Cứu cánh của người nghèo
Một buổi sáng thứ Bảy, quán cà phê "Mơ phố" (số 54, ngách 82/15, Yên Lãng, Hà Nội) nhộn nhịp người ra vào. Đó là những người tới khám, chữa bệnh miễn phí. Không gian quán rộng hơn 40m2 với 2 tầng được bố trí gọn gàng, tầng 1 đón tiếp người bệnh, khám tổng quát và phát thuốc miễn phí. Riêng tầng 2 dành cho khám bệnh với đầy đủ các máy móc thiết bị.
Một buổi khám bệnh miễn phí của Hội Bác sĩ tình nguyện ở quán cà phê "Mơ phố".
7h30, đội ngũ các bác sĩ già có, trẻ có cùng các tình nguyện viên là học viên các trường y khoa đều đã sẵn sàng. Hầu hết bệnh nhân đến đây là những người lớn tuổi, mang trong mình các bệnh lý thường gặp của tuổi già như: Huyết áp cao, tiểu đường, mỡ máu, đục thủy tinh thể, viêm đường hô hấp, viêm tai mũi họng, đau nhức xương khớp…
Ấp ủ với nhiều hoạt động tình nguyện chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chia sẻ khó khăn với phương châm "lá lành đùm lá rách", các chương trình "Chung sức vì sức khỏe cộng đồng" của Hội Bác sĩ tình nguyện đều đặn đến với bà con ở địa phương còn khó khăn.
Từ năm 2016 đến nay, Hội đã tổ chức khám bệnh nhân đạo và cấp thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn lượt người là đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; tặng hàng nghìn suất quà cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách…
Bà Đặng Thị Lộc (57 tuổi, trú tại Xuân Trường, Nam Định) là một trong những người bệnh đến sớm nhất. Sau hơn một giờ làm tất cả các xét nghiệm máu, siêu âm, nội soi và kiểm tra mắt… bà bần thần cầm trên tay túi thuốc được phát miễn phí, cùng chỉ định "cần đến bệnh viện khám chuyên sâu tuyến giáp và chức năng gan, thận".
Bà Lộc cho hay, quê ở Nam Định nhưng hơn chục năm nay bà cùng nhiều bạn bè lên Hà Nội buôn đồng nát, hoặc ai thuê gì làm đó. Vài chị em rủ nhau thuê căn nhà nhỏ để tá túc ban đêm, sáng ra mỗi người lại tỏa đi một hướng. Gần tuần nay, bà thấy cơ thể mệt mỏi, họng đau nên tìm đến đây.
"Các bác sĩ kiểm tra kỹ lắm, họ nói tôi có khối u tuyến giáp khá lớn, chèn ép lên dây thanh quản gây khàn tiếng, khó thở", bà Lộc nói và cho hay, đây là lần thứ hai bà tìm đến phòng khám này.
Tình cờ một lần đi mua đồng nát, bà đi ngang qua, thấy đông người nên tò mò hỏi, được biết nơi đây chuyên khám bệnh miễn phí. Vài ngày sau, bà đến khám khi thấy cơ thể có những bất thường. Tại đây, bà được chẩn đoán suy tuyến thượng thận do corticoid. Được chỉ dẫn khám chuyên khoa nội tiết ở Bệnh viện Bạch Mai, sau đó bệnh đã được điều trị khỏi.
"Nghề đồng nát thu nhập chẳng bao nhiêu, nên bảo bỏ tiền ra đi khám bệnh chắc tôi không dám. Vậy nên tôi rất biết ơn các bác sĩ ở đây", bà Lộc chia sẻ.
Địa chỉ quen thuộc với nhiều người bệnh
Ở tuổi 83, bà Nguyễn Thị Yến (trú tại Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) chân tay nhức mỏi, đi lại chậm chạp, huyết áp lúc tăng, khi giảm và đôi mắt nhìn mờ vì đục thủy tinh thể. Cách vài tuần bà lại tìm sang phòng khám để kiểm tra sức khỏe và nhận thuốc uống miễn phí.
Hội Bác sĩ tình nguyện khám răng, hàm, mặt miễn phí tại quán cà phê "Mơ phố".
"Tôi ở một mình, con cái ở xa cả, không ai đưa đến viện khám được. Có các bác sĩ ở đây, tôi tự đi được, lại miễn phí nên yên tâm", bà Yến nói. Đến khám, bà được các tình nguyện viên hỗ trợ chu đáo, được các bác sĩ tư vấn, dặn dò chi tiết việc sử dụng các loại thuốc và cách chăm sóc cơ thể, phòng các bệnh theo mùa.
Vốn mắc viêm họng và tuyến giáp mạn tính, lại thêm thời tiết thay đổi nên bà Phạm Ngọc Lan (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) liên tục ho và đau họng. Tranh thủ buổi sáng thứ Bảy, bà lại ghé vào phòng khám trong quán cà phê.
"Trước kia, cứ đau họng là tôi vào hiệu thuốc mua kháng sinh, kháng viêm để uống chứ không đi khám bao giờ, vì vào viện chờ đợi mệt mỏi lắm. Từ ngày biết đến phòng khám, tôi thường xuyên ghé. Nhiều khi chỉ cần bác sĩ tư vấn thay đổi thói quen sinh hoạt, không cần dùng đến thuốc cũng khỏi bệnh", bà Lan kể.
Với khoảng thời gian 7 năm thực hiện khám bệnh và phát thuốc không thu phí, phòng khám của Hội Bác sĩ tình nguyện Hà Nội, hàng nghìn lượt khám, hàng trăm bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe ngay tại cộng đồng.
Lan tỏa yêu thương
Từ 3 năm nay, kỹ thuật viên Đặng Thị Phương (đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chuyên ngành Gây mê hồi sức) luôn cố gắng thu xếp để có mặt tại phòng khám thiện nguyện vào mỗi sáng thứ Bảy.
Hầu hết bệnh nhân đến khám bệnh miễn phí ở quán cà phê "Mơ phố" là những người lớn tuổi.
"Công việc phù hợp với chuyên môn, lại giúp được nhiều người nên tôi rất sẵn sàng vì thấy được ý nghĩa. Đến đây, tôi còn được gặp gỡ, giao lưu với các đồng nghiệp đến từ nhiều chuyên khoa khác, rất bổ ích", chị Phương chia sẻ.
Một thành viên khác là bác sĩ Đặng Vũ Quốc Cường, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nam Định. Không quản đường sá xa xôi, mỗi tuần anh đều thu xếp lên Hà Nội và có mặt từ rất sớm.
"Với chuyên môn của mình, chúng tôi cố gắng thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh lý để kịp thời có tư vấn, khuyến cáo bệnh nhân sớm tiếp cận chuyên khoa để được điều trị. Chúng tôi mong thông tin về những buổi khám miễn phí này lan tỏa đến được với nhiều người lao động khó khăn hơn nữa".
BS Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hội trưởng Hội Bác sĩ tình nguyện Hà Nội chia sẻ, ngay từ khi còn là sinh viên, tham gia công tác thiện nguyện, anh đã không cầm lòng trước những hoàn cảnh khó khăn, quanh năm chạy ăn từng bữa, chưa một lần được khám, chăm sóc sức khỏe, ốm đau cũng không có tiền để mua thuốc.
Ấp ủ kế hoạch từ lâu, đến năm 2016, BS Tuấn Anh đứng ra thành lập Hội Bác sĩ tình nguyện Hà Nội, tập hợp những bác sĩ, dược sĩ đang công tác hoặc đã nghỉ hưu. Bên cạnh đó, Hội cũng thu hút được sự tham gia của lực lượng lớn các tình nguyện viên là sinh viên đại học y, dược và nhiều người công tác ở nhiều ngành nghề khác nhau.
Mở quán cà phê "Mơ phố" là trong số các dự án của Hội. Toàn bộ số tiền kinh doanh từ quán đều được dành để gây quỹ thực hiện khám bệnh, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Để có thêm kinh phí, mỗi thành viên đều tự nguyện đóng góp và kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ.
BS Ngô Tuấn Anh cho biết, hoạt động của phòng khám thiện nguyện được Sở Y tế Hà Nội cấp phép, các bác sĩ tham gia khám, chữa bệnh đều có chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn.
Ngoài sự ủng hộ, tài trợ từ các hội viên Hội Bác sĩ tình nguyện, các cá nhân, tập thể thiện nguyện, tiền kinh doanh quán cà phê "Mơ phố", nguồn thu của quỹ còn đến từ các dự án khác như dự án "Mơ phố Đồ cũ", quyên góp từ cộng đồng các sản phẩm đồ cũ nhưng vẫn còn giá trị sử dụng và được đem bán.
Bên cạnh đó, có nhiều dự án hướng tới cộng đồng cũng được triển khai, như dự án "Mơ phố Book", huy động sách gửi tặng trẻ em vùng cao; "Mơ phố Giáo dục" với việc mở các lớp tập huấn sơ cấp cứu, phòng tai nạn thương tích miễn phí cho thanh, thiếu niên…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận