Điện ảnh

Phũ với phim “Bố già" của Trấn Thành, web Rotten Tomatoes quyền lực cỡ nào?

22/02/2022, 19:00
image

Sau hơn 20 năm ra đời, web Rotten Tomatoes thậm chí còn được coi là kẻ phán quyết thành bại một bộ phim.

Tranh cãi chưa có hồi kết

Sau thành công doanh thu hơn 400 tỷ đồng trong nước và khoảng một triệu USD ở Bắc Mỹ, phim "Bố già" của Trấn Thành tiếp tục trở thành tâm điểm của dư luận khi nhận nhiều đánh giá khen - chê từ các nhà phê bình quốc tế.

img

"Bố già" nhận về điểm số "chạm đáy" trên Rotten Tomatoes

Trên chuyên trang đánh giá điện ảnh Rotten Tomatoes, "Bố già" đạt 95% đánh giá tích cực từ khán giả nhưng chỉ nhận 29% điểm trung bình từ bảy tờ báo, trang bình luận.

Điển hình, nhà phê bình điện ảnh kỳ cựu Todd McCarthy đánh giá "Bố già" là một phim bi - hài kịch ồn ào với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen dày đặc.

Ông viết: "Phim được xây dựng trên nền tảng những tình tiết lẻ tẻ của thể loại sitcom hoặc đơn thuần từ những câu đùa lồng ghép trên nền nhạc hài hước, thao túng cảm xúc khán giả theo cách thảm hại nhất. Mọi trò đùa đều được kết thúc bằng một điệu nhạc mạnh mẽ đầy ngớ ngẩn".

Còn, James Marsh của tờ South China Morning Post đánh giá việc phát triển bộ phim theo nhiều hướng cùng lúc khiến "Bố già" như một bộ phim truyền hình dài tập thiếu sự tinh tế và nhất quán về âm sắc.

Cây viết Mark Keizer đến từ Variety nhận ra được ý đồ của Trấn Thành khi muốn thể hiện nên một đô thị đa tầng cũng như khoảng cách giữa các thế hệ. Song ông lại gay gắt cho rằng điểm yếu của phim là chuyển hướng quá nhiều và có nhiều chi tiết câu nước mắt ở nửa sau. Phim mang nhiều màu sắc địa phương nhưng không thể bù đắp sự bi kịch và hài hước quá mức.

"Trấn Thành có thể phát triển thành một nhà làm phim mang tiếng nói quốc tế đáng được chú ý hơn nếu ngưng "gào thét" trước ống kính", Mark Keizer bày tỏ.

img

Hình ảnh Trấn Thành trong phim "Bố già"

Ngay sau khi thông tin này được chia sẻ, cộng đồng phim Việt chia thành hai luồng ý kiến khác nhau và không ngừng tranh cãi.

Một bên cho rằng tác phẩm "Bố già" đã được thổi phồng quá mức và không hề hấp dẫn như nhiều lời đồn đại. Còn một bên khác vẫn khẳng định sức hút của bộ phim cũng như cho rằng các nhà phê bình quốc tế không thể hoàn toàn hiểu hết được thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải do cách biệt lớn về ngôn ngữ cũng như văn hóa.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm lên tiếng bênh vực Trấn Thành. Anh cho biết thông tin phim bị đánh giá thấp là mọi người chưa tìm hiểu kỹ.

Những nhận xét trên trang Rotten Tomatoes đã xuất hiện từ năm ngoái khi công chiếu phim tại Mỹ chứ không phải thời gian gần đây. Đó cũng chỉ là kênh tham khảo, còn quá ít dữ kiện để cho rằng phim Việt bị báo chí nước ngoài chê.

Rotten Tomatoes quyền lực cỡ nào?

Nhiều năm qua, giới mộ điệu không còn xa lạ với trang web phê bình phim, trang Rotten Tomatoes. Sau hơn 20 năm ra đời, trang web "Cà chua thối" thậm chí còn được coi là kẻ phán quyết thành bại một bộ phim.

Đây cũng là điều Ethan Titelman, phó chủ tịch hãng nghiên cứu điện ảnh National Research Group (NRG) từng thốt lên.

img

Phim Hollywood thành hay bại đa phần nhờ vào điểm đánh giá trên Rotten Tomatoes

Thống kê của NRG cho thấy 50% khán giả đều xem điểm số của phim trên trang web này trước khi mua vé. 82% "có hứng thú" xem phim hơn nếu nó có điểm cao, và 66% sẽ ái ngại nếu phim có điểm thấp.

Nhưng quan trọng hơn, ảnh hưởng của Rotten Tomatoes đang tăng cao và lan rộng. Trong khi đó, đây chỉ là một công cụ để biên soạn các bài phê bình phim, tập hợp chúng vào một chỗ. Có hay không sự khách quan ở Rotten Tomatoes là điều khiến giới trong nghề trăn trở.

Trang Deadline từng chỉ trích: "Trang web tập hợp các nhà phê bình này đang làm chậm lại tiềm năng kinh doanh của các phim thương mại". Còn đạo diễn Brett Ratner gọi Rotten Tomatoes là "thứ tệ nhất từng có trong lịch sử điện ảnh" và "sự phá hoại ngành kinh doanh của chúng ta".

img

Rotten Tomatoes khiến giới mộ điệu hoài nghi về sự khách quan

The Guardian lại cho rằng, việc Rotten Tomatoes ảnh hưởng như thế nào đến doanh thu các phim không quan trọng bằng việc trang web này thực sự đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến cách cảm nhận, đánh giá phim của một thế hệ khán giả.

"Rotten Tomatoes có thể không giết các bộ phim, nhưng nó đang giết nền phê bình. Không chỉ bỏ qua các chuyên gia để tạo tiếng vang với khán giả đại chúng, trang web này còn phân chia đánh giá của người dùng thành hai dạng: tích cực và tiêu cực", tờ báo viết.

Điều này khiến những phim được đông đảo người dùng cho là dễ xem và dễ cảm nhận có thể dễ dàng đạt mức "cà chua tươi" hay thậm chí số điểm 100%. Nhưng còn những phim thách thức người xem, gây tranh cãi, thử nghiệm hoặc sáng tạo điện ảnh mới sẽ nhận lại được gì? Chúng chia rẽ các ý kiến và kết quả là đạt điểm số cực thấp.

Rotten Tomatoes ra đời năm 1998 do Senh Duong sáng lập. Trang web này có 3 mức độ đánh giá:

Fresh (cà chua tươi) - dành cho những bộ phim được công chiếu và nhận được trên 60% các đánh giá đều khen.

Rotten (cà chua thối) - dành cho những bộ phim được công chiếu và nhận dưới 60% các đánh giá khen.

Certified Fresh (cà chua ngon) - dành cho những bộ phim được công chiếu và nhận được ít nhất 80 bài đánh giá, trên 70% bài khen và có 5 bài nhận định đến từ các nhà phê bình - nhà báo uy tín. Ngoài ra, với phim công chiếu (bị hạn chế) thì ít nhất có 40 bài đánh giá và trên 70% bài viết đều là bài khen.

img

Lan Hương mắc Covid-19 lúc "Thương ngày nắng về" phần 2 ngày đầu khai máy

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.