Thị trường

Nữ bác sĩ bỏ nghề, về quê trồng rau thành tỷ phú

31/10/2020, 06:30

Bỏ nghề bác sĩ về quê làm nông nghiệp sạch, giờ đây, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng đã trở thành tỷ phú.

img
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó tổng giám đốc Vinapharma Group

Từng chứng kiến nỗi đau mất người thân vì ung thư, bà Hằng phấn đấu trở thành bác sĩ. Nhưng sau một thời gian dài làm bác sĩ đa khoa, bà Hằng nhận ra việc chữa trị chỉ giải quyết được phần ngọn của bệnh ung thư. Còn nguyên nhân lớn nhất chính là nguồn thực phẩm đưa vào cơ thể. Bỏ nghề và về quê làm nông nghiệp sạch, giờ bà đã trở thành tỷ phú.

Bỏ nghề, về quê trồng rau

Tiếp chúng tôi tại một ngôi biệt thự sang trọng, ít ai biết được Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vinapharma Group Nguyễn Thị Diễm Hằng lại trải qua nhiều nỗi đau và thăng trầm trong sự nghiệp đến vậy. Bà Hằng chia sẻ, nỗi đau mất mẹ từ năm học lớp 12 chính là ngã rẽ đưa bà đến với nghề bác sỹ mà không lựa chọn bất kỳ nghề nào khác.

Vinapharma Group là đơn vị có nông trại sản xuất rau an toàn “có tiếng” trong giới làm nông nghiệp bởi đã mạnh dạn đầu tư công nghệ bài bản để đạt được các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính như Halal, FDA, GlobalGAP… Bởi để đạt được tiêu chuẩn này, ngoài chất lượng thì cần có những yêu cầu nhất định, từ nguồn nước, công trình…

Phát triển nông sản an toàn là xu hướng của cả thế giới, không riêng gì Việt Nam nên những công ty đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì họ sẽ còn tiến xa trong tương lai.
Chuyên gia Nguyễn Tiến Phương, Cục Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT)

“Chứng kiến cảnh mẹ đau đớn, vật vã trong 3 năm chống chọi với căn bệnh ung thư đã khiến tôi mặc định con đường đi cho mình là làm sao để có thể chữa bệnh được cho nhiều người”, bà Hằng nói.

Nén nỗi đau mất mẹ, dồn sức vào học, đến năm 2005, cuối cùng cánh cổng trường Đại học Y cũng mở ra với cô nữ sinh nghèo.

“Đi sâu tìm hiểu, tôi đã chứng kiến rất nhiều nỗi đau của các gia đình có bệnh nhân ung thư, trong đó có rất nhiều trẻ em. Tôi đã thấy những người mẹ chỉ vừa sinh con ra đã phải chịu đựng cảnh phải xa con trong nỗi đau đớn tột cùng và bất lực”, bà Hằng kể.

Bà Hằng cũng ngỡ ngàng khi tiếp cận thông tin Việt Nam có số lượng bệnh nhân ung thư thuộc nhóm cao nhất trên thế giới với tốc độ gia tăng 20 - 30%/năm và độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Điều này đã thôi thúc cô sinh viên trẻ “mất ăn mất ngủ” với câu hỏi: “Khi nào người Việt mới được tiêu dùng thực phẩm sạch, ít tạp chất gây hại?”.

Chuỗi ngày đó cũng chính là bước ngoặt lần 2 trong cuộc đời khi bà quyết định từ bỏ con đường mà nhiều người mong ước, để bắt đầu nghiên cứu về thực phẩm sạch. “Việc chữa bệnh chỉ là giải quyết phần ngọn, còn nguồn cơn là do tác động của thực phẩm không sạch”, bà Hằng nói về lý do đưa ra quyết định của mình.

Cắm sổ đỏ vay ngân hàng, bán cả nhà trả nợ

Những ngày đầu năm 2012, bà Hằng quyết định bỏ lại mọi cố gắng trong suốt một chặng đường dài theo đuổi nghề bác sỹ, từ bỏ cuộc sống đang yên ổn với một công việc ổn định tại bệnh viện quốc tế để trở về quê nhà làm “một nông dân trồng rau” đúng nghĩa.

Bà Hằng kể: “Lúc đó, mọi người cứ bảo tôi “mày có bị điên không?”. Tôi vẫn im lặng trước quyết định của mình và lấy hết can đảm để xin bố một khoản tiền đầu tư. May mắn, nhận được sự ủng hộ của bố, ngày sau đó, bố đã ra ngân hàng cắm sổ đỏ ngôi nhà duy nhất của gia đình ở Hà Nội để lấy số vốn 650 triệu đồng cho tôi đầu tư”.

Cùng với việc chọn quê hương Hải Dương là nơi khởi nghiệp, bà Hằng cũng rất kỹ càng trong chọn lựa nguyên liệu: Không hóa chất độc hại, không biến đổi gen để tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng. Cách làm cũng phải khác đa số người dân trồng rau thời điểm đó (trồng rau bằng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và ép tăng trưởng nhanh để thu hoạch).

Song mọi việc không dễ dàng. Nhắc lại đến đây, bà Hằng chùng giọng: “Lúc đó, giá rau của chúng tôi khoảng 5 - 7 nghìn đồng/kg, trong khi hàng chợ chỉ khoảng 2 -b3 nghìn đồng/kg. Khoảng 20 người mang hàng đi chào khắp các cửa hàng đều bị từ chối, vì lúc bấy giờ người tiêu dùng vẫn chưa quen với khái niệm rau sạch.

Không còn lựa chọn khác, những ngày đó, chúng tôi thu hoạch rau thâu đêm để kịp 2h sáng chuyển hàng lên Hà Nội và mang hàng vào các chợ đầu mối, ngồi đó giới thiệu và bán theo cân ngang bằng giá các loại rau ở chợ. Có lần người của chúng tôi bị rượt đuổi phải vứt cả hàng khi bán ở Long Biên”.

Trong những ngày đó, bà Hằng run lên vì sợ hãi, nỗi thất vọng, sự tuyệt vọng hòa cùng nỗi sợ mất nhà đã thành sự thật khi số hàng bán ra chỉ bù được một phần chi phí. “Cảm giác khó tả khi mình làm mất đi ngôi nhà mà bằng mọi giá, kể cả từ chối hóa trị, mẹ vẫn phải giữ bằng được”, bà Hằng chia sẻ.

Đối với một người đã từ bỏ sự nghiệp bác sĩ để theo đuổi khát vọng nông sản sạch, thất bại đầu đời cũng khiến bà chán nản, mất ăn mất ngủ một thời gian dài.

Nước mắt lưng tròng, bà Hằng kể: “Không thể trả được số tiền vay ngân hàng 650 triệu đồng, nhà cũng phải bán, bố về quê, 3 chị em tôi phải đi thuê trọ, ở một căn phòng chỉ khoảng 20m2 và suốt 2 tháng sau đó, tôi đã không ra khỏi nhà để suy nghĩ về thất bại của mình”.

Chuẩn bị sang Trung Đông, châu Âu

img
Từ thị trường Trung Quốc, những sản phẩm sạch của Vinapharma Group đã sẵn sàng tiến sang thị trường Trung Đông và châu Âu

Bà Hằng cho biết, số tiền bán nhà được 1,3 tỷ đồng, một phần đem trả nợ, phần còn lại bà tiếp tục quyết định “chơi lớn” từ những thất bại và có phần liều lĩnh với hành trình tìm đầu ra cho thị trường rau trước khi sản xuất.

Điểm đến của bà đã thay đổi. Lần này là những ngày rong ruổi khắp các cửa khẩu Việt - Trung cùng với một người chị thạo tiếng Trung để “học cách buôn”, bà Hằng cũng từ đó hiểu được thị trường và tìm được những mối buôn tốt.

Ban đầu là các mối buôn tiểu ngạch, đưa rau cho các đối tác ở Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, sau đó đến lúc “có cái gì cũng buôn tất”, hễ kiếm được “mối”. Sau đó, bà học cách len lỏi thị trường bằng các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc để đưa hàng Việt Nam vào.

Sau khi thành thạo, năm 2013, bà Hằng bắt đầu kết nối lại các đầu mối, bắt đầu nhận đơn hàng rau quả và lúc đó mới kết nối lại trang trại để sản xuất theo đơn đặt hàng. Và cũng từ đó, bà hình thành những chuỗi cung ứng vững chắc. Đến năm 2014, bà Hằng còn đi gom hàng chất lượng ở các tỉnh để xuất khẩu, mô hình cũng dần đi lên từ đó.

“Đến năm 2015, quy mô sản xuất của công ty mở rộng khoảng 5ha với 2 vùng nguyên liệu ở Hòa Bình, Hưng Yên. Chúng tôi cũng bắt đầu nghiên cứu các loại bột rau, sau đó là cốm rau và phát triển nhãn hàng cốm cần tây green beauty. Công ty đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc năm 2019 để cung ứng cho 6.000 siêu thị Lưu An của Tập đoàn Hoa thần Long Đức những sản phẩm của công ty”, bà Hằng kể.

Theo bà Hằng, sản phẩm rau và sản phẩm từ rau như bột rau, cốm được xuất khẩu chủ yếu ở thị trường Trung Quốc. Sản phẩm cũng đã được chọn tham gia hội chợ ở Dubai và tại đây, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã cảm thấy vô cùng bất ngờ với sản phẩm “trà rau” của Việt Nam - một sản phẩm trên thế giới chưa từng có.

“Trung bình mỗi năm công ty thu về 20 - 30 tỷ đồng. Hơn nữa, chúng tôi còn tham vọng, lấn sâu hơn vào thị trường Trung Đông và châu Âu khi sản phẩm rau, củ, quả và các sản phẩm chế biến đã hoàn tất các chứng nhận chất lượng tiêu chuẩn Halal, FDA và tiêu chuẩn an toàn GlobalGAP...”, bà Hằng chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.