Tác phẩm tâm đắc nhất
"Mẹ ơi, Bướm đây" do Công ty Cổ phần Truyền thông DZS sản xuất bất ngờ giành 4 giải thưởng quan trọng: Bông sen Bạc cho thể loại Phim truyện; Bông sen Vàng cho tác giả kịch bản; Hai Bông sen Vàng cho nữ diễn viên chính xuất sắc là Đinh Y Nhung và Mai Cát Vi.
Anh Lâm Thành Ngọc (đạo diễn của Hãng Phim Đông Dương) chia sẻ: "Mẹ ơi, Bướm đây!" là một bộ phim theo khuynh hướng nghệ thuật. Tôi rất đồng cảm từng khoảnh khắc câu chuyện và nhân vật mà đạo diễn Lưu Huỳnh gửi trọn trong phim.
Một bộ phim đẹp, sâu sắc về tình mẫu tử và trên hết tình người với người, sâu lắng. Xem, cảm nhận và chúng ta sẽ yêu thương hơn những người thân của mình".
Diễn viên Đinh Y Nhung từng đạt giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Cánh diều Vàng năm 2012 với bộ phim "Lấy chồng người ta".
Mai Cát Vi sinh năm 2009, từng là diễn viên nhỏ tuổi nhất giành giải Bông sen Vàng năm 2019 ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc khi mới 10 tuổi với vai diễn trong phim "Hai Phượng". Nữ diễn viên sở hữu một vẻ đẹp trong trẻo, thuần khiết, với gương mặt sáng, má lúm đồng tiền, ánh mắt có biểu cảm rất điện ảnh.
Theo đạo diễn Thành Ngọc, đạo diễn Lưu Huỳnh là một nhà làm phim chuyên nghiệp, dành thời gian và tình cảm cho kịch bản phim này rất nhiều: "Tôi đánh giá cao thủ pháp dẫn dắt câu chuyện, lời thoại rất đời và đầy tính ẩn dụ.
Tôi đã được nghe anh chia sẻ về cuộc hành trình đến với cô gái bị bại não ở Quảng Bình, khi được đối mặt với cô gái khuyết tật đó, trong lòng anh ấy nhói lên cảm xúc, xen lẫn sự ngưỡng mộ với người phụ nữ đầy nghị lực này".
Đó cũng là chặng đường đầu tiên đạo diễn Lưu Huỳnh lấy cảm hứng từ nhân vật có thật, gặp nhân vật ngoài đời và được sự đồng ý hỗ trợ tác phẩm. Anh cũng như diễn viên Đinh Y Nhung đã dành thời gian nói chuyện, quan sát mọi hành động của người phụ nữ bại não đó.
Chia sẻ về chuyện nghề của mình, đạo diễn Lưu Huỳnh cho biết, với anh, "Mẹ ơi, Bướm đây!" là tác phẩm tâm đắc nhất trong sự nghiệp của mình.
Để có vai diễn giành Bông sen Vàng của LHP lần này, Đinh Y Nhung (vợ của đạo diễn Lưu Huỳnh) vào vai người mẹ bị bại não, nói năng khó khăn, tay chân co rút, mọi sinh hoạt đều dùng chân. Hóa trang để làm xấu bản thân, miệng méo, mắt trợn, tay chân co quắp, vận động khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo được các biểu cảm trên gương mặt, động tác.
Y Nhung đã đến Quảng Bình sống gần với nhân vật ngoài đời để quan sát và tập luyện suốt 8 tháng để thành thục những động tác như dùng chân cầm nhíp gắp hạt gạo, xếp giấy, pha cà phê rót ra ly. Trong phim có cảnh khỏa thân và chị chấp nhận làm xấu mình đi để phô diễn thân hình của một phụ nữ lam lũ, khuyết tật.
Không chỉ Đinh Y Nhung, diễn viên Mai Cát Vi cũng mang lại nét diễn xuất sắc với khán giả. Là một biên kịch có nghề, TS Hà Thanh Vân chia sẻ, diễn viên Mai Cát Vi cũng có một màn hóa thân xuất sắc không kém vào vai cô con gái nhỏ.
Vi vào vai cô gái nhỏ tên là Bướm, 10 tuổi, phải chia cắt với người mẹ khuyết tật của mình. Nét diễn của cô bé vừa có sự ngây thơ, trong trẻo, vừa có những toan tính "già trước tuổi" nhằm mục đích để không phải xa người mẹ của mình.
Những trạng thái tâm lý được Vi diễn xuất đủ sức lấy nước mắt của khán giả, nhất là khi hai mẹ con đang yêu thương gắn bó nhau, bị chia xa, rồi hội ngộ trong bệnh viện tâm thần.
Vi có phân đoạn phim giả bị bệnh tâm thần và nói một câu: "Nhà là phải có mẹ". Câu nói đơn giản nhưng qua tình huống phim và biểu cảm giọng nói, nét mặt của diễn viên, khán giả rơi nước mắt với một bé Bướm kiên cường, mạnh mẽ, quả quyết, mà vẫn giữ nét ngây thơ của một đứa trẻ buộc phải "hiểu biết sớm".
Nhưng ở khung cảnh trường học, Vi lại trở thành một cô bé hồn nhiên, tinh nghịch đúng với lứa tuổi với những bước chân nhảy nhót líu lo, vô tư.
Từng tiếp xúc và làm việc với đạo diễn Lưu Huỳnh ở những dự án khác nhau, đạo diễn Lâm Thành Ngọc cho hay: "Anh cực kỳ gắt khi liên tục nhắc nhở nữ diễn viên tập trung luyện tập ngày đêm.
Đinh Y Nhung đã ròng rã học hỏi và luyện tập gần 1 năm trời. Đúng là thành công chẳng có gì là dễ dàng, cái giá của sự thành công là sự nỗ lực hết mình. Đó chính sự khẳng định cho một diễn viên chuyên nghiệp và tình yêu, sự đam mê với nghiệp diễn".
"Sống là phải cười" và những mảnh đời đen trắng
Đạo diễn Lâm Thành Ngọc tiếp lời có phần xúc động: "Nước mắt tôi rơi lúc nào không hay, tôi đồng cảm và dành tình yêu thương cho cả hai nhân vật nữ trong phim. Đứng ở góc độ một người làm nghề, tôi yêu thích tác phẩm này. Đặc biệt ở bộ phim này đó là tông phim đen trắng, ý đồ của đạo diễn quá thú vị: Cuộc đời chỉ có đen và trắng hay hiểu là đúng hay sai, như cuộc đời của những nhân vật trong phim".
Quả thật vậy! Các khung cảnh trong phim đều đơn giản, nhưng chọn lọc kỹ lưỡng, từ không gian sống của hai mẹ con, đến trường học của bé Bướm hay bệnh viện tâm thần. Đặc thù của phim đen trắng thường là sự tối giản của các chi tiết trong khung cảnh và chú trọng nhiều đến ánh sáng.
Tiến sĩ Hà Thanh Vân phân tích: "Trong phim ‘Mẹ ơi, Bướm đây!’, ánh sáng được sử dụng như một kiểu nhân vật ngoại cảnh vô hình. Vệt ánh sáng lọt qua khung cửa, vệt ánh sáng trên giường, trên sàn nhà, vệt tối thỉnh thoảng cắt ngang khuôn mặt nhân vật, như là một ẩn dụ cho thấy rằng cuộc sống này luôn có những mảng đời sáng tối đan xen, những ẩn ức tâm lý, tình cảm dồn nén, những khát vọng vươn về nơi có ánh sáng".
Nhân văn, giàu sức ám ảnh, nhưng vẫn trong trẻo, đầy tình yêu thương, bộ phim "Mẹ ơi, Bướm đây!" không chỉ chuyển tải thông điệp về tình mẫu tử sâu nặng hay dũng khí vượt qua những thử thách của cuộc đời, mà còn gửi đến khán giả lời nhắn nhủ: "Sống là phải cười" như một câu thoại trong phim.
Hay nụ hôn của người mẹ khuyết tật trong bệnh viện tâm thần lên bông hoa mà bé Bướm tặng cho mình nhân Ngày của Mẹ như muốn nói với khán giả rằng: cuộc đời vẫn đẹp, con người không chỉ giàu tình yêu thương, gắn bó với nhau, mà chính cuộc đời này vẫn đáng sống và cần phải sống hạnh phúc.
Chủ tịch Ban Giám khảo Phim truyện - NSND Đào Bá Sơn cho biết: Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 nhiều phim có nội dung tư tưởng và nghệ thuật được thể hiện khá sâu sắc, mang tới thông điệp nhân văn thông qua hệ thống nhân vật, khai thác cái đẹp, sự nhân ái và đặc biệt là đi sâu vào vẻ đẹp trong tâm hồn Việt Nam, con người Việt Nam cùng với bối cảnh, âm nhạc và âm thanh… tạo nên một tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
Nhiều bộ phim hay và chất lượng nghệ thuật được nâng cao, có nhiều sáng tạo hướng tới ngôn ngữ điện ảnh, nhiều tìm tòi độc đáo trong cách kể một câu chuyện.
Đội ngũ làm phim từ sản xuất, biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, âm nhạc, âm thanh và dựng phim… ngày càng chuyên nghiệp. Chúng ta ghi nhận khát vọng, tình yêu và trách nhiệm của họ trước một tác phẩm điện ảnh, là mồ hôi, công sức, là sáng tạo để tái tạo hiện thực cuộc sống hôm nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận