu. Dự án này cũng lâm vào tình trạng thiếu nguồn đất đắp giống như 13 dự án đang triển khai ở tỉnh Hòa Bình. Nếu chờ đợi tỉnh cấp mỏ thì chắc chắn sẽ không thể về đích đúng hẹn.
Quá trình triển khai, Ban và tư vấn đã chủ động tận dụng 5.000m3 đất và đá từ quá trình hạ cốt đồi cuối tuyến để đắp nền và xử lý nền đất yếu. Việc đắp nền bằng đá tuy tốn nhiều thời gian thi công, tốn thêm ca lu, ca máy nhưng lại cho chất lượng nền ngoài mong đợi.
"Có nhiều đoạn theo thiết kế là đào thay đất không thích hợp bằng đất K95. Thế nhưng khi múc sâu hơn 1m thì xuất hiện nước ngầm và nền đất yếu. Nếu đắp bằng đất phải gia tải mất nhiều thời gian, chúng tôi đã quyết định điều chỉnh đắp bằng đá. Cách làm này đã giải quyết được tất cả các vấn đề khó khăn kể trên" - kỹ sư Lâm Quốc Tuấn, Tư vấn trưởng dự án cho biết.
"Dự án có thuận lợi là được lãnh đạo tỉnh Hòa Bình hết sức quan tâm. Gần như có vướng mắc gì mà Ban, nhà thầu đề xuất, tỉnh đều chỉ đạo thành phố và các sở ngành triển khai ngay.
Đối với vấn đề mặt bằng, định kỳ hàng tháng Phó chủ tịch tỉnh sẽ chủ trì họp. Còn thông thường cứ 2 tuần/lần sẽ họp giao ban với thành phố. Nếu như trong tháng 5, địa phương bàn giao được toàn bộ mặt bằng thì chắc chắn chúng tôi sẽ đưa dự án về đích đúng dịp Quốc khánh 2/9 năm nay", ông Huân khẳng định.
Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường ô tô cấp 3 đồng bằng bốn làn xe, có dải phân cách giữa; chiều rộng nền đường 20,5m; tốc độ thiết kế 80km/h. Dự án được triển khai từ tháng 3/2023; theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thành vào cuối Quý III/2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận