Trong chương trình The Khang Show, NSƯT Thành Lộc lần đầu chia sẻ lý do quyết định rời Sân khấu kịch Idecaf và dự định sau khi rời sân khấu này.
Nam nghệ sĩ cho hay, quyết định dừng hoạt động ở Sân khấu kịch Idecaf là sự chuyển đổi cần thiết sang phương thức hoạt động khác. Từ đoàn kịch trẻ thuộc Sở Văn hóa & Thông tin TP.HCM, Sân khấu kịch 5B đến Idecaf, Thành Lộc không ít lần chia tay nơi từng nghĩ sẽ gắn bó cả đời.
NSƯT Thành Lộc trong talkshow cùng MC Nguyên Khang.
Đầu thập niên 1980, anh bị nhận xét là dại dột khi từ bỏ biên chế Nhà nước vốn ổn định, là niềm tự hào và ước mơ của nhiều người. Sau này, nghệ sĩ lại rời Sân khấu 5B, nơi từng bảo chứng chuyên môn nghệ thuật cho cái tên Thành Lộc.
Anh tin những cuộc chuyển đổi đều thuận theo quy luật tự nhiên, dòng chảy của xã hội, không có gì quá đặc biệt. Dù vậy, mỗi quyết định ra đi với người sống thiên về tình cảm như anh không dễ dàng.
"Tôi chia tay nơi rực rỡ nhất của mình để sống khép mình lại. Tôi muốn trải nghiệm đi vào chiều sâu hơn. Nếu trên hành trình tiếp theo, tôi gặp được những người đồng điệu, đi vào sự sâu sắc của một cõi tư duy nào đó thì chúng ta sẽ gặp lại", nghệ sĩ gạo cội tâm sự sau khi rời.
Dù đã xin nghỉ việc tại đơn vị này nhưng Thành Lộc cho biết anh vẫn sẽ cộng tác cho chương trình "Ngày xửa ngày xưa" lần thứ 34 vào thời gian tới.
"Đó là quyết định do trái tim tôi níu kéo và tôi vì người khác chứ không thì tôi đã nghỉ luôn rồi. Tôi nghĩ đến trẻ con, các cộng sự, như vậy thì mình sống cũng trọn tình", anh chia sẻ.
Thành Lộc trong tạo hình Ác tiên Mắc Ma của chương trình Ngày xửa ngày xưa 34, với vở "Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai".
Trước những đồn đoán về việc giã từ Idecaf vì vấn đề tài chính, Thành Lộc nói: "Tôi xin phép không bình luận bất cứ điều gì về điều này. Nhưng bất kỳ cuộc chia tay nào cũng bắt nguồn từ những bất đồng trong quan điểm, suy nghĩ.
Dù cho làm ở đâu thì tôi vẫn là người làm công. Dù tôi có là người đồng sáng lập đi nữa thì tôi cũng là người làm công. Một khi người làm công không cùng suy nghĩ với người làm chủ thì khó làm việc lắm. Người ta cũng có thương lượng để giữ tôi lại.
Thật sự, ai muốn đẩy tôi đi là dại đó. Cho nên, tôi muốn nói là không ai đẩy tôi đi cả. Tôi tự thấy mất hứng. Tôi sẽ tìm thấy nơi khác khiến mình vui hơn".
Nói về định hướng tương lai, nam nghệ sĩ mong muốn thử sức với lĩnh vực off Broadway - dòng sân khấu đi vào sự trải nghiệm, dàn dựng tinh vi và rất kén khán giả.
Thể loại nghệ thuật này khá phổ biến tại đại lộ Broadway (New York, Mỹ), nơi tập trung nhiều sân khấu kịch nổi danh nhất thế giới.
NSƯT Thành Lộc sinh năm 1961, tại TP.HCM trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Cha là NSND Thành Tôn, mẹ là nghệ sĩ hát bội Huỳnh Mai. Anh chị của Thành Lộc là Bạch Long, Bạch Liên đều là những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng.
NSƯT Thành Lộc được mệnh danh là "phù thủy sân khấu" khi có gia tài là hơn 600 vai diễn từ chính diện đến phản diện, từ người già đến trẻ nhỏ, từ bi đến hài, con người đến muông thú...
Anh hoạt động tại Sân khấu kịch Idecaf từ năm 1997. Đến tháng 4/2000, anh và ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cùng nhau thành lập Công ty TNHH Sân khấu và Nghệ thuật Thái Dương (Idecaf). Thời điểm này, Idecaf là công ty duy nhất tại Việt Nam chuyên dàn dựng những vở kịch dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi.
Tại Sân khấu kịch Idecaf, Thành Lộc đã dàn dựng và làm nên thành công vang dội của "Ngày xửa ngày xưa" - một chương trình hài kịch dành cho thiếu nhi. Nam nghệ sĩ cũng để lại dấu ấn sâu đậm qua các vở diễn như: "Aladin và đủ thứ thần", "Cậu bé rừng xanh", "Nữ thần Lee Kim Chi", "Ốc mượn hồn"...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận