Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng những nội dung mới trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ tạo ra những thay đổi quyết liệt.
Cán bộ không làm gì để giữ mình “tròn vo” chắc chắn sẽ bị đánh giá ở mức “Tín nhiệm thấp”.
Ông Nguyễn Đức Hà
Phiếu tín nhiệm là thước đo năng lực
Thưa ông, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để cụ thể hóa chủ trương trong Nghị quyết 96 của Bộ Chính trị có ý nghĩa như thế nào?
Mục đích của việc ban hành Nghị quyết là đánh giá đúng cán bộ trên nhiều phương diện như phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, kết quả thực hiện trong chức trách nhiệm vụ được giao… Với cách làm này, việc đánh giá cán bộ sẽ khách quan hơn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp khai mạc. Đến Kỳ họp thứ 6, sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Về mặt tổ chức, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là cơ sở để cho cơ quan, các cấp quản lý đánh giá đúng cán bộ, từ đó bố trí, sắp xếp cho phù hợp, đúng năng lực, sở trường hay chúng ta thường nói là “đúng vai thuộc bài”.
Đối với từng cán bộ, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng giúp họ thấy được ưu điểm và hạn chế của mình để từ đó “tự soi, tự sửa”, từng bước hoàn thiện mình hơn.
Lần này, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được dùng trực tiếp để đánh giá cán bộ chứ không phải chỉ để tham khảo như trước đây. Điều này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Trước đây, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được coi là một kênh tham khảo để đánh giá cán bộ, nhưng nay Quy định 96 đã nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ.
Như vậy, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Đây có thể coi là một trong những bước thay đổi quyết liệt, trở thành thước đo quan trọng phản ánh năng lực cũng như quá trình hoạt động của cán bộ quản lý, lãnh đạo.
Dám nghĩ, dám làm mới được tín nhiệm cao
Quy định 96 nêu rõ 2 tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Với những tiêu chí rất cụ thể, ông kỳ vọng gì vào việc khắc phục được tâm lý “tròn vo”, không làm vì sợ sai, sợ trách nhiệm như thời gian qua?
Việc lấy phiếu tín nhiệm đã thực hiện sau Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Đầu năm 2013 đã có Quy định 165, sau đó đến năm 2014 thì Bộ Chính trị bổ sung sửa đổi bằng Quy định 262.
Vừa rồi, tháng 2/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 96 để từng bước hoàn thiện quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Từ chủ trương này, Quốc hội đã nhanh chóng xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và pháp luật.
Ông Nguyễn Đức Hà
Nhìn nhận thực tế trong thời gian qua có xuất hiện tâm lý sợ trách nhiệm, ngại trách nhiệm. Tôi cũng nghe thấy có những trường hợp cho rằng “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”.
Từ đó dẫn đến có tâm lý chờ đợi, đợi tập thể, xin ý kiến cấp trên dù đây là thuộc thẩm quyền của mình, điều này dẫn đến sự trì trệ.
Qua đây cũng thể hiện cán bộ không nắm chắc, nắm vững các quy định pháp luật. Nếu nắm chắc thì sẽ không bao giờ có tâm lý như thế. Làm đúng nhiệm vụ và không tư lợi thì không bao giờ sợ điều gì.
Tôi tin rằng với chất lượng của ĐBQH, đại biểu HĐND thì họ sẽ nhận biết được đâu là cán bộ không làm gì, đâu là cán bộ làm được việc. Việc cán bộ không làm gì để giữ mình “tròn vo” chắc chắn sẽ bị đánh giá ở mức “Tín nhiệm thấp”.
Đây cũng là động lực để cán bộ muốn được đánh giá ở mức “Tín nhiệm cao” phải dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, không thể “giữ mình chờ thời”.
Vẫn còn một điều nhiều người băn khoăn, làm sao để tránh được việc đánh giá cảm tính, thiếu công tâm, khách quan trong khi lấy phiếu?
Vấn đề quan trọng nhất là phải nhận thức đúng về nội dung này. Người có quyền ghi phiếu cần phải nhìn nhận khách quan. Cấp thẩm quyền thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm và cơ quan tham mưu cũng phải nhận thức đúng.
Đúng ở đây là sự khách quan trong thực hiện ghi phiếu, không được cả nể, hay vì lợi ích nào đó mà cán bộ yếu kém lại đi bỏ phiếu tín nhiệm cao và ngược lại, cán bộ làm được việc lại trù dập, bỏ phiếu tín nhiệm thấp cho họ.
Tin vào sự đánh giá công tâm, khách quan
Đại biểu Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín tại Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XIV, tháng 10/2018
Thực tế, có những người được lấy phiếu dù làm tốt, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung nhưng có thể lại không được lòng số đông. Liệu có vì thế mà họ nhận được sự đánh giá không thực sự chính xác?
Quốc hội và HĐND có rất đông đại biểu, trong đó gần 500 ĐBQH, còn HĐND cấp tỉnh thường là 50 đại biểu, thành phố lớn là 75 - 95 đại biểu, chắc chắn không phải ai cũng a dua, bè cánh, cảm tính.
Tôi tin rằng, số người có chính kiến vẫn chiếm đại đa số. Chính vì thế, cán bộ cứ an tâm, anh cứ làm tốt công việc của mình thì chắc chắn sẽ được đại đa số đại biểu ghi nhận.
Mặt khác, để các đại biểu hiểu và chia sẻ, những cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm cần phải có những giải trình rõ ràng những công việc đã thực hiện trong thời gian giữ chức vụ. Từ đó, họ mới đưa ra những đánh giá khách quan và phản ánh đúng thực tế.
Theo ông, vì sao chúng ta đang xem xét hai bước: Lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm trong việc đánh giá cán bộ?
Ở đây có hai giai đoạn. Việc lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá mức độ tín nhiệm và gồm ba mức độ là tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.
Còn bỏ phiếu tín nhiệm chỉ có hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm. Việc chỉ có hai mức để thể hiện rõ thái độ, sự bất tín nhiệm với cán bộ.
Không làm một mà thực hiện hai bước nhằm thể hiện rõ tính công minh, khách quan, nhân văn, thận trọng trong đánh giá cán bộ thông qua lấy phiếu tín nhiệm.
Không phải tất cả đại biểu đều có điều kiện theo dõi sát được hết các hoạt động của người được lấy phiếu nên tính sát thực có thể chưa cao.
Vì vậy, từ kết quả của lấy phiếu, nếu rơi vào trường hợp có quá nửa hoặc đến 2/3 tổng số đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm thấp, lúc đó sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Cảm ơn ông!
Cán bộ tín nhiệm thấp phải từ chức trong 10 ngày
Theo Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 85 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm được sửa đổi 13/18 điều. Tuy nhiên, nội dung chủ yếu sửa phần hệ quả xử lý đối với kết quả lấy phiếu.
Trong đó, rõ nhất là người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá tín nhiệm thấp có thể xin từ chức. Nếu không xin từ chức thì Quốc hội, HĐND sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất.
Đối với việc xin từ chức là không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Với người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND miễn nhiệm tại kỳ họp gần nhất. Việc này vừa nhân văn nhưng rất nghiêm khắc, thể hiện thái độ rõ ràng, nghiêm túc trong lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.
Đối với việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận