Xã hội

Quảng Ninh bỏ 1 đồng vốn mồi thu 8-9 đồng ngoài ngân sách đầu tư giao thông

03/12/2022, 18:28

Từ các nguồn lực, Quảng Ninh đã đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối chặt chẽ giữa thành thị với nông thôn và địa phương khác.

Huy động tối đa nguồn lực, hoàn thiện hệ thống giao thông trọng điểm

Có thể khẳng định, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hồi tháng 9 vừa qua là kết quả dám nghĩ, dám làm, với tư duy đột phá của tỉnh Quảng Ninh trong việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, tạo sự liên kết nội vùng, liên vùng và với các địa phương lân cận.

img

Tuyến cao tốc chạy xuyên tỉnh Quảng Ninh đã tạo ra sự liên kết vùng chặt chẽ

Bởi với chiều dài 176km, nối TP Hải Phòng qua TP Hạ Long sang Vân Đồn rồi xuyên suốt ra TP Móng Cái, được thiết kế với vận tốc 120km/giờ, 4 làn xe, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã mở ra một không gian phát triển mới không chỉ cho địa phương, mà còn tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 44 nghìn tỷ đồng (trong đó, của tỉnh là hơn 15 nghìn tỷ đồng và doanh nghiệp là hơn 28 nghìn tỷ đồng) đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến TP Móng Cái từ 7 giờ như trước đây xuống còn khoảng 3 giờ như hiện nay.

img

Tuyến đường từ trung tâm huyện Đầm Hà lên xã miền núi Quảng An đang được khẩn trương thi công

Một trong những tuyến đường có mang tính chất liên vùng, kết nối 2 trung tâm kinh tế của Quảng Ninh là đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.

Tuyến đường này được đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, dài gần 18 km với thiết kế 6 làn xe, vận tốc thiết kế 60 km/h. Giai đoạn 1 của tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2022. Hiện TP Hạ Long và TP Cẩm Phả đang triển khai giai đoạn 2.

Khi hoàn thành, với sự đầu tư đồng bộ, tuyến đường này không chỉ là một trong những tuyến đường ven biển đẹp mà còn mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm thiểu áp lực của tuyến QL18A qua 2 địa phương này.

Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thiện được nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm như: Cảng tàu Quốc tế Hòn Gai, Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn cùng nhiều tuyến giao thông huyết mạch tại huyện đảo Vân Đồn, TP Cẩm Phả, TP Hạ Long...

img

Giai đoạn 2 của dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả đang được tích cực triển khai

Theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược được tỉnh Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian qua và lâu dài.

Đặc biệt, để phát triển hạ tầng giao thông, Quảng Ninh đã kiên trì thực hiện phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là "vốn mồi" để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác cho phát triển hạ tầng giao thông...

"Thành công nổi bật của Quảng Ninh là từ năm 2013 đến nay, địa phương đã triển khai 46 dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng số vốn 58.800 tỷ đồng, trong đó Nhà nước tham gia chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8 đến 9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào địa bàn...", vị lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh chỉ rõ.

img

Cảng dịch vụ cao cấp Ao Tiên, huyện Vân Đồn mới được đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho việc kết nối giữa tuyến bờ với hải đảo trên địa bàn

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã và đang nghiên cứu, trao đổi để thống nhất đầu tư đường kết nối Hạ Long - Lạng Sơn và Hạ Long - Bắc Giang. Những công trình này là những tuyến giao thông quan trọng kết nối, liên kết vùng, nhất là kết nối di sản của các địa phương, mở ra cơ hội lớn cho phát triển du lịch Quảng Ninh và Bắc Giang, Lạng Sơn...

Kết nối chặt chẽ giao thông ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo

Cùng với việc hoàn thiện các tuyến giao thông trọng điểm, tạo động lực liên kết vùng, nội vùng, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông cho khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.

img

Dự án giao thông ở xã miền núi Đại Dực, huyện Tiên Yên đang được triển khai, tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vươn lên làm giàu

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, trong 10 năm qua, từ các nguồn vốn của Chương trình 135, Đề án 196 và Chương trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh đã đầu tư, nâng cấp hàng nghìn công trình giao thông ở các địa phương.

Trong đó, có nhiều công trình đường giao thông, cầu, cống được đầu tư xây mới với hệ thống đèn chiếu sáng, biển báo, đèn tín hiệu nhằm hạn chế tình trạng mất ATGT. Đến nay, 100% xã thuộc khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đều đã có đường bê tông khang trang, sạch đẹp, thuận lợi cho đi lại, phát triển giao thương và sản xuất.

img

Tuyến đường đấu nối với QL18C ở vùng dân tộc thiểu số huyện Hải Hà được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn

Để tăng cường liên kết vùng, kết nối khu vực, Quảng Ninh đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư tuyến đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với TX Đông Triều, dài 41,2km, tổng mức đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong thời gian tới.

Khi đi vào sử dụng, tuyến đường này có vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông đối ngoại, đối nội, là trục phát triển không gian, kết nối các đô thị quan trọng trên hành lang kinh tế phía tây của Quảng Ninh. Tuyến đường sẽ đánh thức tiềm năng, lợi thế và tăng sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư vào khu vực miền tây của tỉnh.

img

Nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến QL18C kết nối 2 khu kinh tế cửa khẩu ở Quảng Ninh

Một trong những tuyến giao thông đóng vai trò quan trọng để phát triển kinh tế khu vực đồng bào dân tộc, biên giới là Quảng Ninh đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nâng cấp, mở rộng QL18C kết nối 2 khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà.

Dự án do Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh làm chủ đầu tư, chiều dài tuyến là 13,83km, điểm đầu tuyến tại cầu Pò Hèn (Km88+195), trung tâm xã Hải Sơn, điểm cuối tuyến tại khu vực Km103+314, QL18C.

Dự án có nền đường rộng 9m, mặt đường 6m. Đây là công trình giao thông cấp III miền núi, vận tốc thiết kế 60km/h có tổng mức đầu tư là 297 tỷ đồng. Tiến độ thi công của dự án là 660 ngày kể từ ngày khởi công.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thu, Giám đốc Công ty TNHH Thành Dương, nhà thầu thi công tuyến đường cho biết: Do mặt bằng được bàn giao đầy đủ cùng với điều kiện địa chất và thời tiết thuận lợi, nên dự kiến cuối năm nay, dự án đã có thể hoàn thành, rút ngắn được khoảng 300 ngày thi công.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.