Giao thông

Phao EPIRB trợ giúp hiệu quả tìm kiếm cứu nạn

26/12/2018, 06:32

Phao EPIRB (thiết bị chỉ báo vị trí cấp cứu) phát huy hiệu quả cao nhất theo đúng tên gọi của nó...

3

Tàu hàng trọng tải trên 300 tấn, tàu cá trên vùng biển A2, A3 bắt buộc phải trang bị phao EPIRB 

Thiết bị chỉ báo vị trí cấp cứu

Phao EPIRB là thiết bị điện tử dùng để phát tín hiệu báo động cấp cứu từ các phương tiện hàng hải bị nạn tới vệ tinh.

Tín hiệu mà phao EPIRB phát đi bao gồm các thông tin quan trọng như: Mã quốc gia, nhận dạng phương tiện mang phao (MMSI, hô hiệu…) và vị trí cập nhật của phao (nếu có)…. Đài thu tín hiệu vệ tinh Cospas-Sarsat (LUT/MCC) phân bổ rộng khắp tại các quốc gia trên toàn thế giới, luôn trực canh 24/24h sẽ tiếp nhận thông tin cấp cứu từ phao EPIRB tại bất cứ đâu thông qua vệ tinh để trợ giúp việc tìm kiếm và cứu nạn.

Với lợi thế nhỏ gọn, phủ sóng toàn cầu, định vị chính xác, phát tín hiệu cứu nạn liên tục trong vòng 48h, có thể kích hoạt bằng cả hai phương thức nhân công và tự động, phao EPIRB thật sự là thiết bị cần thiết để đảm bảo an toàn cho các chuyến hải hành.

Phao phát huy hiệu quả khi thông tin dễ tìm kiếm, lưu trữ

Hiện nay, theo tiêu chuẩn GMDSS, các tàu hàng có trọng tải trên 300 tấn bắt buộc phải trang bị phao EPIRB.

Theo tiêu chuẩn quốc gia, Thông tư 15/2011/TT-BNNPTNT ban hành ngày 29/3/2011 các tàu cá hoạt động trên các vùng biển A2, A3 đều phải trang bị phao EPIRB.

Theo thống kê của tổ chức Cospas-Sarsat, từ năm 1982 - 2011, nhờ có thông tin báo nạn phát đi từ phao EPIRB, 33.026 người đã được cứu sống trong tổng số 9.031 vụ tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, những năm gần đây khi tình hình thời tiết biển diễn biến ngày càng phức tạp, phao EPIRB ngày càng gắn liền với sự an toàn của người đi biển hơn nữa.

Tuy nhiên, phao EPIRB chỉ phát huy hiệu quả cao nhất theo đúng tên gọi của nó khi các thông tin về phương tiện mang phao được lưu trữ để có thể dễ dàng tìm kiếm, tra cứu nhanh khi cần.

Các đài thông tin duyên hải cũng như các trung tâm TKCN trên khắp thế giới nhờ những thông tin sẵn có này có thể nhanh chóng xác minh những thông tin cần thiết của báo động cấp cứu, từ đó có thể triển khai việc tìm kiếm và cứu nạn cho thủy thủ trên tàu nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Tổ chức Cospas-Sarsat đã thiết lập một cơ sở dữ liệu phao quốc tế có khả năng lưu trữ dữ liệu đăng ký của tất cả các phao đang sử dụng trên toàn thế giới và khuyến cáo các tàu có trang bị phao nên cung cấp dữ liệu cho các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia. Các dữ liệu này sẽ được tất cả các TTTKCN trên toàn thế giới sử dụng miễn phí cho mục đích cứu nạn.

 Ví dụ, cuối tháng 10/2012, Trung tâm Điều hành Thông tin Vệ tinh Cospas-Sarsat Việt Nam (VNMCC) nhận được tín hiệu báo động cấp cứu từ phao EPIRB với dữ liệu vị trí 07°59,84’N  084°11,91’E, gần khu vực biển Sri-Lanka. Ngay lập tức, thông tin này được chuyển tới Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn quốc gia, đồng thời phối hợp với Đài Thông tin duyên hải Hải Phòng, TP HCM cùng Đài Thông tin vệ tinh mặt đất Inmarsat Hải Phòng (HPLES) phát quảng bá nhiều ngày liên tục, trên các khung giờ khác nhau để các tàu lân cận khu vực tàu bị nạn biết và trợ giúp.

Trên đường hành trình, sau khi nghe được thông tin phát quảng bá trên sóng từ Hệ thống Đài TTDH Việt Nam về tàu bị nạn, tàu PACIFIC SKIPPER đã cứu sống 18 trong tổng số 22 thuyền viên, 4 người vẫn mất tích trong đó có thuyền trưởng.

Việc đăng ký phao EPIRB vô cùng quan trọng, lại nhanh chóng và đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao cho việc quản lý thông tin chủ sở hữu và trợ giúp khi bạn gặp sự cố. Ngoài đăng ký thông tin cho EPIRB, việc đăng ký thông tin các loại phao như ELT dùng cho hàng không, hay PLB dùng cho cá nhân cũng rất cần thiết.

Vì sự an toàn tính mạng khi hành trình trên biển, đồng thời phát huy hiệu quả của phao EPIRB, chủ phao có thể cung cấp thông tin về dữ liệu đăng ký phao về Trung tâm Điều hành thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat Việt Nam (VNMCC).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.