Bà Nguyễn Thị Hoàng Thanh. |
Bằng những tấm hình đã ngả màu vàng sẫm và câu chuyện ngắt quãng bởi những tiếng nấc và những giọt nước mắt lăn dài, bà Thanh đã dựng lại cuốn “phim tư liệu” về quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời bà và nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại.
Chuyện về các nữ lái xe huyền thoại
Bà Thanh bảo, việc cha bà “ép lấy chồng” ở tuổi 16, vì muốn đứa con gái “ngỗ ngược” sớm yên bề gia thất, đã đưa đến bước ngoặt trong cuộc đời bà. “Tôi trốn nhà, lên tàu ngược về Yên Bái, gia nhập Thanh niên xung phong sau nhiều lần “bí mật” viết đơn tình nguyện”, người phụ nữ 70 tuổi, Nguyễn Thị Hoàng Thanh cười hiền, kể. Phục vụ trong lực lượng Thanh niên xung phong được 3 năm thì bà xung phong gia nhập Trung đội nữ lái xe.
Lựa trong đống ảnh để trên bàn, bà rút ra tấm ảnh đã ngả màu vàng, nhưng vẫn nhìn khá rõ các cô gái mặc áo lính ở độ tuổi mười tám, đôi mươi tươi cười đứng trước chiếc xe Gaz 63. Chờ tôi xem xong, bà kể, giọng trầm hẳn xuống: “Ngày 18/12/1968, Trung đội nữ lái xe Trường Sơn mang tên Nguyễn Thị Hạnh (nữ Anh hùng Quân Giải phóng miền Nam) được thành lập, gồm 40 chị em ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi do chị Phùng Thị Viên làm Trung đội trưởng. Nhiệm vụ của chúng tôi là chở vũ khí, lực lượng, lương thực từ Vinh (Nghệ An) vào các cửa khẩu Quảng Bình, Quảng Trị phục vụ chiến trường miền Nam và chở thương binh ngược ra Bắc điều trị”.
Đại đội Nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại ấy đã vận chuyển hàng nghìn chuyến hàng kịp thời chi viện cho miền Nam và đưa đón hàng nghìn thương binh nặng ra miền Bắc điều trị an toàn. Những “tọa độ chết” như: Trọng điểm Cua chữ A, Ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, đèo Pha Kha, Măng Vu, Thà Khống… trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với nhiều chiến sĩ lái xe. Hàng ngày, hàng giờ phải trực tiếp đối mặt với sự tàn khốc của bom đạn, sự hy sinh, gian khổ, những cơn sốt rét ác tính hành hạ. Nam giới đã khổ, đối với các nữ chiến sĩ lái xe còn khổ gấp bội phần.
Trung đội nữ lái xe Trường Sơn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 1970); danh hiệu Anh hùng LLVT (năm 2014). Bà Phùng Thị Viên được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT năm 2014; 28 nữ lái xe được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. |
Những đồng đội của bà Thanh lần lượt “hiện ra” trước mắt tôi. “Đây, cái Phàn “còi” (Phạm Thị Phàn - NV) đây này”, bà Thanh đưa cho tôi một tấm hình. Một cô gái nhỏ nhắn trong bộ quân phục, ngồi trên mui chiếc xe Gaz chải đầu. “Phàn khi ấy mới tròn 19, người nhỏ, nặng chưa đầy 40 kg. Khi lái xe phải kê thêm cái bi-đông nước và chiếc chăn chiên lên để ngồi mới với tới vô lăng. Ấy vậy mà Phàn đã làm nên những chuyện phi thường. Cô ấy là một trong hai nữ lái xe đầu tiên của toàn quân vượt cao điểm 050 (Quảng Trị), một trong những cao điểm được coi là hiểm trở và ác liệt nhất của chiến trường lúc ấy mà ngay cả những tay lái xe nam đầy kinh nghiệm cũng phải ngán. Sau chiến công ấy Phàn được Bác Hồ gửi tặng chiếc đồng hồ Poljot”, bà Thanh kể.
Rồi bà Thanh lại tiếp tục chọn ảnh, tiếp tục nói về Vân “hoa lá” (buồng lái bao giờ cũng có hoa), Kim Quy “nhè” (xe chết là lại khóc nhè), Nguyệt Ánh “Người thứ 41”, rồi về Nguyễn Thị Thúy, Lê Thị Bích Ngà, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Minh, Vũ Thị Kim Dung... Bà dừng lại khá lâu về người Trung đội trưởng của mình - Phùng Thị Viên. “Chị Viên luôn là Trung đội trưởng dũng cảm, tài năng và đầy bản lĩnh”, bà Thanh chỉ vào tấm ảnh mắt ngấn lệ.
“Ghét của nào, trời trao của ấy”“
Đúng là “ghét của nào, trời trao của ấy”. Chúng tôi nên vợ nên chồng như là duyên trời định”, bà Thanh bắt đầu câu chuyện về cuộc sống riêng của mình như vậy. Rồi bà kể: “Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau là năm 1969 trên đường Trường Sơn. Tôi lái xe đưa thương binh ra Bắc, khi đang định vượt đoạn dốc cao, đường thì hẹp, một bên là vách đá, bên kia là vực sâu, lại sắp đến giờ địch đánh bom thì phía dốc bên kia lù lù xuất hiện một chiếc xe tải chở hàng. Hai bên đều bóp còi xin vượt trước.
Bà Thanh, người ngồi trên mui xe chải tóc. |
Không ai chịu ai, hai chiếc xe nhích dần gần như đối đầu nhau. Một khuôn mặt nhăn nhó, khó chịu thò ra khỏi buồng lái: “Sao không cho xe lùi lại để người ta vượt?”. Tôi bực quá cũng thò đầu ra khỏi buồng lái, nói to: “Xe em không có số lùi”. Biết là con gái anh ấy dịu giọng: “Cô không lùi thì tôi lùi vậy”.
Lần thứ hai bà Thanh gặp lại ông Lã Văn Hiệp lại cũng là lần ông xin vượt, nhưng là ở đoạn đường thuộc huyện Thường Tín, Hà Tây (Hà Nội ngày nay). Lần ấy xe bà chở thương binh ra Bắc. Xe bà đi trước, xe ông chạy sau bóp còi inh ỏi xin vượt suốt gần 20 km mà không được. Đến khi không chịu được nữa ông Hiệp lấn lên, ép xe bà vào vệ đường. Hai xe dừng lại. Cả hai mở cửa buồng lái, hầm hầm bước xuống. Bà Thanh quát: “Anh làm cái trò gì thế hả, nhỡ lật xe thương binh chết thì sao!”.
Biết là con gái, nhưng vì quá bực, ông cũng quát lại: “Xe đi chậm như rùa bò. Xin mãi sao không cho người ta vượt?”. Cả hai không ai chịu ai. Ông lao lại định dọa cho bà sợ, ai ngờ bà không vừa: “Anh mà đụng đến tôi, tôi bắn cho gãy giò đó nghe!”. Ông lùi lại, chịu thua, trèo lên buồng lái còn cố vớt vát: “Đanh đá thế ế chồng là cái chắc”. Bà thò đầu ra khỏi buồng lái: “Có ế cũng không đến lượt anh”.
Lần thứ ba chúng tôi gặp nhau là ở bãi chiếu bóng lưu động Thường Tín. Đang đùa vui với cô bạn lái xe cùng trung đội bỗng nhiên có ánh đèn pin chiếu thẳng vào mặt mình. Tôi định quát thì có tiếng đàn ông reo lên: “A, cô gái dọa bắn gãy giò tôi đây sao!”. Từ đấy chúng tôi bắt đầu làm quen với nhau”, bà Thanh nhớ lại.
Năm 1971, họ nên vợ chồng. Sau khi lập gia đình, bà Thanh xuất ngũ, được chuyển về một đơn vị xây dựng thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, tiếp tục lái xe chở nguyên vật liệu cho đến ngày nghỉ hưu.
Trung đội thời bình
“Dù cuộc sống ấm êm, nhưng không lúc nào tôi không nhớ đến đồng đội của mình”, bà Thanh rưng rưng. Cuối năm 1993, khi công việc của một năm làm ăn tất bật được tạm dừng lại để chuẩn bị đón một cái Tết bình an thì cũng là lúc bà Thanh bàn với chồng mình chuyện đi tìm lại đồng đội. Bà nói với chồng: “Nếu tìm được Trung đội trưởng Phùng Thị Viên thì có thể lần ra các đồng đội còn lại”. Thế rồi, thật tình cờ, một lần đi chợ Long Biên bà Thanh gặp lại bà Ánh, khi ấy vẫn đang lái xe cho Bộ Tài chính. Hai bà ôm nhau rưng lệ. Họ bàn với nhau cùng đi tìm Trung đội trưởng Viên.
Cuối cùng thì rồi họ cũng tìm được nhà bà Viên ở Cầu Giấy (Hà Nội). Đau đớn thay, người Trung đội trưởng dũng cảm năm xưa của họ đang bị căn bệnh ung thư di căn hành hạ. Họ được biết, sau khi nghỉ dạy ở trường lái xe D255, bà Viên về công tác ở phòng xăng xe thuộc Tổng cục Kỹ thuật. Năm 1986, bà kết hôn với ông Đoàn Đình Thanh khi gần 40 tuổi.
Lúc con gái ra đời, bà Viên xin về nghỉ hưu sớm với quân hàm Thiếu tá. Hôm đồng đội đến thăm lần cuối (năm 1998) ở bệnh viện, bà Viên cố gắng chịu đau, ra hiệu cho các chị em ngồi gần sát lại rồi dặn dò: “Đời có thể quên chúng mình, nhưng chúng mình đừng bao giờ quên nhau”. Tất cả ôm lấy nhau òa khóc.
“Sau đó chúng tôi phân công nhau, lần theo quê quán, đi khắp các hang cũng ngõ hẻm của đất nước để tìm đồng đội của mình”, bà Thanh nói.
Rồi cuối cùng họ cũng tìm thấy nhau. Hiện tại, trung đội nữ lái xe duy nhất trong lịch sử quân đội Việt Nam chỉ còn 30 người, 19 người ở Hà Nội, còn lại ở các tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định. Mỗi người một số phận. Có người lấy chồng và ổn định cuộc sống, có người đến giờ vẫn cô đơn, có người lấy chồng nhưng không có con.
Hàng năm cứ đến ngày 22/12 là họ lại gặp nhau, kể cho nhau nghe về cuộc sống hiện tại, nhớ lại những kỷ niệm của năm tháng gian khổ thời chiến tranh và cùng giúp đỡ nhau “lá lành đùm lá rách”. Cháu Đoàn Thị Phương Nga, con gái Trung đội trưởng Phùng Thị Viên trở thành con chung của cả trung đội. “Cho đến ngày hôm nay chúng tôi vẫn là một trung đội nhưng là trung đội thời bình, vẫn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, vui buồn có nhau”, bà Thanh xúc động nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận