Xã hội

Quảng Ngãi tăng 34 bậc về chỉ số chuyển đổi số

14/07/2023, 17:13

Công tác chuyển đổi số năm 2022 của tỉnh Quảng Ngãi đã có bước tăng ngoạn mục, vượt 34 bậc lên vị trí thứ 26/63 tỉnh, thành.

Công tác chuyển đổi số (CĐS) được tỉnh Quảng Ngãi đưa vào nhiệm vụ chính trị để thực hiện trong năm 2022 và cả giai đoạn. Trong đó, ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, việc cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đã tạo “làn gió mới” trong quá trình CĐS của địa phương này.

Tăng 34 bậc sau một năm

Năm 2021, theo bảng xếp hạng CĐS quốc gia, tỉnh Quảng Ngãi xếp ở vị trí thứ 50. Từ thực tiễn và các cuộc họp bàn thảo, tìm ra nguyên nhân để khắc phục, tỉnh Quảng Ngãi đã quyết tâm thay đổi. Trong đó, sự dịch chuyển vị thứ trên bảng xếp hạng không chỉ là con số mà còn thể hiện rõ việc phục vụ nhân dân, doanh nghiệp một cách cụ thể, chi tiết.

img

Sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi trong công cuộc chuyển đổi số đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Theo Sở TT&TT Quảng Ngãi, để khắc phục những tồn tại, nhược điểm trong CĐS được chỉ ra, tỉnh xác định cấu trúc CĐS của tỉnh có 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Từ đó, việc tập trung khắc phục và nâng cao tính hiệu quả trong CĐS được đề ra và tập trung xử lý.

Qua nhiều nỗ lực, vừa qua tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về CĐS quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết quả Chỉ số CĐS năm 2022. Theo đó, Quảng Ngãi xếp vị trí thứ 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 34 bậc so với năm 2021. Trong đó, xếp thứ 17/63 về chính quyền số, xếp thứ 17/63 về kinh tế số và đứng thứ 15/63 về xã hội số.

Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ngãi Trần Thanh Trường cho rằng, kết quả trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong công tác CĐS trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, năm 2022, 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã triển khai sử dụng Phần mềm Quản lý văn bản điện tử và điều hành dùng chung (https://ioffice.quangngai.gov.vn) theo mô hình tập trung, liên thông 4 cấp và sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử.

Từ đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tăng liên tục trên tất cả các lĩnh vực, trong năm đã tiếp nhận, giải quyết hơn 48.000 hồ sơ trực tuyến, tăng hơn 56%/năm so với năm trước. Đã có 688 dịch vụ công (DVC) trực tuyến một phần và toàn trình được tích hợp lên Cổng DVC quốc gia, với gần 250 thủ tục có thể thanh toán trực tuyến.

Ngoài ra, tỉnh cũng chính thức kết nối vào CSDL Quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Nhờ đó, công dân có thể sử dụng tài khoản trên Cổng DVC quốc gia VNPOST hoặc VneID để đăng nhập thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).

img

Nhiều thủ tục hành chính đã được "số hóa" nên người dân và doanh nghiệp chỉ thực hiện thông qua điện thoại thông minh góp phần giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục, giấy tờ.

Công tác phối hợp Cục Bưu điện Trung ương để triển khai quản lý, giám sát mạng Truyền số liệu chuyên dùng theo 4 cấp hành chính được thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, việc chú trọng đến công tác an toàn, an ninh mạng cũng được quan tâm nên đến nay, Quảng Ngãi đã hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn thông tin đối với 40/40 hệ thống thông tin cấp tỉnh và huyện.

Tiếp tục đẩy mạnh CĐS để phục vụ nhân dân

Theo lãnh đạo Sở TT&TT Quảng Ngãi, kết quả CĐS đạt được của năm 2022 cho thấy những nỗ lực trong việc đưa các TTHC lên thực hiện trên môi trường trực tuyến đã cải thiện môi trường hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong quá trình xử lý hồ sơ, giấy tờ liên quan mà không phải đến các cơ quan công sở như trước đây.

Năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện CĐS đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh. Môi trường số được hình thành và phát triển trên cơ sở đảm bảo an toàn, tiện ích phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống của người dân. Để thực hiện có hiệu quả, địa phương phân khai hơn 71,5 tỷ đồng cho các sở, ngành, đơn vị và các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện CĐS.

Cụ thể như việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục Đăng ký thành lập hộ kinh doanh, thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh được UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện qua hình thức trực tuyến từ tháng 10/2022.

Theo ông Trường, hầu hết các TTHC sẽ được thực hiện thông qua ứng dụng trên thiết bị di động và trực tuyến trên Cổng dịch vụ công. Qua 3 giai đoạn triển khai, đa số các địa phương thực hiện đạt cao hơn chỉ tiêu được giao với gần 98% hồ sơ thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến đối với 2 thủ tục này.

Nhận thấy việc CĐS trong thực hiện các TTHC đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nên từ tháng 6/2023, văn phòng UBND tỉnh chính thức đưa vào sử dụng ứng dụng “DVC Quảng Ngãi” trên thiết bị di động đối với 4 thủ tục: Thông báo hoạt động khuyến mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương; Đăng ký thành lập hộ kinh doanh; Chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh; Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện. Và cả 4 thủ tục này Văn phòng UBND tỉnh chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, không tiếp nhận hồ sơ giấy.

Cũng từ tháng 6/2023, Sở Công thương Quảng Ngãi cũng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, không tiếp nhận hồ sơ giấy đối với TTHC “Thông báo hoạt động khuyến mại” nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân khi thực hiện DVC trực tuyến.

img

Rất nhiều dịch vụ công trong bộ TTHC được tỉnh Quảng Ngãi số hóa trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Trên cơ sở tính hiệu quả của CĐS, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo về triển khai thực hiện cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử… trong thời gian tới. Đồng thời, quán triệt các phòng chuyên môn, UBND cấp xã, công chức đăng ký hộ tịch thực hiện trình ký, ký số bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử phục vụ liên thông TTHC do Bộ Tư pháp cung cấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho biết, để công cuộc CĐS ngày càng hiệu quả, thiết thực, tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường triển khai thực hiện tốt Đề án 06. Trong đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác làm sạch dữ liệu dân cư, hộ tịch, tiêm chủng… để đảm bảo nguồn thông tin chính xác phục vụ chia sẻ, kết nối. Dữ liệu công dân phải luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.