Giá trị gói thầu đủ để loại nhà thầu yếu, ít kinh nghiệm
Tại văn bản báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT kiến nghị phân chia gói thầu tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 với phạm vi khoảng 20 - 40km/1 gói thầu và có giá trị dự kiến khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp cho rằng phương án phân chia gói thầu dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là hợp lý, tạo điều kiện cho các nhà thầu lớn tham gia dự án - Ảnh minh họa
Khi đó, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với chiều dài khoảng 729 km, dự kiến chia khoảng 30 gói thầu. Số lượng nhà thầu liên danh khoảng 3 nhà thầu/1 gói thầu.
Đề xuất này được báo cáo dựa trên các quy định của pháp luật về xây dựng và đấu thầu và năng lực thực tế của các nhà thầu, tư vấn giám sát hiện nay.
Theo kế hoạch, công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 sẽ được thực hiện vào tháng 12/2022, đảm bảo các điều kiện khởi công dự án trong năm 2022.
Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho rằng, đề xuất chia dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 thành 30 gói thầu giá trị từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng của Bộ GTVT là hợp lý trong bối cảnh hiện tại.
“Thực tiễn cho thấy, nếu chia các gói thầu giá trị từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng, hiếm có nhà thầu nào đáp ứng đủ điều kiện. Các nhà thầu sẽ rơi vào cảnh đáp ứng tiêu chí năng lực nhưng không thể đáp ứng điều kiện doanh thu và và ngược lại”, ông Ngọc chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, trong 30 gói thầu được đề xuất phân chia, cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, chia từ 5 - 10 gói thầu giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng. Các gói thầu còn lại giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng.
Việc phân chia này đảm bảo sự phân cấp rõ ràng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp/nhà thầu uy tín, có năng lực thi công tốt, kinh nghiệm tích lũy được từ quá trình triển khai các công trình tương tự, trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Các gói thầu còn lại phân chia giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng.
Phương án này cũng sẽ giúp các nhà thầu lớn tham gia được một khối lượng công việc liền mạch, thuận lợi trong việc đầu tư, huy động trang thiết bị và nhân lực.
“Ví dụ, nếu các gói thầu được “cào bằng” ở mức 3.000 tỷ đồng, nhà thầu như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn có thể đảm nhận thi công từ 3 - 4 gói thầu nhưng có thể ở nhiều khu vực khác nhau.
Trong hoàn cảnh này, việc huy động máy móc, thiết bị của nhà thầu sẽ bị phân tán, công tác chỉ đạo điều hành cũng sẽ gặp khó khăn hơn so với việc tập trung làm một gói thầu lớn”, ông Ngọc dẫn chứng.
Ủng hộ đề xuất của Bộ GTVT, theo lãnh đạo một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực giao thông, việc phân chia gói thầu với giá trị 3.000 - 5.000 tỷ đồng và một gói thầu không quá 3 đơn vị tham gia là hợp lý, tuân thủ theo đúng quy định hiện nay.
“Mức giá trị đề xuất này vừa đủ để loại bỏ những nhà thầu nhỏ ít kinh nghiệm, tạo điều kiện cho nhà thầu lớn thể hiện được năng lực, vừa giúp dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam không bị “cắt lát”, thi công manh mún, ảnh hưởng đến sự đồng bộ về tiến độ và chất lượng trong quá trình triển khai”, vị này nói.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị việc xét chọn nhà thầu tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cần ưu tiên những doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm dày dặn trong thi công dự án cao tốc - Ảnh minh họa
Nghiên cứu thêm mô hình tổng thầu
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi) cho rằng, việc phân chia gói thầu với giá trị 3.000 - 5.000 tỷ đồng theo đề xuất của Bộ GTVT là cơ bản hợp lý.
Mặc dù vậy, theo ông Chủng, các cấp chức năng cần nghiên cứu áp dụng mô hình tổng thầu, lựa chọn một nhà thầu đã từng thi công một tỷ lệ lớn đường cao tốc, hiểu được yêu cầu kỹ thuật thay vì lựa chọn hình thức liên danh để tối ưu hiệu quả.
“Tổng thầu này sẽ chịu trách nhiệm chỉ huy, huy động nguồn lực, tài chính, lựa chọn thầu phụ (cầu, đường,...) có đủ năng lực tham gia gói thầu sao cho công trình đạt được chất lượng tốt nhất”, ông Chủng nói và gợi ý, trường hợp áp dụng mô hình tổng thầu, các cấp chức năng có thể vận dụng linh hoạt hệ thống pháp luật liên quan hiện nay để giá trị gói thầu có thể được nâng lên cao hơn 5.000 tỷ, thậm chí là 10.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn được tham gia khối lượng công việc lớn và giảm áp lực cho bộ máy quản lý dự án.
Cũng theo lãnh đạo Varsi, tiêu chí lựa chọn nhà thầu hiện nay đang có một phần lớn xét về giá trị hợp đồng thực hiện của nhà thầu ứng tuyển. "Yêu cầu đặt ra là cần phải xác định hợp đồng đó họ làm công trình gì? Có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện công trình cấp đặc biệt, yêu cầu kỹ thuật riêng như đường cao tốc để lựa chọn được một nhà thầu xứng đáng, đủ khả năng đưa dự án cao tốc lớn về đích đúng tiến độ với chất lượng tốt", ông Chủng nhấn mạnh.
“Việc phân chia gói thầu cần hài hòa giữa các nhà thầu có lợi thế về nguồn lực, kinh nghiệm, đủ khả năng đảm nhận khối lượng công việc lớn tại và các nhà thầu nhỏ hơn.
Ví dụ, có 10 doanh nghiệp cam kết đủ năng lực thi công gói thầu giá trị từ 5.000 tỷ trở lên thì nên nghiên cứu chia 10 gói 5.000 tỷ đồng; 5 doanh nghiệp đủ năng lực đảm nhận gói thầu từ 3.000 tỷ trở lên thì chia 5 gói. Phép chia có thể thực hiện tương tự với giá trị tương ứng dựa trên năng lực các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia.
Tiêu chí cũng cần được được xây dựng riêng đối với từng giá trị gói thầu, đảm bảo yếu tố cuối cùng là tiến độ, chất lượng”, ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận