Nam Định khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, ghi nhận ban đầu, tỉnh Nam Định không có thiệt hại về người trong bão số 3.
Khoảng 5.000ha lúa bị ảnh hưởng nhẹ, 230ha cây hoa màu, 130ha cây ngô hè thu bị hư hỏng; 20ha nuôi cá da trơn, 220ha nuôi tôm bị ảnh hưởng. Hàng nghìn cây bóng mát,15 cột điện hạ thế bị đổ; một số công trình đê điều, phòng chống thiên tai bị sạt lở, lún sụt...
Tỉnh Nam Định đã yêu cầu các ngành, các huyện, thành phố tập trung khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra ngay trong ngày 8/9, trước mắt tiêu úng thoát nước để bảo đảm sản xuất nông nghiệp, tập trung sửa chữa bảo đảm hệ thống lưới điện được thông suốt.
Huy động các lực lượng hỗ trợ người dân bị di dời tránh bão trở về nhà và kiểm tra chỗ ở bảo đảm an toàn, hỗ trợ người dân khắc phục các thiệt hại do bão gây ra. Huy động các lực lượng dọn dẹp vệ sinh môi trường, quét dọn các đường, cơ quan, công sở, trường học... để từ ngày mai (9/9) đi vào hoạt động bình thường.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, bão số 3 là siêu bão, sức gió rất mạnh, diễn biến rất phức tạp, song chúng ta đã dự báo khá chính xác, các phương án ứng phó được triển khai từ sớm và hết sức chủ động.
Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo cho các địa phương ứng phó và toàn bộ hệ thống chính trị đã tích cực, chủ động vào cuộc trong phòng chống bão, trong đó có tỉnh Nam Định.
"Công tác ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 của các cấp chính quyền Nam Định là rất chủ động; ý thức phòng chống bão của người dân là rất tốt. Tôi mong rằng tinh thần này, ý thức này sẽ được phát huy hơn nữa trong các lĩnh vực công tác khác để Nam Định tiếp tục tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó thủ tướng, với tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, diễn biến tình hình thời tiết sẽ ngày càng cực đoan hơn, khó lường hơn. Vì thế, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; phải có chiến lược, có các cách làm bài bản, căn cơ để chủ động ứng phó.
Là địa phương ven biển, thường xuyên phải gánh chịu các cơn bão, Phó thủ tướng đề nghị Nam Định cần rà soát để có kế hoạch di dời người dân ở những vùng không an toàn đến những nơi ở mới an toàn, ổn định.
Sau làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đã tới thăm và tặng quà một số hộ dân ở TP Nam Định có nhà ở cũ nát, xuống cấp, không bảo đảm an toàn được chính quyền yêu cầu di dời, tránh trú ở nơi an toàn trong cơn bão số 3.
Thái Bình vận hành tối đa hệ thống tiêu úng, giảm thiệt hại cho nông dân
Tại Thái Bình, Phó thủ tướng Nguyễn Hoà Bình đã kiểm tra công tác bơm tiêu úng tại Trạm bơm An Quốc (xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương), công tác chống ngập úng cho lúa mùa tại xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy).
Phó thủ tướng biểu dương tỉnh Thái Bình đã chủ động, quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với cơn bão số 3, nhờ đó giảm thiểu thiệt hại. Trong đó, có việc khẩn trương vận hành tối đa hệ thống tiêu úng, giảm thiểu thiệt hại cho nông dân - nhiệm vụ quan trọng của địa phương là vựa lúa lớn trong Vùng đồng bằng sông Hồng.
Kiểm tra công tác ứng phó và khắc phục hậu quả của bão số 3 tại Công ty TNHH Lotes Việt Nam, Trạm bơm Mai Diêm nằm trong KCN Liên Hà Thái, Phó thủ tướng biểu dương nhà đầu tư hạ tầng KCN là Công ty Cổ phần Green i-Park và các doanh nghiệp đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão, bảo đảm an toàn cho người lao động và hệ thống nhà xưởng.
Đặc biệt, Công ty Cổ phần Green i-Park đã chủ động đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng trạm bơm Mai Diêm với 4 tổ máy được thiết kế năng lực tiêu thoát nước khi vận hành hết công suất là 24.000 m3/giờ, đảm bảo tiêu úng cho KCN Liên Hà Thái và hoạt động sản xuất của nông dân khu vực lân cận.
Thống kê sơ bộ của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, tính đến 15h ngày 8/9, toàn tỉnh có 29.000ha lúa, hơn 3.400ha rau màu, gần 1.500ha cây ăn quả bị ảnh hưởng. Bão số 3 cũng làm một số tuyến kè bờ sông, bờ biển và một số tuyến kênh nội đồng bị sạt lở.
Bão số 3 cũng làm một số nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, hàng loạt cây xanh bị ngã đổ.
Hiện các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang khẩn trương khắc phục hậu quả do cơn bão để lại, sớm ổn định sản xuất và sinh hoạt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận