Vụ TNGT giữa xe đầu kéo với xe máy khiến 2 người tử vong trên cầu Gianh, Tx. Ba Đồn, Quảng Bình. |
Trong 6 tháng đầu năm 2017, thực hiện kế hoạch 08 của Ủy ban ATGT Quốc gia về thực hiện năm ATGT 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên trên hết, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh Quảng Bình đã huy động cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương vào triển khai các biện pháp kiềm chế TNGT trên địa bàn. Các địa phương cũng đã rất quyết liệt trong công tác kiểm tra xử lý vi phạm giao thông, gắn trách nhiệm với người đứng đầu địa phương, thủ trưởng đơn vị, tuy nhiên TNGT ở tỉnh này vẫn diễn biến phức tạp.
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Quảng Bình, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 122 vụ TNGT, làm chết 64 người, bị thương 94 người. So với cùng kỳ năm trước, TNGT giảm trên 2 tiêu chí số vụ và số người bị thương, tuy nhiên số người chết vì TNGT lại tăng nóng, tăng 14%. Trong đó, có 2 địa phương tăng cao về số người tử vong là thị xã Ba Đồn và TP. Đồng Hới với mức tăng lần lượt là 200% và 300%.
Về việc TNGT có dấu hiệu tăng nóng trong 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, kiêm Trưởng ban ATGT tỉnh – Nguyễn Hữu Hoài thẳng thắn nêu quan điểm: 7 năm liên tiếp TNGT ở Quảng Bình giảm, thậm chí thường xuyên nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu về kéo giảm TNGT. Năm nay, ngay từ đầu năm UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã họp và tiếp tục đặt quyết tâm kéo giảm TNGT từ 5-10%, tuy nhiên, 6 tháng đầu năm số người chết vì TNGT lại tăng nóng. TNGT có nhiều lý do, có khi do may rủi, nhưng cũng có thể do sự vào cuộc, công tác chỉ đạo điều hành ở các địa phương chưa quyết liệt. Để kiềm chế TNGT trong thời gian từ nay đến cuối năm, đòi hỏi các sở ngành, chính quyền địa phương phải chỉ ra được nguyên nhân nào dẫn đến việc tăng TNGT, từ đó có giải pháp cụ thể.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - Nguyễn Hữu Hoài yêu cầu các địa phương thẳng thắn nhìn nhận vào những tồn tại làm gia tăng nguy cơ mất ATGT |
Ông Hoàng Đình Thắng - Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới cho rằng: TNGT ở địa bàn thành phố tăng là do quá trình đô thị hóa nhanh ở Đồng Hới, số lượng người và phương tiện liên tục tăng qua các năm. Trong khi đó hệ thống giao thông chưa theo kịp, mật độ phương tiện trên một số tuyến chính tăng gây nguy cơ ùn tắc và mất ATGT. Vì vậy, thành phố đề nghị tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với thành phố xây dựng lại phương án phân luồng giao thông và tổ chức giao thông trên một số tuyến, một số nút giao trục chính như đường Hùng Vương, đường Hữu Nghị, Trần Quang Khải...
Còn Chủ tịch huyện Quảng Ninh cho rằng: Cần cải tạo nút giao như nút giao Nam cầu Quán Hàu, bởi hiện nay việc bố trí đảo giao thông ở đây không hợp lý, gây ra nguy cơ TNGT trên tuyến rất cao. Huyện đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết.
“Đường địa phương xuống cấp không có vốn sửa chữa, xe quá khổ, quá tải, xe tải trọng lớn tái bùng phát là những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn. Vì vậy, đề nghị tỉnh xem xét bố trí vốn để hỗ trợ địa phương sửa đường đảm bảo ATGT. Đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường xử lý xe quá tải trên QL12A để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, đề nghị Cục QLĐB II cho lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng ở khu vực dân cư 2 đầu cầu Lý Hoà để đảm bảo ATGT vào ban đêm” – đại diện Ban ATGT huyện Quảng Trạch nêu quan điểm.
Là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường, Phó Giám đốc công an tỉnh Quảng Bình – Đại tá Trần Minh Thùy cho rằng phải nhìn nhận thẳng vào vấn đề. Nguyên nhân dẫn đến TNGT về khách quan do mưa lũ làm một số tuyến hư hỏng gây mất ATGT trên tuyến, do ý thức người dân chưa cao... Nhưng chủ quan có thể thấy rõ là QL1A sau khi nâng cấp có 1 số đoạn thi công chất lượng không cao bị hằn lún vệt sống trâu, một số đoạn được xử lý bằng cào bóc nhưng không kẻ lại vạch sơn đường gây nguy cơ mất ATGT. Có đoạn, phương án tổ chức giao thông hợp lý cho ô tô khách đường dài, xe tải trọng lớn đi vào khu vực dân cư gây mất an toàn. Vì vậy muốn kéo giảm TNGT phải giải quyết triệt để các tồn tại này, đề nghị công an các huyện và chính quyền địa phương nghiên cứu nêu giải pháp, nếu cần thì tổ chức hội thảo mời các cấp ngành vào cuộc, cùng đưa ra giải pháp.
Sau khi ghi nhận và giải đáp các ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Hữu Hoài – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng: Các huyện thị xã phải xác định đảm bảo TTATGT, kéo giảm TNGT là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp huyện, cấp xã đều phải tham gia. Ngay sau cuộc họp này, huyện phải tổ chức họp với xã, xã họp với xóm. Chúng ta phải hiểu đây không phải là việc của 6 tháng cuối năm mà là nhiệm vụ kéo dài xuyên suốt vì nó liên quan trực tiếp tới tính mạng con người.
Những nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đưa ra gồm: Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền tại địa phương, khu dân cư. Tập trung rà soát ngăn ngừa các nguy cơ mất ATGT trên tuyến, siết chặt xử lý vi phạm trên tuyến, đồng thời tằng cường biện pháp đảm bảo TTATGT dịp nghỉ hè, mùa du lịch và mùa mưa lũ. Cùng đó, Sở GTVT, Công an tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả trong quản lý giao thông và xử lý vi phạm giao thông.
Riêng về hệ thống điện chiếu sáng trên QL1, 2 đầu cầu Lý Hoà, đoạn qua các xã Đại Trạch, Nam Trạch và Gia Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Cục QLĐB II đề xuất lên Tổng cục ĐBVN cho triển khai thi công lắp đặt. Tỉnh sẽ chịu trách nhiệm quản lý và trả chi phí vận hành hệ thống này. Bởi lẽ, điện chiếu sáng ban đêm không chỉ góp phần làm giảm TNGT trên tuyến mà còn tạo mỹ quan cho khu vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận