Di dời vẫn thấp thỏm lo nhà cửa, tài sản
Ngày cuối tháng 9, khu dân cư ở tổ 7, khu 5, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả im lìm vì 136 hộ đã di dời khẩn cấp từ đêm 11/9 khi trên sườn đồi xuất hiện vết sạt lở lớn. Thi thoảng, có người trở về nhà, nhưng chỉ để ngó qua nhà cửa, lấy vài món đồ rồi vội vã rời đi.
Mở cửa căn nhà còn rất mới nằm cận tuyến đường liên xã Quang Hanh - Dương Huy, anh Trịnh Minh Tuấn nhanh chóng kiểm tra các phòng, cửa ra vào rồi vơ vội mấy bộ quần áo để di chuyển ra ngoài.
Trước đây, anh Tuấn và mẹ ở thôn Khe Sím, xã Dương Huy, TP Cẩm Phả. Mấy năm trước, thôn này thuộc diện phải di dời khẩn cấp vì nguy cơ ngập lụt, nên gia đình anh được nhận 2,5 tỷ đồng đền bù, hỗ trợ và mua đất, xây nhà tại khu 5, phường Quang Hanh.
"Rời nơi ở ngập lụt, những tưởng ở trên đồi cao như thế này thì yên tâm. Nào ngờ chiều 11/9, sườn đồi xuất hiện vết nứt lớn. Bức tường ngăn giữa thửa đất nhà tôi và hàng xóm đổ ụp xuống. Đến đêm thì chính quyền yêu cầu di dời khẩn cấp, từ đó tôi và mẹ mỗi người tá túc một nơi", anh Tuấn kể.
Cũng tranh thủ ghé qua nhà cho gà lợn ăn, anh Hồ Văn Đại cho biết, anh là công nhân Công ty Than Dương Huy - TKV. Năm 2011, anh Đại lấy vợ và mua lại căn nhà này trị giá 250 triệu đồng rồi sửa sang lại ở.
"Khi khu phố xuất hiện vết sạt lở, nhà tôi cũng nứt nền nhà. Vợ chồng tôi và 2 con nhỏ phải đi ở nhờ. Hàng ngày tôi đảo qua nhà cho gà lợn ăn, lấy ít đồ dùng rồi phải đi ngay", anh Đại cho hay.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, khu vực sạt lở nằm ở phía tây ngọn đồi tại tổ 7, khu 5. Tại đây, xuất hiện một vết nứt khá lớn lớn, kéo dài hàng chục mét.
Đáng chú ý là, vết nứt đã kéo theo một vạt đồi với một số cây xanh. Theo một số người dân thì dường như vết nứt này không rộng ra nhiều so với thời điểm ngày 11/9.
Hiện nhiều hộ dân khu 5, phường Quang Hanh được Công ty Khe Sim (Tổng công ty Đông Bắc) bố trí cho ở nhờ. Các căn hộ bố trí cho người dân ở nhờ có phần chật chội, nhưng ngăn nắp và tương đối đầy đủ vật dụng sinh hoạt tối thiểu.
Chị Phạm Thị Thu, ở tổ 7, khu 5, phường Quang Hanh cho biết, chính quyền và Công ty Khe Sim rất chia sẻ và tạo điều kiện tốt cho bà con trong những ngày "lánh nạn" tại đây.
"Tôi mua đất, làm căn nhà gần 2 tỷ đồng từ năm 2022 và còn nợ mấy trăm triệu đồng. Giờ rất mong chính quyền địa phương sớm xác định được nguyên nhân sạt lở, có giải pháp xử lý, thông báo cho bà con yên tâm", chị Thu nói.
Đang xác định cung nứt đất, tìm giải pháp xử lý an toàn
Ngay khi phát hiện tại khu vực tổ 7, khu 5, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả có hiện tượng sụt, lún ở khu vực phía tây sườn đồi, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu TP Cẩm Phả, phường Quang Hanh di dời khẩn cấp 136 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ngay trong đêm 11/9, gần 400 người dân phường Quang Hanh, gồm khu 5 có 68 hộ, 200 nhân khẩu; khu 6 có 38 hộ, 122 nhân khẩu và khu 7A có 30 hộ với 78 nhân khẩu đã được đưa đến nơi an toàn.
Các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan đã và đang tạo điều kiện tốt nhất cho người dân về cơ sở vật chất, phương tiện... trong quá trình di dời, tạm trú.
Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với TP Cẩm Phả khẩn trương mời nhiều đơn vị chuyên ngành để tổ chức quan trắc, khảo sát khu vực sạt trượt.
Trên cơ sở khảo sát, quan trắc ban đầu, ngày 26/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo phương án xử lý.
Tại cuộc họp này, trên cơ sở kết quả phân tích điểm nứt đất là một cung trượt phát triển phức tạp, cung trượt sâu, các đơn vị chuyên ngành khuyến nghị TP Cẩm Phả đã tiếp tục thực hiện các biện pháp di dời đối với các hộ dân cho đến khi hoàn thành phương án xử lý dứt điểm nguy cơ sạt lở.
Trước đề nghị của TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với hiện tượng sạt trượt đất đá tại tổ 7, khu 5, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả.
Tại cuộc họp, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, TP Cẩm Phả phối hợp với các đơn vị chuyên ngành tổ chức khảo sát chi tiết và mở rộng khu vực sạt lở để xác định chính xác cung nứt đất.
Sau một tháng công bố tình huống khẩn cấp, thành phố phải có báo cáo kết quả công tác điều tra, khảo sát, lấy mẫu, phân tích chuyên sâu để có phương án xử lý an toàn tại khu vực này trong thời gian tiếp theo, đảm bảo ổn định đời sống sinh hoạt cho nhân dân…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận