Sáng nay (19/6), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và các Nghị quyết quan trọng khác.
Theo đó, với Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, có tổng số 458 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (đạt 94,82%), trong đó bấm nút tán thành là 443 (chiếm 91,72%), không tán thành 12 và không biểu quyết là 3 ý kiến.
Với Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, có tổng số 449 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (đạt 92,96%), trong đó bấm nút tán thành là 442 (chiếm 91,51%), không tán thành 4 và không biểu quyết là 3 ý kiến.
Với Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, có tổng số 446 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (đạt 92,34%), trong đó bấm nút tán thành là 440 (chiếm 91,10%), không tán thành 4 và không biểu quyết là 2 ý kiến.
Với Nghị quyết về việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, có tổng số 456 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (đạt 94,41%), trong đó bấm nút tán thành là 456 (chiếm 94,41%), không tán thành 0 và không biểu quyết là 0 ý kiến.
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2017 bằng Nghị quyết số 52/2017/QH14. Chiều dài toàn dự án khoảng 654 km chia thành 11 dự án thành phần, trong đó 3 dự án thành phần đầu tư công và 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP; tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng (bao gồm 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước; 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách).
Tuy nhiên sau 2 năm triển khai với nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong huy động vốn tín dụng cho thực hiện dự án PPP, Chính phủ đã báo cáo và kiến nghị Quốc hội thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Với việc thông qua Nghị quyết kỳ này, Quốc hội đã thống nhất cho điều chỉnh đầu tư từ đầu tư PPP sang đầu tư công 100% vốn Nhà nước với 3 dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây, tiến độ thời gian hoàn thành đặt ra là cuối năm 2022. 5 dự án còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.
Tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án là khoảng 100.816 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách Nhà nước khoảng 78.461 tỷ đồng (55.000 tỷ đồng đã bố trí theo Nghị quyết số 52/2017/QH14; cần bổ sung 23.461 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách 22.355 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận