“Ma men” đã biết sợ
Ngày 6/1, lực lượng CSGT các tỉnh thành tiếp tục triển khai kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn theo quy định mới. Điều đáng nói là người dân đã chấp hành quy định một cách khá nghiêm chỉnh. Số trường hợp vi phạm giảm mạnh và mức độ vi phạm cũng không cao.
Theo ghi nhận của PV tại chốt kiểm tra nồng độ cồn trên đường Lê Duẩn (TP Vinh, Nghệ An), trong vòng 2 tiếng, lực lượng CSGT đã kiểm tra hơn 100 người điều khiển phương tiện các loại, tuy nhiên chỉ có 2 trường hợp vi phạm ở mức 1.
Lúc 21h15, khi kiểm tra nồng độ cồn ông Trần Trọng H. (49 tuổi, Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) điều khiển xe máy BKS 38X1-7903, CSGT phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở là 0,08mg/1 lít khí thở. Khi được hỏi vì sao biết lực lượng CSGT cả nước ra quân xử lý vi phạm mà vẫn vi phạm, ông H. nói: “Tối nay tôi có uống rượu đâu. Hồi trưa ở xóm có giỗ, tôi uống một ít rồi về đi ngủ. Chiều vợ rủ sang Vinh thăm người ốm, nghĩ hết rồi nên mới lấy xe đi. Ai ngờ lúc kiểm tra vẫn vi phạm”. Với vi phạm của mình, ông H. bị lập biên bản phạt tiền 3 triệu đồng, tạm giữ xe 7 ngày, tước GPLX 12 tháng.
Tương tự tại Thanh Hóa, số lượng người vi phạm nồng độ trong đợt này cũng rất thấp. Trung tá Phạm Việt Giang, Đội phó Đội CSGT-TT Công an TP Thanh Hóa cho biết: “Khi Nghị định mới ban hành, chúng tôi cũng đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới người dân. Qua theo dõi, hiện nay trên đường phố vào các giờ cao điểm buổi tối hầu như lượng xe dừng, đỗ tại các quán ăn giảm đi rất nhiều. Vì vậy mà người vi phạm cũng rất ít. Đơn cử như ca tuần tra tối 6/1, các tổ kiểm tra hàng trăm trường hợp nhưng chỉ có 1 trường hợp đi xe máy vi phạm”.
Riêng tại QL18 qua TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, tổ công tác của Đội CSGT số 1 (PC03 Quảng Ninh) liên tục phát hiện 3 trường hợp vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất (trên 0,4mg/l lít khí thở). Điển hình như trường hợp anh Nguyễn Quang T. (SN 1972, trú tại TP Uông Bí) điều khiển xe máy BKS 14F6-3707, với nồng độ cồn đo được là 1,199 mg/1 lít khí thở (gần gấp 3 lần ngưỡng tối đa). Khi CSGT kiểm tra, người này không xuất trình giấy tờ, không chấp hành việc đo nồng độ cồn... Chỉ đến khi bị CSGT yêu cầu xử lý hành vi chống người thi hành công vụ thì mới chấp hành.
Tương tự, anh Nguyễn Khắc Đ. (SN 1977, trú phường Phương Đông, TP Uông Bí) điều khiển xe gắn máy dưới 50cc BKS 93FB-3158, có nồng độ cồn là 1,666 mg/l lít khí thở. Khi CSGT yêu cầu xuất trình đăng ký xe, anh Đ. không chịu và có lời lẽ thách thức, mắng chửi lực lượng chức năng, sau đó bỏ lại xe rồi đi mất.
Xử nghiêm vi phạm nồng độ cồn, TNGT giảm sâu
Sau khi Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100 có hiệu lực, tỷ lệ người sử dụng rượu bia tham gia giao thông trên địa bàn đã giảm hơn rất nhiều so với trước. Ý thức người dân cũng đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, để duy trì kết quả này, lực lượng CSGT phải tiếp tục làm quyết liệt, không nương tay với bất cứ một trường hợp nào.
Đại tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT Nghệ An
Thiếu tá Lê Đăng Khoa, Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an TP Vinh cho biết: Sau gần 1 tuần triển khai xử phạt theo nghị định mới và đồng loạt ra quân kiểm tra nồng độ cồn, số lượng người vi phạm cũng như mức độ vi phạm giảm đáng kể. “Ở đâu đâu người ta cũng nhắc nhau về mức phạt mới. Đi đám cưới, đám giỗ cũng không có ai ép nhau uống rượu, bia. Luật mới đã thực sự đi vào cuộc sống”, Thiếu tá Khoa cho hay.
Theo thống kê tại Nghệ An sau 5 ngày ra quân, lực lượng CSGT Nghệ An đã xử phạt 51 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó 16 trường hợp lái xe ô tô và 35 trường hợp đi xe máy.
Đại úy Nguyễn Ngọc Cảnh, Đội phó Đội CSGT huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết: Trước đây, mỗi ca theo chuyên đề nồng độ cồn thường phát hiện 3-4 trường hợp vi phạm, nhưng triển khai liên tục gần 1 tuần nay cũng mới chỉ có 5 trường hợp vi phạm ở mức thấp. Bất ngờ hơn là số vụ va chạm, tai nạn giao thông trên địa bàn cũng giảm rõ rệt. Nếu trước đây, mỗi tuần có 4-5 vụ thì cả tuần nay chỉ xảy ra 2 vụ va quệt nhẹ.
Tại Bắc Giang, trong 1 tuần qua, lực lượng CSGT tỉnh này đã xử phạt 130 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tổng số tiền phạt lên đến gần 500 triệu đồng. Thượng tá Ngô Văn Phục, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: Kết quả trên đã góp phần kéo giảm TNGT. Từ 1/1 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ TNGT làm chết 4 người. So với 6 ngày trước đó đã giảm 5 vụ và giảm 7 người bị thương.
Nghị định 100 không trái Luật GTĐB
Nghị định 100/2019 vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2020 xử phạt với cả tài xế xe đạp, xe máy trong hơi thở có nồng độ cồn bất kể mức nào. Một số ý kiến cho rằng trong khi Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 quy định không xử phạt đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy trong hơi thở có nồng độ cồn dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở, phải chăng Nghị định 100 đang trái với luật GTĐB?
Lý giải vấn đề này, bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, theo Khoản 8, Điều 8 Luật GTĐB 2008 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi điều khiển phương tiện như sau: Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Theo bà Hạnh, khoản 1 Điều 35 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia quy định: Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ 2008 về các hành vi bị nghiêm cấm như sau: Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. “Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã điều chỉnh Luật GTĐB, với quy định nghiêm cấm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia, bất kể nồng độ cồn bao nhiêu”, bà Hạnh cho biết.
Trần Duy
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận