Xã hội

“Nữ hoàng lục bình” viết tiếp chuyện vì người nghèo sau giải oan

02/06/2019, 22:27

Vụ án bà Bích vướng phải được dư luận quan tâm vì đã kéo dài hơn 8 năm, khiến nữ chủ nhân khuynh gia bại sản, hàng nghìn người nghèo bị vạ lây.

img
Bà Huỳnh Ngọc Bích bên những sản phẩm làm từ cọng lục bình

Viện KSND tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức công khai xin lỗi bà Huỳnh Ngọc Bích, người thành lập HTX Thủ công mỹ nghệ mây tre lá Ngọc Bích, tạo công ăn việc làm cho hơn 8.000 lao động nhiều tỉnh miền Tây, được người dân gọi là “nữ hoàng lục bình”.

“Được vạ thì má đã sưng”

Tìm gặp “nữ hoàng lục bình” sau một ngày được Viện KSND tỉnh Sóc Trăng tổ chức xin lỗi công khai, PV Báo Giao thông được bà Bích chia sẻ nhiều điều.

“Được vạ thì má đã sưng. Chỉ vì trên 17 triệu đồng mà các cơ quan tố tụng ở Sóc Trăng đẩy tôi vào lao lý, khiến HTX đứng bên bờ vực phá sản và hạnh phúc gia đình tan nát. Mấy năm qua, tôi không còn ở bên chồng mà cùng con trai đi Khánh Hòa, Phú Yên... mua bán trái cây, hải sản để kiếm tiền gây dựng lại HTX”, bà Bích chia sẻ.

10 năm trước, số lao động trong HTX lên đến 8.000 người, giờ chỉ còn lác đác. HTX từ chỗ ăn nên làm ra, mỗi tháng doanh thu trên 2 tỷ đồng đã giảm xuống còn khoảng 100 triệu vì bà bị khởi tố và truy tố oan.

Xuất thân trong một gia đình không mấy khá giả ở ấp An Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), năm 1993, bà Bích xin nghỉ làm việc ở ngân hàng, về quê mở tiệm tạp hóa nhỏ ở xóm. Năm 1995, sau khi lập gia đình, bà Bích tự thành lập một Tổ hợp tác chuyên cung cấp hàng thủ công với số vốn ban đầu khoảng 600 nghìn đồng, là số tiền bà vay từ tiền chế độ nghỉ hưu của người cha. Ban đầu, Tổ hợp tác của bà Bích giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động nghèo.

Năm 2000, bà Bích may mắn gặp được bà Nguyễn Thị Cúc, lúc đó là Chủ nhiệm HTX Mây tre lá Ba Nhất (tỉnh Bình Dương) dạy nghề đan lục bình, hàng may… Sau đó, bà Cúc đưa hàng về Sóc Trăng để bà Bích làm. Dần dần về sau, thấy Tổ hợp tác của bà Bích làm đạt yêu cầu, bà Cúc mới về Sóc Trăng và dạy nghề lại cho bà con nghèo ở đây. “Thời điểm đó, dạy cho từng nhóm nhỏ, chứ không được tập trung đông như bây giờ, do đường giao thông nông thôn chưa phát triển, chủ yếu đi lại bằng xuồng máy nên việc học nghề rất khó khăn”, bà Bích chia sẻ.

Đầu năm 2002, bà Bích thành lập HTX, với khoảng 8.000 lao động nghèo. Ban đầu, HTX làm ăn thua lỗ hàng trăm triệu đồng. “Do lúc đó bà con chưa biết cầm cọng lục bình đan lại như thế nào”, bà Bích lý giải và cho biết thêm, để bù lỗ, bà đã lấy tiền lời từ sản phẩm nhựa bù lại phần lỗ của sản phẩm làm bằng cọng lục bình.

“Khoảng giữa năm 2007, HTX của tôi đã chủ động được nguồn hàng. Sau đó, tôi mua đất, cất nhà xưởng ở ấp Giồng Có, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên và kể từ đó, HTX đi vào hoạt động ổn định, người dân nghèo làm trong HTX có được nguồn thu nhập ổn định”.

img
Bà Huỳnh Ngọc Bích chia sẻ với PV về quá trình bà được giải oan và xin lỗi công khai

Tai họa bất ngờ

Không lâu sau đó, quãng năm 2009 - 2010, HTX Mây tre lá Ba Nhất giới thiệu khách hàng người Nhật Bản xuống HTX đặt hàng, với nguyên liệu làm bằng dây chuối và cỏ năng tượng, hai bên ký hợp đồng chính thức.

Đang trong thời gian chuẩn bị sản xuất, ngày 26/5/2010, bà Bích bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản” trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng. Đến ngày 28/5/2010, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng phê chuẩn quyết định khởi tố bị can. Ngày 31/5/2010, bà Bích tiếp tục nhận được lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Khi biết tin bà Bích bị khởi tố, những người làm cho HTX cũng bắt đầu nghỉ việc. Lúc đó, HTX đã ký hợp đồng với Công ty Ba Nhất với tổng số tiền hơn 70 tỷ đồng, nhưng chỉ mới làm được phân nửa giá trị hợp đồng (còn khoảng 39 tỷ đồng). Vì vậy, bà Bích đã làm đơn xin ngành chức năng xem xét để có thời gian đi kiểm tra đốc thúc sản xuất, nhưng không được chấp nhận.

Quyết tâm khôi phục lại HTX vì… người nghèo

Trao đổi với PV, bà Bích cho biết, dự định tới đây, bà sẽ cố gắng khôi phục lại HTX, nhằm góp phần giải quyết việc làm cho 8.000 người dân nghèo và có thể hơn thế, không chỉ ở Sóc Trăng mà ở các tỉnh lân cận, với mong muốn giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. “Làm nghề này không giàu, nhưng nó bảo đảm được nguồn thu nhập ổn định cho người dân nghèo. Hàng tháng, trung bình mỗi gia đình có thể thu nhập ổn định 3 - 5 triệu đồng, nhưng lại không ràng buộc thời gian”, bà Bích nói.

Thời điểm đó, bà Bích đã đi kêu oan và được bà Cúc giúp đỡ tìm luật sư nhờ tư vấn. Sau khi xem xét hồ sơ của bà Bích, luật sư cho rằng bà Bích không phạm tội, nên đã hứa giúp đỡ.

Theo cáo buộc của các cơ quan tố tụng thời điểm đó, năm 2006 - 2007, Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng được giao 39 đề án thực hiện mô hình, mở lớp dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân. Tổng kinh phí được cấp cho những đề án này trên 1,4 tỷ đồng. Đến cuối năm 2007, hồ sơ tạm ứng, thanh toán thể hiện hơn 1,37 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ông Ngô Hồng Phí, nguyên Giám đốc Trung tâm bị cho là đã chỉ đạo kế toán Đặng Minh Út thanh toán đúng với con số được duyệt, hoàn thành 39 đề án, vì tiền đã được tạm ứng nhập quỹ cơ quan do chuyên viên Nguyễn Quách Hồng Quyên quản lý.

Còn hai chuyên viên Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Thế Vương bị cáo buộc tìm đến các Chủ nhiệm HTX để thỏa thuận ký kết những hợp đồng dạy nghề, nhưng chỉ thực hiện một phần và khai man chứng từ thanh toán, chiếm đoạt 402 triệu đồng (trong đó, bà Bích bị cáo buộc tham ô số tiền 17,6 triệu đồng, ông Phi 30,6 triệu đồng, ông Vương 21 triệu đồng, Trung 13,4 triệu đồng, Út 17,7 triệu đồng).

Năm 2012, TAND tỉnh Sóc Trăng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Tham ô tài sản” và tuyên phạt bà Bích 6 tháng tù treo. Các bị cáo còn lại mỗi người lĩnh 2- 4 năm tù giam. Sau đó, các bị cáo kháng án.

Năm 2015, TAND tỉnh Sóc Trăng đưa vụ án ra xét xử lại và tuyên bà Bích không phạm tội, những người còn lại bị tuyên phạt 5 - 8 năm tù. Sau đó, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng kháng nghị và các bị cáo còn lại kháng án.

Bà Bích cho rằng, nếu thời điểm năm 2015, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng không kháng nghị yêu cầu tòa cấp cao hủy án để điều tra lại, bà sẽ không yêu cầu bồi thường thiệt hại. “Vì vào năm đó, có một đối tác người Đức định ký hợp đồng với HTX, nhưng khi vị khách này tra cứu thông tin trên Internet, phát hiện tôi đang trong thời gian kháng nghị, nên họ không dám ký hợp đồng, dẫn đến việc tôi bị thiệt hại không nhỏ”, bà Bích chia sẻ.

Đến tháng 3/2016, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại và bà Bích được đình chỉ điều tra vào tháng 7/2018.

img
Các sản phẩm làm từ cọng lục bình của HTX Mây tre lá Ngọc Bích mang tính thẩm mỹ và độ chắc chắn cao, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng

Vỡ òa niềm vui khi được công khai xin lỗi

Đến ngày 28/5/2019, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức buổi công khai xin lỗi đối với bà Bích tại trụ sở HTX với sự chứng kiến của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, những người làm trong HTX.

Tại buổi xin lỗi công khai, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Hồng Phuông cho biết, trong suốt quá trình điều tra và điều tra lại, Công an tỉnh Sóc Trăng thu thập được chứng cứ thể hiện bà Bích có mở các lớp dạy nghề cho nhiều học viên, không có căn cứ để chứng minh bà Bích phạm tội. Theo ông Phuông, nguyên nhân dẫn đến việc gây thiệt hại cho bà Bích là lỗi của những người tiến hành tố tụng nói chung và của kiểm sát viên Viện KSND tỉnh Sóc Trăng nói riêng, đã không đánh giá đầy đủ và toàn diện chứng cứ thu thập được liên quan đến bà Bích trước khi khởi tố.

“Việc xin lỗi, cải chính công khai hoặc bồi thường thiệt hại trong thời gian tới cũng không thể bù đắp được những thiệt hại của bà Bích trong thời gian qua. Mong bà chia sẻ, thông cảm với những khó khăn trong quá trình tố tụng của kiểm sát viên và chấp nhận lời xin lỗi này của chúng tôi”, ông Nguyễn Hồng Phuông bày tỏ chân thành.

Cũng tại buổi công khai xin lỗi, bà Bích bày tỏ sự vui mừng, vì bà chính thức được giải oan sau 9 năm “cay đắng nhất trong cuộc đời”. “Đối với tôi, được xin lỗi tôi chỉ mừng cho mình một phần, còn lại 9 phần tôi mừng cho người nghèo, bởi từ nay họ yên tâm làm ăn mà không phải suy nghĩ gì nữa”, bà Bích nói và cho biết, bà sẵn sàng chấp nhận lời xin lỗi của Viện KSND tỉnh Sóc Trăng, nhưng sau buổi xin lỗi công khai, bà sẽ tính toán và làm thủ tục yêu cầu bồi thường cho thỏa đáng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.